Những thành tựu của KH&CN Hà Nội năm 2014

author 06:33 28/12/2014

(VietQ.vn) - Năm 2014, các đề tài thuộc Sở KH&CN Hà Nội đã đạt nhiều thành công. Có 242 bài báo quốc tế và trong nước...

Trao đổi với Chất lượng Việt Nam,  Sở KH&CN Hà Nội cho biết năm 2014, các chương trình khoa học và công nghệ cấp Thành phố đã triển khai 168 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ. Trong đó: đề tài, dự án chuyển từ năm 2013 là: 88; đề tài, dự án mới năm 2014 là: 80; lĩnh vực khoa học công nghệ là: 118 đề tài, khoa học xã hội và nhân văn là: 50 đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm là 20 dự án.

KH&CN của Hà Nội đạt được nhiều thành tựu năm 2014

KH&CN của Hà Nội đạt được nhiều thành tựu năm 2014

Hiệu quả ứng dụng của các đề tài, dự án vào thực tiễn ngày càng tăng. Số lượng bài báo trong nước và quốc tế là: 242; 55 quy trình công nghệ; đào tạo 14 Tiến sỹ, 79 Thạc sỹ, thiết kế, chế tạo 03 sản phẩm mới trong y sinh học, 13 loại thuốc mới, 10 loại giống vật nuôi, cây trồng đưa vào sản xuất, 10 sản phẩm vật tư mới phục vụ sản xuất cây trồng, vật nuôi; thiết kế, chế tạo 33 dây chuyền thiết bị mới; đề xuất xây dựng 14 tiêu chuẩn, quy phạm mới; 20 luận chứng kinh tế kỹ thuật; đề xuất 24 cơ chế, chính sách mới và 94 giải pháp mới; 13 tài liệu, giáo trình chuyên khảo; 17 mô hình trong trồng trọt và chăn nuôi; xây dựng 07 phần mềm; 10 bản đồ chuyên ngành.

Lĩnh vực chính trị, an ninh quốc phòng: nhiều nghiên cứu đã góp phần cung cấp các luận cứ khoa học và đề xuất các giải pháp đổi mới tổ chức và phương thức lãnh đạo của Đảng trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, các trường đại học, cao đẳng, công tác dân vận của chính quyền cơ sở trong giai đoạn hiện nay. Các vấn đề liên quan đến đổi mới, hoàn thiện và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính, quản lý kinh tế, hoạt động của hệ thống chính trị từ cơ sở đến Thành phố; xây dựng chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trước yêu cầu chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Dự báo những nhân tố tác động và những vấn đề đặt ra đối với công tác quốc phòng, quân sự của Thủ đô, đề xuất các giải pháp phòng chống các mối đe dọa an ninh phi truyền thống; giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trong lĩnh vực an ninh quốc phòng.

Trong lĩnh vực quản lý kinh tế: đã nghiên cứu, đề xuất  giải pháp tăng cường năng lực cạnh tranh của các ngành kinh tế. Đã đánh giá được thực trạng tác động của hội nhập kinh tế đến các ngành kinh tế của Thủ đô. Trên cơ sở đó đề xuất giải pháp nâng cao tính hịêu quả sức cạnh tranh và năng lực hoạt động của các ngành kinh tế phù hợp và khả thi để phát triển kinh tế - xã hội hiện tại và những năm tiếp theo. Nghiên cứu một số giải pháp trong quản lý nguồn thu nhằm tăng thu ngân sách và nuôi dưỡng nguồn thu.

Lĩnh vực giáo dục đào tạo: tập trung nghiên cứu đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy; đưa các mô hình giáo dục, phương pháp giảng dạy mới vào ứng dụng trong hệ thống các trường học. Nghiên cứu, cải tiến các trang thiết bị, đồ dùng, đèn chiếu sáng phục vụ học tập nhằm giảm các bệnh liên quan đến mắt và tư thế ngồi cho học sinh. Đánh giá thực trạng và đưa ra một số giải pháp phòng chống tình trạng bạo lực ở học sinh trung học Hà Nội.

Lĩnh vực văn hoá, thể thao: đã tập trung nghiên cứu hệ thống các giá trị lịch sử - văn hoá đã và đang tạo nên bản sắc văn hiến 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; Xác định hệ quan điểm, phương hướng, giải pháp nhằm tiếp tục bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống; Xây dựng con người Hà Nội văn minh, thanh lịch, hiện đại; Xây dựng tiêu chí danh nhân văn hóa Hà Nội, xây dựng qui trình, hình thức tôn vinh danh  nhân văn hóa Hà Nội; Xác lập các giá trị văn hoá mới của Thủ đô trên con đường đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá, hội nhập phát triển với khu vực và thế giới.  Nghiên cứu, biên soạn 18 tập bách khoa thư Hà Nội và 14 tập bách khoa thư giai đoạn Hà Nội mở rộng.

Lĩnh vực công nghiệp: Xuất phát từ yêu cầu thực tế, công nghiệp trên địa bàn đều hướng tới việc nghiên cứu hoàn thiện các sản phẩm chính của đơn vị, phát triển các sản phẩm mới có khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường. Tập trung đầu tư đổi mới công nghệ cho những khâu cơ bản, quyết định chất lượng sản phẩm. Nghiên cứu, chế tạo ra một số dây chuyền công nghệ thiết bị đồng bộ, hiện đại phục vụ phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và sản xuất hàng tiêu dùng từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa. Nhiều thiết bị công nghệ trong công nghiệp được nghiên cứu chế tạo như hệ thiết bị hàn đắp hợp kim cho con lăn chịu mài mòn trong sản xuất xi măng, thiết bị ép lốp máy bay ứng dụng trong bảo trì bảo dưỡng ngành hàng không, thiết bị gia công điều khiển số CNC đột dập với kích thước hành trình lớn 1227 x2500, máy cắt ống thép liên tục, máy đục bìa tạo mẫu trong dệt làng nghề, ứng dụng sợi paramide trong chế tạo găng chống cắt, áo chống đạn, thiết bị laser rắn phục vụ gia công cơ khí đặc biệt.....

Nhiều thiết bị hiện đại hóa canh tác nông nghiệp phù hợp với điều kiện và tập quán sản xuất vùng Bắc bộ như máy gặt đập 5 tác dụng, thiết gieo cấy sử dụng công nghệ mạ khay, công nghệ định lượng và tự động cấp chất dinh dưỡng trong thủy canh. Các sản phẩm thuộc lĩnh vực y tế cũng được nghiên cứu ứng dụng như thiết bị tự động pha dịch đồng bộ cho lọc thận nhân tạo, thiết bị rửa quả lọc thận, hệ thiết bị lọc nước siêu tinh khiết trong bệnh viện phụ sản, hệ thống dao mổ điện, ... Ngoài ra, còn nghiên cứu chế tạo được các hệ thống thiết bị tự động hóa phục vụ cảnh báo, giám sát hệ thống truyền hình cáp hữu tuyến, thiết bị định vị phục vụ công tác nghiệp vụ công an,...

Nghiên cứu khoa học về vật liệu mới đã huy động được nhiều đơn vị Viện, trường, trung tâm nghiên cứu KH&CN Trung ương đóng trên địa bàn có cơ sở tiềm lực và trang thiết bị tiên tiến tham gia. Nhờ đó đã tạo ra được nhiều sản phẩm có hàm lượng khoa học cao và được ứng dụng vào thực tiễn như: kính mũ chống đạn K59 trang bị cho công an đạt tiêu chuẩn tương đương cấp IIA (theo tiêu chuẩn của Mỹ); mũi khoan được chế tạo từ kết quả nghiên cứu vật liệu hợp  kim BK8 có tuổi thọ cao tương đương với sản phẩm cùng loại của Mỹ nhưng giá thành giảm; giá thể vi sinh học là sản phẩm từ nghiên cứu vật liệu compozit có thành phần nguyên liệu từ tre được ứng dụng trong xử lý nước thải nhiễm hóa chất công nghiệp.

Lĩnh vực quy hoạch kiến trúc: tập trung nghiên cứu các vấn đề liên quan đến quản lý để tạo ra hệ thống cơ chế chính sách đồng bộ nhằm ngăn chặn sự phát triển lộn xộn phá vỡ qui hoạch và kiến trúc cảnh quan trong quá trình đô thị hoá, dự báo được các tác động của quá trình đó đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Đề xuất giải pháp về quy hoạch, cơ chế chính sách nhằm nâng cao hiệu quả quy hoạch, cải tạo các khu chung cư cũ. Các giải pháp phát triển tính đa dạng trong không gian kiến trúc Hà Nội. Nghiên cứu các quy hoạch phân khu, quy hoạch vùng Thủ đô; các giải pháp thiết kế chiếu sáng nhằm nâng cao tính thẩm mỹ và chất lượng hệ thống chiếu sáng và hạ ngầm các công trình đường dây đi nổi. 

Thu Nga

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang