Nợ xấu ngân hàng: Giải pháp nào là khả thi?

author 10:41 21/03/2013

Báo cáo mới nhất của ngân hàng Standard Chartered cập nhật về tình hình kinh tế VN và công bố những phân tích về hoạt động của hệ thống ngân hàng. Trong đó, các vấn đề về nợ xấu cùng những giải pháp chính đã được nhóm nghiên cứu đưa ra. Liệu đây có là những giải pháp khả thi ?

Việc tự các ngân hàng thực hiện nghiệp vụ xóa nợ xấu có thể khiến cho lợi nhuận ngân hàng ngày càng sụt giảm.
 

Cụ thể, báo cáo tập trung ở 6 kênh tài trợ vốn có thể thực hiện để giải quyết triệt để nợ xấu:

Ngân hàng xóa nợ xấu: có thể thấy việc tự các ngân hàng thực hiện nghiệp vụ này sẽ khiến cho lợi nhuận ngân hàng ngày càng sụt giảm có thể gây ra thua lỗ mà còn làm giảm vốn chủ sở hữu của ngân hàng. Các ngân hàng có thể đã phải hạch toán lỗ rất lớn do ghi nhận chi phí trích lập dự phòng rủi ro. Hơn nữa, việc phân loại về nhóm nợ trong hệ thống các tổ chức tín dụng là chưa thực sự rõ ràng nên sẽ còn nhiều khoản rơi vào nhóm 5 (có khả năng mất vốn). Vì vậy đây sẽ là một áp lực không nhỏ cho các tổ chức tín dụng do nguồn trích lập là thấp hơn rất nhiều so với các khoản nợ xấu.

Cứu trợ từ ngân sách: Giải pháp này không mang tính khả thi vì dù Chính phủ có bơm tiền ra nhưng các ngân hàng cũng chưa chắc đẩy tín dụng ra mà có thể hướng đến các DN thân quen hoặc tập trung xử lý nợ xấu của riêng ngân hàng đó. Do đó, nợ xấu sẽ nằm nguyên mà không được giải quyết.

Chính phủ hoặc ngân hàng chính sách phát hành trái phiếu và mua nợ từ ngân hàng: Biện pháp này cũng sẽ gây tranh cãi vì có thể tạo ra tiền lệ rằng DN hay ngân hàng dù có làm ăn thua lỗ hay gây ra nợ xấu nhiều vẫn sẽ được Chính phủ cứu trợ.

NHNN sử dụng dự trữ ngoại hối để bơm vốn thẳng cho ngành ngân hàng: Trong tình hình mà nguồn dự trữ còn thấp thì việc bơm vốn này sẽ gây ra những căng thẳng về ngoại tệ do có sự chênh lệch cung cầu khiến tỷ giá biến động và làm ảnh hưởng đến lạm phát.

Thiết lập Cty quản lý tài sản để xử lý nợ xấu: Đây được coi là phương án khả dĩ nhất có thể chấp nhận được. VAMC được thành lập với số vốn khoảng 100.000 tỉ đồng. Nợ xấu của ngân hàng sẽ được chuyển giao cho VAMC, đổi lại ngân hàng sẽ được nhận trái phiếu do VAMC phát hành. Trái phiếu VAMC là trái phiếu DN, được tự do mua bán, chiết khấu, thế chấp, mang lên giao dịch trên thị trường mở… về bản chất, VAMC thực ra là một biện pháp kéo giãn thời gian thu hồi nợ. Vấn đề của VAMC nằm ở chỗ khoản nợ xấu nào sẽ được lựa chọn và định giá tài sản bảo đảm.

Dùng vốn nước ngoài: Đối với nhiều ngân hàng thì mở rộng cửa mua nợ với nhà đầu tư ngoại sẽ giúp đẩy nhanh tái cơ cấu ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng yếu kém. Nhưng việc nới room sở hữu cổ phần đối tại các ngân hàng vẫn chưa được thực hiện (theo quy định hiện nay là 30%). Dù có đề xuất việc tăng tỷ lệ này lên mức cao hơn, như lên 40% tại các ngân hàng yếu kém thì cũng không hấp dẫn nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Bởi các tổ chức, định chế tài chính quốc tế lớn phải nắm quyền kiểm soát toàn bộ (tức là trên 50%) thì họ mới chấp nhận, nên đây cũng là một rào cản không nhỏ. Ngoài ra, đa phần các khoản nợ xấu đều liên quan đến bất động sản nhưng nhà đầu tư nước ngoài không có quyền sở hữu, mà chỉ được thuê. Do đó, cánh cửa cho vốn ngoại chảy vào mua nợ xấu đã bị thu hẹp đáng kể.

Theo DDDN

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang