Nhãn muộn Đại Thành: Tạo dựng thương hiệu vững chắc

author 07:18 15/12/2013

Huyện Quốc Oai vừa tổ chức lễ đón nhận nhãn hiệu tập thể cho nhãn chín muộn Đại Thành. Đây là giống nhãn có hương vị đặc biệt, từ lâu đã trở thành thương hiệu và cây trồng chủ lực của địa phương.

Theo kế hoạch sang năm 2014, Trung tâm Phát triển cây trồng, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ phối hợp với các đơn vị, địa phương để xây dựng chỉ dẫn địa lý cho nhãn chín muộn Hà Nội bao gồm"Nhãn chín muộn Đại Thành" và "Nhãn chín muộn Hoài Đức".  

Có được nhiều lợi thế về chất lượng sản phẩm, cũng như về thời gian cho trái muộn hơn so với những giống nhãn khác. Vì thế, nhãn chín muộn Đại Thành, huyện Quốc Oai, Hà Nội, có khá nhiều tiềm năng để khẳng định thương hiệu, cho giá trị và hiệu quả kinh tế cao.

Những năm qua, huyện Quốc Oai đã tăng cường công tác quảng bá xúc tiến thương mại, đồng thời không ngừng mở rộng diện tích trồng và nâng cao sản lượng, chất lượng cho giống nhãn chín muộn này. 

Hiện nay, cả xã Đại Thành có khoảng 1 nghìn hộ, trong đó 90% số hộ trồng nhãn chín muộn.

Mũi nhọn kinh tế nông nghiệp địa phương

Điểm  đặc biệt của giống nhãn này là  ở chỗ, thời gian thu hoạch của nó muộn hơn so với nhãn đại trà hơn cả  tháng. Trong khi, từ giữa tháng 6, các giống nhãn khác ở các tỉnh bạn đã chín thì nhãn muộn Đại Thành vẫn còn xanh ươm. Mãi cho đến khi nhãn khác đã hết mùa thì nhãn Đại Thành mới bắt đầu vào nước chín và đến giữa tháng 9 mới chín hết. Độ xuống nước của giống nhãn này cũng rất chậm, cùng với nó là chất lượng đường, độ hãm của nhãn khá tốt. Có khi nhãn xuống nước đã đến mức tốt nhất, mà người ăn vẫn không biết. Ngoài ra, giống nhãn này còn có thể để được trên cây cả nửa tháng mà không lo mất nước, mất vị. Vì thế, người trồng có thể yên tâm thu hoạch không phải lo dùng thuốc để giữ quả, nhờ đó đảm bảo được chất lượng sản phẩm.

Theo đánh giá, hiệu quả kinh tế của nhãn muộn cao gấp 6-7 lần so với trồng lúa và là cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao nhất hiện nay tại địa phương này…Loại nhãn này được đưa ra thị trường vào lúc các giống nhãn khác đã hết nên được nhiều người ưa chuộng tìm mua với giá cao gấp 2-3 lần so với nhãn chính vụ (từ 35.000 đến 60.000 đồng/kg tùy theo thời điểm).

Nhìn thấy nguồn lợi kinh tế lớn từ giống nhãn muộn đem lại, mấy năm nay, bà con ở đây đua nhau trồng nhãn muộn. Các vườn hầu như không còn loại cây nào khác ngoài nhãn muộn. Đây là giống cây rất dễ trồng, tuổi thọ cao. Tuy vậy, để trồng được những cây nhãn khoẻ mạnh, ra trái nhiều, thì cũng phải là những người có “tay nghề”. Chi phí cho mỗi sào nhãn rất thấp, chỉ thỉnh thoảng bón cho một lượt phân và nếu có sâu thì trừ sâu, khi nhãn chín, nếu thấy xuất hiện giống dơi ngựa (nhiều nơi gọi là dơi quạ, một loại dơi rất thích ăn nhãn) thì dùng lưới trùm lên cây để ngăn. Theo tính toán của các hộ dân trồng nhãn thì chi phí chỉ bằng khoảng trên dưới 1/3 chi phí cho 1 sào lúa.

Nhân giống bảo vệ thương hiệu

Theo Chủ tịch UBND xã Đại Thành Nguyễn Huy Anh,  hiện nay, cả xã Đại Thành có  khoảng 1 nghìn hộ, trong đó 90% số hộ trồng nhãn chín muộn. Diện tích nhãn chín muộn xã Đại Thành đã tăng lên 115 ha, năng suất trung bình đạt từ 110 - 130 kg quả/cây/năm, thu nhập bình quân đạt 250 - 300 triệu đồng/ha. Hiệu quả từ sản xuất nhãn chín muộn đã góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, năm 2011 thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 11,7 triệu đồng/người/năm, năm 2013 ước đạt 14 triệu đồng/người/năm. Ngoài diện tích nhãn cho thu hoạch quả, xã có 18 cây nhãn đầu dòng đã được Sở NN&PTNT cấp phép đạt tiêu chuẩn cung cấp mắt ghép giống nhân bản trên thị trường.

Báo cáo từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho thấy, nhãn chín muộn giờ đang là mũi nhọn kinh tế chủ lực của xã Đại Thành, đem lại nguồn lợi kinh tế rất lớn cho người dân.  Năm 2012 nhãn chín muộn đem lại thu nhập cho địa phương lên tới 20 tỷ đồng, năm nay dự kiến con số còn lớn hơn, lên đến 25 tỷ đồng. Vì thế việc bảo tồn và nhân rộng giống nhãn quý này là rất cần thiết. Dự kiến trong những năm tiếp, huyện sẽ dành gần 2.000ha vùng bãi để phát triển cây ăn quả, đặc biệt là nhân rộng diện tích nhãn chín muộn, nhằm hạn chế tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, trong việc trồng trọt loại cây này. Bên cạnh đó, huyện cũng tiến hành các hoạt động nhằm xây dựng ý thức cho người dân trong việc gìn giữ và phát triển thương hiệu.

Ông Trần Xuân Việt - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng nhấn mạnh rằng, ngành nông nghiệp cần có kế hoạch khôi phục, bảo tồn giống nhãn chín muộn Đại Thành. Sau đó, tiến hành nghiên cứu đồng đất từng vùng để mở rộng diện tích trồng nhãn chín muộn ra toàn huyện và một số vùng lân cận khác.

Theo Ông Nguyễn Bá Sướng - Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội, để đảm bảo thương hiệu, chất lượng sản phẩm, thành phố cần có những cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ các vùng sản xuất trên địa bàn để nhân rộng mô hình trồng nhãn chín muộn theo hướng VietGAP; đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, liên kết 4 nhà (khoa học, quản lý, DN và nông dân), có như thế thì thương hiệu nhãn chín muộn mới thực sự bền vững, tạo tiền đề tốt tiến tới việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho giống nhãn này trong nay mai.

Theo Đất Việt

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang