Người nhập viện vì đột quỵ tăng vọt: Uống nước đúng cách để hạn chế tình trạng này

author 12:23 02/06/2017

(VietQ.vn) -Từ giữa tháng 3 đến nay, mỗi ngày Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) tiếp nhận từ 30/40 bệnh nhân đột quỵ. Chưa kể, lúc nào tại đây cũng có 160 - 170 bệnh nhân đột quỵ nằm điều trị.

Không được để khát mới uống

Nguyên nhân được cho là do thời tiết nóng bức, cơ thể phải thải nhiệt bằng nhiều cách như ra mồ hôi, thở nhanh, đi tiểu, giãn mạch ngoài da, tăng hoạt động của tim để đẩy máu ra bề mặt cơ thể nhằm thoát nhiệt... khi không tự làm mát được, nhiệt độ cơ thể tăng cao và dẫn đến đột quỵ.

Theo BS Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), để hạn chế tình trạng này, bạn nên uống nước lọc hàng ngày. Với người bình thường, lượng nước được đưa vào cơ thể khoảng 2.500ml nước/ngày, trong đó nước uống khoảng 1.000-1.500ml. Nếu phải di chuyển nhiều trên đường hay làm việc ngoài trời cần bổ sung thêm nhiều nước hơn.

Đặc biệt, không nên để đến lúc khát mới uống nước. Khi đó cơ thể chúng ta đã mất đi một lượng nước khá lớn, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của cơ thể. Tình trạng này kéo dài có thể ảnh hưởng đến tim, nguy cơ đột quỵ dưới trời nắng nóng.

Nước uống có ga có nguy cơ gây béo phì. Ảnh minh họa

Nước uống có ga có nguy cơ gây béo phì. Ảnh minh họa 

Uống các loại nước thanh nhiệt không đường

Tốt nhất là uống các loại nước có tác dụng thanh nhiệt, giải nóng như nước chè xanh, nước ép rau hoa quả, nước ép trái cây như nước cam, quýt, bưởi, dưa chuột, táo… nếu khi chế biến không cho thêm đường sẽ tốt hơn. Các loại nước quả ép này vừa cung cấp nước, vừa cung cấp các vitamin và khoáng chất cho cơ thể, giúp xóa tan những mệt mỏi, lưu thông khí huyết tốt.

Ngoài ra, các chuyên gia khuyến cáo, khi uống nước lọc hay nước giải nhiệt cần uống từ từ để cho cơ thể hấp thu nước, không uống tới mức quá no trong một thời gian ngắn sẽ làm tăng lưu lượng tuần hoàn, làm tăng gánh nặng cho tim. Điều này sẽ rất nguy hiểm đối với người lao động nặng, vừa đi nắng về, vận động viên vừa hoạt động mạnh xong.

Để cơ thể chống lại cái nóng ngày hè, ngoài dùng các loại nước uống giải nhiệt, bạn cũng cần ăn nhiều hoa quả giàu vitamin A, C, E… và thực phẩm chứa selen là những vi lượng rất cần cho cơ thể lúc nắng nóng. Chúng có nhiều trong thịt, tôm cua, sò, ốc, rau xanh, thực phẩm giàu protein.

Biểu hiện của đột quỵ do say nắng

Các biểu hiện ban đầu luôn có như vã mồ hôi, đau đầu, khó chịu, mặt đỏ, đỏ da toàn thân, cảm giác nghẹt thở, thở nhanh, nông, có khi đau bụng, nôn mửa, sau đó xuất hiện chóng mặt, hoa mắt, mặt tái nhợt, mạch nhanh, ngất lịm, chuột rút, đái ít, sốt cao có khi lên tới 440C, da và niêm mạc khô, trụy mạch.

Cá biệt có trường hợp tụ máu dưới màng cứng và trong não.Nặng hơn, nạn nhân sẽ có biểu hiện thương tổn thần kinh như li bì, giãy giụa, mê sảng, hôn mê và có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Cách xử trí

Gặp nạn nhân bị đột quỵ do nắng nóng, cần đưa nạn nhân vào chỗ thoáng mát. Việc đầu tiên là phải tìm cách hạ thân nhiệt xuống dần từng bước và càng sớm càng tốt bằng các biện pháp như đưa nạn nhân vào chỗ mát, cởi hết quần áo; chườm bằng nước mát khắp người hoặc phun nước hay nhúng cả người nạn nhân vào bể nước mát. Khi thân nhiệt người bệnh giảm xuống 380C, nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để tiếp tục theo dõi điều trị.

Bệnh nhân đột quỵ do nắng cần được cấp cứu khẩn cấp. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh nhanh chóng bị hôn mê chỉ trong vòng vài phút, thậm chí tử vong do thân nhiệt quá cao.

Ngọc Nga (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang