Người giỏi thường làm báo..."chậm"

author 14:40 17/06/2013

(VietQ.vn) - “Ở đời, việc gì làm tốt cũng khó. Làm báo cực kỳ khó khăn, đòi hỏi nhiều phẩm chất, trở thành một nhà báo uy tín, độc giả tin cậy được thì là quá trình phấn đấu rất không dễ dàng”, buổi phỏng vấn của tôi với nhà báo Hồng Thanh Quang đã bắt đầu bằng câu trải lòng ấy của anh. Trong suốt cuộc trò chuyện, anh đã giúp một phóng viên mới “chân ướt chân ráo” vào nghề như tôi hiểu thêm về con đường đầy thách thức phía trước mà mình sẽ phải đi khi mà công nghệ “làm báo fast food” đang nở rộ và đầy cám dỗ…

Lời Tòa soạn: Lời Tòa soạn: Nhân dịp kỷ niệm ngày Báo chí Việt Nam 21/6, Chất lượng Việt Nam giới thiệu loạt bài “Làm báo thời nay”, khắc họa những nét thú vị về những người cầm bút..

Nhà báo Hồng Thanh Quang (trái) cùng nhạc sĩ Lê Tâm ở Lào Cai trong một chuyến công tác.
Nhà báo Hồng Thanh Quang (trái) cùng nhạc sĩ Lê Tâm ở Lào Cai trong một chuyến công tác.

- Hiện trong làng báo, đặc biệt là ở các tờ báo mạng, xuất hiện xu hướng làm báo fast food.  Tức là gần như phóng viên chỉ đưa những tin tức, bài viết ngắn gọn, thời sự, diễn ra trong ngày và coi thường các bài viết dài, có chiều sâu. Là người từng có nhiều bài viết dài và sâu sắc, anh nghĩ gì về cách làm báo này?

Nhà thơ, nhà báo Hồng Thanh Quang tên thật là Đặng Hồng Quang, sinh năm 1962 tại Hà Nội, quê ở Phù Cừ, Hưng Yên. Từ năm 1979 đến 1986 anh thi đỗ vào Học viện Kỹ thuật quân sự, rồi được cử sang Liên Xô, học Vô tuyến điện.

Anh chính thức bước vào nghề báo năm 1987, là phóng viên tờ tin Binh đoàn Tây Nguyên (1987 - 1988) và báo Quân đội - Nhân dân (1988 - 2002). Năm 2003 Hồng Thanh Quang chuyển sang Báo Công an nhân dân. Hiện anh là Đại tá, Phó Tổng biên tập Báo CAND.

- Trong truyền thông có nhiều loại xu hướng khác nhau. Có điều từng thời điểm, ở từng trình độ phát triển kỹ thuật thì luôn có những xu hướng nổi trội hơn. Ngày xưa, kỹ thuật chưa phát triển, chỉ có báo giấy, yếu tố nhanh không được đặt lên hàng đầu. Hiện nay, công nghệ phát triển nên yếu tố nhanh được coi trọng. Mặc nhiên, ở báo mạng, do cạnh tranh, câu view nên sự nhanh nhạy để chạy đua thông tin giữa các trang là rất cần thiết.

Tuy nhiên, tôi phải nhấn mạnh rằng không phải tất cả các nhà báo hiện nay đều làm ra những “tác phẩm fast food”. Do trên mạng, có nhiều trang cùng lúc làm theo một kiểu nên mới khiến độc giả dễ bị nhầm lẫn và cho rằng tất cả báo chí Việt Nam đều đồng loạt như vậy. Thực tế, vẫn có những ấn phẩm, nhà báo trung thành với nguyên tắc là cung cấp thông tin tin cậy, chắc chắn, đúng đắn và không rẻ tiền.

- Dường như trong cuộc chạy đua tốc độ để sản xuất các “tác phẩm fast food” đó, ngày càng nhiều tờ báo mạng bỏ qua các chức năng phân tích sâu, dự báo đúng mà chỉ chú trọng đăng tải các thông tin “sốt dẻo”, “nóng hổi”?

- Ưu thế của báo mạng là tốc độ. Nhưng không phải tất cả các tờ báo mạng đều chỉ “vỡ” tin mà họ lợi dụng tốc độ để triển khai triển khai 2 dòng khác nhau, một dòng là “vỡ” tin ra để đáp ứng nhu cầu cho những độc giả thích “fast food”; dòng còn lại là thiên về phân tích, bình luận sâu sắc ở một chuyên mục khác. Vì thế, trong một tờ báo mạng bên cạnh những mục đưa tin ngắn, “hot” thì lại có những mục chuyên sâu.

Tôi thì cho rằng một tờ báo cũng giống như một trung tâm thương mại, phải có nhiều quầy, nhiều gian hàng khác nhau để khách hàng lựa chọn những thứ mà họ thích. Tờ báo mạng thành công là tờ có nhiều mảng và thu hút nhiều dạng độc giả khác nhau.

- Để đáp ứng tiêu chí nhanh, khi có một vụ việc xảy ra và thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận thì hàng loạt các trang báo sẽ lao vào đưa tin, viết bài theo hướng giật gân, câu khách dù chẳng đúng với tôn chỉ, mục đích hoạt động của cơ quan báo chí đó. Đây có phải là một vấn nạn của báo chí Việt Nam hiện nay không, thưa anh?

- Nhiều người phụ trách chức vụ cao nhất ở cơ quan truyền thông cũng không ý thức hết được vai trò, vị trí của mình. Trong cơn thác kiếm tiền, không ít những người lãnh đạo, đứng đầu các cơ quan báo chí cổ súy cho những thứ như vậy. Điều đó đã dẫn tới sự lộn xộn như hiện nay. Theo quan điểm riêng của tôi thì làm báo không hẳn là kinh doanh mà còn phải nghĩ tới vai trò và nghĩa vụ xã hội của mình nữa. Tôi cho rằng làm báo mà lúc nào cũng nghĩ tới việc tăng doanh thu thì kiểu gì cũng sẽ vấp váp, lệch lạc và sẽ sớm bị độc giả rời bỏ. Nếu chỉ đơn thuần là muốn kiếm tiền thì đừng dính vào câu chữ.

Nếu tôi là người quản lý báo chí, tôi sẽ không ưa sự lộn xộn ấy và nó nên chấm dứt sớm. Tuy nhiên, để chấm dứt được hiện tượng này thì cần có sự vào cuộc tích cực, chủ động của cơ quan quản lý báo chí.

- Cuộc đua thông tin giờ không chỉ là giữa các trang báo mạng với nhau mà còn là sự “xâm lấn” của hàng loạt các trang thông tin điện tử. Đã có rất nhiều thông tin giật gân, câu khách, sai lệch được phát tán từ “kênh” không chính thống này và “đầu độc” độc giả cũng như tạo ra dư luận không đúng. Anh đánh giá thế nào về thực trạng này?

- Đây là thực trạng rất đáng báo động bởi có quá nhiều trang tin chỉ cần ngồi một chỗ thu thập thông tin nhanh ngắn ở các cơ quan báo chí khác nhau rồi “xào nấu”, cải biên chúng thành tin của họ, thậm chí là tự sản xuất tin bài giật gân để câu view. Tình trạng này đã được nêu ra rất lâu rồi nhưng vì không được giải quyết triệt để nên sau khi chìm lắng một thời gian thì vấn đề này lại “nóng” trở lại. Trong khi các cơ quan quản lý chưa có những biện pháp, chế tài cần thiết để quản lý các trang  thì hiện đây vẫn là một thực tế mà chúng ta cần phải chấp nhận.

Quan trọng nhất, tôi nghĩ là sống trong xã hội như hiện nay, độc giả cũng phải tự biến mình thành người thông minh đừng để bị cuốn theo những thứ giật gân, rẻ tiền. Thực tế, những cái giật gân, rẻ tiền ấy sống được là vì vẫn có một bộ phận độc giả thích thú với những thông tin như vậy. Họ sản xuất tin bài là để đáp ứng nhu cầu cho bộ phận độc giả ấy bởi đại bộ phận công chúng của chúng ta cũng chỉ “ăn” vừa miệng những “món” như thế thôi. Ví như hàng hóa vỉa hè vẫn buôn bán tràn lan là bởi người dân ta thích ăn những thứ như vậy dù biết nó không đủ điều kiện an toàn hay thẩm mỹ. Một khi độc giả không tự nâng cao văn hóa của mình thì sẽ tiếp tục bị lôi cuốn vào “mê hồn trận” ấy.

- Anh có đề cập nhiều đến việc phải nâng cao dân trí và văn hóa của độc giả nhưng đây là vấn đề phải tiến hành trong thời gian dài. Trong khi chờ đợi sự thay đổi này thì việc quản lý báo chí vẫn bị buông lỏng, độc giả sẽ vẫn tiếp tục bị “đầu độc” bởi những thông tin “lá cải”?

Hồng Thanh Quang (phải cùng) ở Liên Xô năm 1984.
Hồng Thanh Quang (phải cùng) ở Liên Xô năm 1984.

- Vấn đề ở đây là từ hai phía: Quản lý và độc giả.

Cơ quan quản lý báo chí chưa thep kịp sự phát triển của kỹ nghệ, cũng có thể nói là chưa hoàn thành nhiệm vụ, dẫn đến sự lộn xộn thông tin thời gian gần đây. Ví dụ như vấn đề bản quyền. Trước đây, bản quyền là vấn đề rất đơn giản, giờ đây bản quyền liên quan đến uy tín, lợi nhuận. Thế nhưng chuyện bản quyền cứ được khơi gợi ra rồi lại chìm đi và đâu vẫn đóng đấy. Trách cơ quan quản lý là cái phải trách đầu tiên, trách xã hội ít thôi vì nước chảy chỗ trũng. Có nhu cầu thì ắt có nơi cung cấp.

Cũng không thể phủ nhận xu hướng “làm báo fast food”, giật gân câu khách còn tồn tại khi mà dân trí của chúng ta còn thế này và xu thế những người thích fast food còn đông. Ở các nước phát triển đồ ăn nhanh là món ăn cho những người nghèo còn ở ta nó là món ăn cho những người dư dả tiền bạc. Một khi nó còn mới, còn lôi cuốn thì sẽ kéo theo rất nhiều người. Hiện tượng này sẽ chấm dứt dần theo đà phát triển của dân trí, văn hóa, xã hội. Khi mà tôi, bạn, độc giả không còn quan tâm đến những tin giật gân, nhảm nhí thì những “bài báo fast food” như thế tự nhiên cũng sẽ giảm đi.

- Chúng ta cần có những bước đi thế nào để phù hợp với hoàn cảnh hiện tại, xây dựng một nền báo chí vừa hiện đại, vừa chuyên nghiệp và nhân văn, thưa anh?

- Cần hoàn chỉnh cơ sở chế tài kết hợp với giáo dục nâng cao dân trí. Mặt khác, việc đào tạo báo chí cũng cần được xem xét lại. Phóng viên, nhà báo trẻ đang chiếm vai trò chủ đạo trong nhiều tờ báo mạng nên câu hỏi được đặt ra là đào tạo thế nào mà lại có những nhà báo trẻ hành nghề đông và thực dụng, sẵn sàng vì lợi nhuận, vì thành công của mình mà chà đạp lên mọi thứ như thế. Nếu đào tạo tốt thì tương lai báo chí sẽ giảm thiểu bớt những lộn xộn như hiện nay.

- Xin hỏi một câu tò mò rằng, giừa nhà báo và nhà thơ, anh yêu "Hồng Thanh Quang" nào hơn?

- HTQ nhà thơ và HTQ nhà báo là 1 thể thống nhất. Thơ hay báo là lĩnh vực hoạt động thay đổi chứ con người không thay đổi. Thậm chí mai sau không làm thơ, làm báo, cày cuốc ở đâu đi chăng nữa thì vẫn là 1 HTQ với cái chất như thế.

Trước khi là nhà thơ, tôi là 1 kỹ sư vô tuyến điện được đào tạo ở Nga. Do đam mê dần chuyển sang làm báo. Còn thơ là cái nghiệp là cái căn cốt cố hữu. 

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Nguyễn Phương (thực hiện) 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang