Vừa nghe nhạc vừa tập thể dục, vui thì vui nhưng rất... nguy hiểm

author 05:55 13/03/2018

(VietQ.vn) - Rất nhiều người có thói quen vừa tập thể dục vừa nghe nhạc bằng tai nghe. Tuy nhiên, theo các chuyên gia cảnh báo, thói quen này khá nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh.

Sự cân bằng thính giác bị ảnh hưởng

Nhiều người thích nghe nhạc với âm thanh lớn khi tập thể dục để át tiếng ồn xung quanh. Mang tai nghe không ảnh hưởng đến khả năng giữ thăng bằng của cơ thể nhưng bạn nghe với âm thanh lớn trong thời gian dài và thường xuyên sẽ ảnh hưởng xấu đến hệ thống tiền đình nằm ở sau ốc tai.

Tiền đình là nơi chịu trách nhiệm cho khả năng giữ thăng bằng của cơ thể. Khi tiền đình bị tổn thương, các hoạt động tập luyện từ nặng như chạy bộ, đạp xe đến những hoạt động nhẹ nhàng như đi bộ chẳng hạn cũng sẽ trở nên nguy hiểm.

Ngoài ra, thính giác cũng sẽ bị suy giảm nếu nghe nhạc bằng tai nghe một cách thường xuyên và trong thời gian dài.

Chuyển động cơ thể bị hạn chế

Tập luyện với tai nghe có dây nối quá dài hoặc quá ngắn đều gây hạn chế chuyển động cơ thể. Dây nối tai nghe dài sẽ gây vướng víu, trong khi dây ngắn sẽ khiến người tập hơi rướn cổ để tai nghe không bị văng khỏi tai khi tập luyện. Các chuyên gia lưu ý mọi người nên tìm mua những tai nghe có chiều dài phù hợp hoặc loại tai nghe kết nối không dây.

Phân tâm khi tập luyện

Ông Stan Beecham, một nhà tâm lý học thể thao tại Roswell, bang Georgia, Mỹ cho biết, nhiều người thường có thói quen nghe nhạc khi tập thể dục vì họ không muốn suy nghĩ về điều mà họ cảm thấy không thoải mái. Tuy nhiên, khi nghe nhạc bằng tai nghe làm phân tâm sự kết nối giữa cơ thể và tâm trí sẽ bị cắt đứt khiến bạn không còn kịp điều chỉnh độ chuyển tiếp theo các tín hiệu cơ thể, sẵn sàng tăng tốc hay đến lúc cần chậm lại. Tập luyện khi nghe nhạc có thể khiến người ta rơi vào cảnh gắng quá sức.

Mọi người có thể nghe vài bản nhạc khi tập các bài rèn luyện sức bền như chạy bộ, đạp xe trên máy nhưng với những bài tập nặng đòi hỏi tập trung cao thì không nên mang tai nghe.

Nguy cơ nhiễm trùng tai

Rất hiếm ai có thói quen vệ sinh tai nghe. Khi tiếp xúc với môi trường nhiều vi khuẩn trong phòng tập, tai nghe rất có thể là nơi lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi nảy nở, tăng rủi ro nhiễm trùng tai. Do đó, mọi người cần làm sạch tai nghe thường xuyên. Với những người có thói quen mang theo túi đựng dụng cụ tập luyện thì nên để tai nghe trong một hộp riêng, chứ không nên ném chung với giày hoặc quần áo dính đầy mồ hôi.

Não bị “ngủ quên”

Âm nhạc làm cho não bị “ngủ quên” trước các phản ứng của cơ thể nên rất dễ dẫn đến chấn thương. Giả sử khi vặn mắt cá chân hay đầu gối, người nghe nhạc sẽ khó cảm nhận cảm giác đau từ chấn thương nhỏ. Thay vì dừng lại, người đó có thể chạy nhảy cho đến khi cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn.

Bí quyết để tiếp tục luyện tập trong khi tâm trí vẫn cảm thấy thoải mái

Điều hòa nhịp thở: Cho dù bạn đang chạy, đạp xe hay đi bộ, cố gắng kết hợp nhịp hít - thở theo nhịp chân. Đếm sẽ giữ cho tâm trí của bạn được kiểm soát mà không bị phân tâm đồng thời sẽ tạo nhịp chậm hơn, hơi thở sâu hơn. Điều này khiến ôxy được bơm vào máu dồi dào hơn, từ đó tăng cường cơ bắp và tăng tính bền trong tập luyện.

Tự kiểm nghiệm: Bắt đầu chú ý đến chân phải của bạn, có cảm thấy căng cơ hay nhói chỗ nào không, rồi tập trung vào chân trái. Cứ thế chú ý đến từng bộ phận đầu gối, hông, vai, cánh tay, cổ và đầu xem cơ thể bạn cảm thấy như thế nào. Nếu gặp phải bất kỳ “sự cố” nào, hãy thư giãn phần cơ bắp đó.

Chơi với trí não: Khi tập luyện ngoài trời, bạn có thể tự đặt mình vào những bài toán nhỏ: Ví như nhớ những biển số xe đi qua đầu số thuộc vùng nào. Muốn có chút âm nhạc, hãy tự hát cho chính mình bài hát yêu thích. Vì thế, nếu cần dừng và qua đường, bạn sẽ kiểm soát tình hình tốt hơn so với khi đang sử dụng một chiếc headphones.

Nâng cấp tai nghe: Nhiều người đeo tai nghe vào một tai, tai nghe còn lại giấu trong túi áo ngực vì cho rằng nó an toàn hơn nghe hai tai một lúc. Nhưng không phải, bởi não phụ thuộc vào cả hai tai để xác định xem âm thanh phát ra từ hướng nào. Vậy nên giải pháp là nâng cấp tai nghe, gắn nó ở tai ngoài mà không  ngăn chặn ống tai để bạn vẫn có thể nghe thấy tiếng ồn xung quanh.

Sử dụng ở mức cần thiết: Nếu muốn nghe nhạc, bạn hãy lên danh sách những bản nhạc yêu thích để nghe vài bài đầu bởi nếu nghe liên tục sẽ có cảm giác như tai bị “trơ”. Một khuyến cáo khác là chỉ nên nghe những bài hát với 120-145 nhịp mỗi phút, vì ở phạm vi này nó tạo ra mức độ kích thích vừa phải.

Hoàng Yến (t/h)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang