Nguồn gốc nỗi ám ảnh mang tên thứ sáu ngày 13

authorBảo An 09:29 13/01/2017

(VietQ.vn) - Thứ sáu ngày 13 được nhiều người phương Tây coi là ngày không may mắn

Lịch sử của thứ sáu ngày 13

Những điều mê tín về ngày này được cho là xuất hiện từ thời Trung Cổ, và có thể xuất phát từ Kinh Thánh. Một số nhà sử học khẳng định rằng đây là ngày Eve cắn trái cấm từ Cây Kiến Thức, ngày trận đại hồng thủy bắt đầu và ngày tháp Babel khởi công.

Trong Thánh Kinh Tân Ước, 13 người có mặt trong bữa tối cuối cùng của Chúa Jesu vào ngày thứ năm, trước khi Chúa Jesu bị đóng đinh vào ngày thứ sáu.

Geoffrey Chaucer, tác giả lớn đầu tiên của văn học Anh, đã mô tả ngày này trong “Những câu chuyện Canterbury”, cho rằng việc khởi hành hay bắt tay vào dự án mới vào thứ 6 sẽ không được may mắn.

Nguồn gốc nỗi ám ảnh mang tên thứ sáu ngày 13

13 người có mặt trong bữa tối cuối cùng của Chúa Jesu vào ngày thứ năm, trước khi Chúa Jesu bị đóng đinh vào ngày thứ sáu. 

Năm 1907, Thomas W. Lawson xuất bản “Thứ sáu, ngày 13”, cuốn tiểu thuyết có vai trò quan trọng trong việc phổ biến điều mê tín này. Trong truyện, một nhân viên môi giới chứng khoán đã lợi dụng quan niệm về ngày này để tạo ra một cuộc khủng hoảng trên phố Wall.Trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Mật mã Da Vinci”, Dan Brown nhắc tới vụ hành hình Jacques de Molay diễn ra vào thứ sáu ngày 13 ở thế kỷ 14. Ông ta nguyền rủa Giáo hoàng và Vua của nước Pháp, điều này khiến sự xui xẻo lan truyền tới ngày nay.

Con số 13

Số 12 được coi là sự hoàn thiện: 12 tháng trong một năm, 12 vị thần Olympus, 12 tiếng trên đồng hồ, 12 bộ lạc Israel, 12 sứ đồ...

Tuy nhiên, số 13 lại bị coi là xui xẻo từ cả trước thời Công nguyên. Nhiều tòa nhà, như khách sạn Carlton ở London, không có tầng 13, nhiều dãy phố không có nhà số 13.

Người ta cũng quan niệm 13 người ăn cùng nhau sẽ không gặp may, và người đầu tiên đứng dậy rời khỏi bàn sẽ gặp vận rủi. Tổng thống Mỹ Roosevelt rất tin điều này. Ông cũng từ chối di chuyển vào thứ sáu ngày 13.

Nỗi sợ thứ sáu ngày 13

Dù niềm tin thứ 6 ngày 13 đem lại xui xẻo có phần mê tín, nhiều người vẫn có tâm lý lo sợ, tránh tiến hành công việc, thương vụ kinh doanh hay đi du lịch vào ngày này. Tại Mỹ, ước tính 17 - 21 triệu người sợ thứ 6 ngày 13, theo một nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát Căng thẳng và Hội chứng North Carolina, theo International Business Times.

Theo Vnexpress, hội chứng sợ thứ 6 ngày 13 tên friggatriskaidekaphobia khá phổ biến. Tên gọi này đến từ Frigga, nữ thần trong thần thoại Bắc Âu, và triskaidekaphobia, có nghĩa là sợ số 13. Tính theo Dương lịch, thứ 6 ngày 13 luôn xuất hiện ít nhất một lần trong năm và có thể lặp lại tới ba lần trong mỗi năm bất kỳ.

Còn theo Zing, Paraskevidekatriaphobia là kết hợp của hai từ tiếng Hy Lạp “paraskeví” (thứ sáu), và dekatreís (13). Đây là tên khoa học của chứng sợ thứ sáu ngày 13. Bản thân nỗi sợ số 13 có tên “chứng Triskaidekaphobia”.

Cảm hứng cho một loạt phim kinh dị

Loạt phim “Thứ sáu ngày 13” gồm 12 tập, xoay quanh nhân vật Jason Voorhees, một cậu bé đã chết đuối ở hồ thuộc trại hè Crystal do sự bất cẩn của các nhân viên trong trại.

Hàng thập kỷ sau, theo đồn đại, hồ nước này bị “nguyền rủa” và là nơi diễn ra nhiều vụ giết người hàng loạt. Loạt phim này được coi là một trong những loạt phim kinh dị thành công và nổi tiếng nhất của Mỹ.

Bảo An (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang