Nhẹ tay nạn buôn bán hàng lậu

author 12:29 09/12/2012

(VietQ.vn) - Cuối năm, hàng hóa ùn ùn đổ về Hà Nội. Rồi hàng hóa lại từ Hà Nội kéo nhau ra các tỉnh, thành. 3 - 4h sáng, xe tải lớn nhỏ, xe ba bánh chất đầy hàng hóa từ cửa ngõ Thủ đô đưa hàng về tập kết khu vực xung quanh chợ Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm. Trong số hàng hóa đó, không ít hàng không có nguồn gốc, xuất xứ, không hóa đơn chứng từ. Và khi bị cơ quan chức năng xử lý, phần lớn các mặt hàng trên đều là hàng “vô chủ”.

Hàng lậu tuồn vào chợ lớn

Chợ Đồng Xuân, Bắc Qua ngày 7/12. Tất cả các gian hàng đủ chủng loại đều chồng chất hàng hóa. Từ quần áo giầy dép, hàng tiêu dùng cho đến thực phẩm như bánh kẹo, măng miến, hàng khô… vô cùng phong phú.
 
Đây là thời gian mua bán diễn ra sôi động nhất trong năm. Bởi vậy mà người ta dễ dàng cảm nhận được nhịp sống gấp gáp ở chợ bán buôn lớn nhất Hà Nội này.
 
Ngay từ những ki ốt của chợ quay mặt ra phố Hàng Khoai, người ta đã chất hàng chiếm đầy vỉa hè, lối đi. Trong chợ không còn một khoảng trống nào. Một phụ nữ đeo túi chéo ngang người, chân đi giày đế bệt liên tục nhắc người chuyển hàng xuống dưới cầu thang. Tìm hiểu chúng tôi được biết chị ở Phú Thọ, đến chợ Đồng Xuân mua buôn quần áo mang về bán lẻ. Giáp Tết năm nào chị cũng phải làm vài chuyến hàng như thế.
 
Toàn bộ diện tích tầng 1, 2, 3 đều chật ních người và hàng. Để đi được qua các ki ốt, chúng tôi phải lách người, thậm chí có chỗ còn khó khăn do gặp phải người vận chuyển hàng. Người bán có vẻ không mấy mặn mà để mời chào khách vãng lai.
 
Phần lớn người bán đều hỏi trước khách: “Mua lẻ hay mua buôn?”. “Mua lẻ” - chúng tôi trả lời. Ngay lập tức chúng tôi nhận được lời từ chối thẳng thừng: “Tôi không bán lẻ”. Hoặc, để tránh mất thời gian trả lời, khi thấy người mua sà vào sạp hàng của mình, người bán nói trước: “Không bán lẻ đâu nhé!”.
 
 
Người dân Hà Nội không mấy ai vào đây mua lẻ hàng hoá. Bởi hầu hết hàng bán trong chợ không phải là hàng cao cấp mà đều là hàng giá rẻ, phục vụ cho thị trường ở các tỉnh ở xa, thậm chí có cả người từ Điện Biên, Lai Châu về mua hàng.
 
Thực tế tại chợ, chúng tôi nhận thấy phần lớn mặt hàng thời trang, quần áo đều được gắn mác Trung Quốc. Giá bán buôn tại đây chỉ rẻ bằng ½ giá bán các mặt hàng trên thị trường. Trong khi đó, đã có rất nhiều vụ việc lực lượng chức năng như Công an, Quản lý thị trường bắt giữ những lô hàng lậu ở khu vực xung quanh chợ Đồng Xuân.
 
Câu hỏi đặt ra là, trong số núi hàng ngồn ngộn ở chợ kia, bao nhiêu sản phẩm không phải là hàng nhập lậu và là hàng có hóa đơn, chứng từ, nộp thuế đầy đủ?
 
Chiều muộn, bãi đỗ xe ôtô trước cổng chợ Bắc Qua (phía phố Hàng Khoai), những chiếc xe tải lớn, nhỏ đang được chất đầy hàng, buộc chặt để chuẩn bị lên đường. Những lô hàng nào có đầy đủ giấy tờ? Lô hàng nào không có đủ giấy tờ và lọt qua “cửa” các cơ quan chức năng?
 
Mới đây, Công an quận Hoàn Kiếm và lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) đã bắt giữ hai lô hàng lớn không có hóa đơn chứng từ tại khu vực trước cửa chợ Đồng Xuân và khu vực lân cận.
 
Chống hàng lậu phải từ trong chợ
 
Ngày 6/12, Đội CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV Công an quận Hoàn Kiếm phối hợp với Công an phường Phúc Tân kiểm tra hai xe ôtô nghi vấn dừng đỗ trên phố Nguyễn Tư Giản để xuống hàng. Nhiều bao tải hàng đựng quần áo không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
 
Tiếp tục kiểm tra 2 số nhà trên phố này, lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện kho chứa hàng hóa gồm quần áo, giầy dép, đồ dùng gia dụng đều không có giấy tờ. Cả 2 lái xe và người trông 2 kho hàng trên đều khai nhận họ làm nhiệm vụ trung chuyển hàng cho nhiều chủ khác nhau nên không biết rõ tên. Tổng cộng 150 bao tải hàng được tạm giữ để xác minh, làm rõ.
 
Trước đó, ngày 5/12, Công an quận Hoàn Kiếm cũng phối hợp với Đội QLTT số 2 Hà Nội phát hiện, tạm giữ 99 bao tải quần áo nhãn mác Trung Quốc tại khu vực trước cửa số 13 chợ Đồng Xuân không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
 
Qua rà soát, lực lượng trinh sát xác định khu vực chợ Đồng Xuân là điểm tập kết hàng hóa nhập lậu. Việc bắt giữ phải được tiến hành vào lúc 4h sáng. Những hàng hóa thu được đều là hàng vô chủ. Và cho tới thời điểm này vẫn chưa có ai đến cơ quan chức năng để nhận hàng.
 
Ông Lưu Bách Chiến, Đội trưởng Đội QLTT số 2 cho biết, hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ chủ yếu được vận chuyển vào các giờ sáng sớm hoặc đêm tối để tránh lực lượng kiểm tra. Ban ngày hầu như hàng không có hóa đơn, chứng từ ít vận chuyển, tập kết vào chợ Đồng Xuân. Để đối phó với lực lượng chức năng, người ta bố trí mỗi xe hàng không chở nhiều, mà chỉ từ 5/10 tấn tập kết ở các cổng chợ, sau đó có thể vận chuyển vào chợ hoặc đi nơi khác.
 
Dư luận không khỏi băn khoăn khi nhiều vụ bắt hàng lậu gần đây mà Hà Nội khám phá đều là hàng “vô chủ”. Chủ hàng giấu mặt hoặc ẩn nấp trong bóng tối, có chăng chỉ là người vận chuyển đứng ra nhận trách nhiệm và chịu xử phạt vi phạm hành chính là xong.
 
Một trong những lý do khiến hàng vô chủ xuất hiện ngày một nhiều chính là việc xuất trình hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa còn bất cập và cũng gây khó khăn cho công tác đấu tranh chống buôn lậu. Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 60/2011/TTLT-BTC-BCT-BCA  của liên Bộ Tài chính, Công an và Công thương “Hướng dẫn chế độ hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá nhập khẩu lưu thông trên thị trường” thì hàng hóa nhập khẩu bất kể là nơi tập kết, trong kho hay đang kinh doanh đều phải đi kèm với hóa đơn, chứng từ. Nhưng trên thực tế, hàng hóa nhập khẩu khi bị kiểm tra phần lớn người vận chuyển không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. Có trường hợp vài hôm sau chủ hàng mới đến xuất trình hóa đơn.
 
Cuối năm là thời điểm hàng lậu, hàng kém chất lượng ồ ạt xâm nhập vào nội địa, đặc biệt là địa bàn lớn như Hà Nội. Ông Chiến cho biết, mấy tháng trước, khi tuyến đường biên làm chặt, hàng lậu về nội địa rất ít, thậm chí còn vắng bóng. Nhưng thời điểm cuối năm, hàng không rõ nguồn gốc, hóa đơn chứng từ vận chuyển, tập kết về khu vực chợ Đồng Xuân khá nhiều.
 
Cũng theo ông Chiến, việc kiểm tra các hộ kinh doanh cố định trong chợ cần phải có sự vào cuộc của nhiều lực lượng. Đặc biệt, Ban Quản lý chợ Đồng Xuân phải có trách nhiệm vào cuộc, kiểm soát hàng hóa, ký cam kết với các tiểu thương không kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng cấm. Nếu hộ nào không chấp hành thì phải xử lý nghiêm.
 
Nguyễn Ánh
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang