Nữ Giám đốc "vừa ăn cướp vừa la làng" chiếm 1 triệu USD

author 17:14 18/09/2012

(VietQ.vn) - Bất ngờ bị Đào Thanh Nhi trở mặt, đuổi công nhân, đóng cửa nhà máy, ông Sugimoto mới vỡ lẽ những tờ giấy trắng mà Nhi yêu cầu ông ký khống trước đó đã được người phụ nữ này sử dụng vào việc làm các phiếu chi tiền giả mạo để chứng minh ông đã nhận lại số tiền đầu tư. Nỗi oan ức của ông Sugimoto đã được cơ quan điều tra làm sáng tỏ bằng các giám định khoa học…

"Cơn giông tai họa"...

Sau khi thành lập công ty Progtechno Việt Nam thứ 2 tại Hưng Yên, đăng ký tài khoản của công ty này, Đào Thanh Nhi  thông báo cho ông Sugimoto biết là công ty Progtechno Việt Nam đã chuyển “trụ sở” về đường B2 khu B khu công nghiệp Phố Nối A, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên với số tài khoản mới (số tài khoản của công ty Progtechno Việt Nam thứ 2). Tin tưởng vào Đào Thanh Nhi - vị phó giám đốc điều hành của mình tại Việt Nam, vợ chồng ông Sugimoto làm thủ tục chuyển máy móc sang  và tiếp tục chuyển tiền vào tài khoản thứ 2 này để hoàn thiện nhà máy, mua nguyên vật liệu chuẩn bị sản xuất, trả lương công nhân… mà hoàn toàn không ngờ tới “sóng thần” chuẩn bị trút xuống đầu mình.

Công nhân của Công ty bị đuổi ra cổng
Công nhân của Công ty bị đuổi ra cổng

Trong khi ông Sugimoto tiếp tục chuyển tiền để sản xuất thì ngày 27-10-2008, Cục thuế  Hà Nội nhận được văn bản đề nghị quyết toán trước thời hạn để làm thủ tục giải thể công ty Progtechno Việt Nam (công ty thứ nhất tại Hà Nội) và tại biên bản kiểm tra thuế (ngày 18-11-2008),  Nhi báo cáo công ty  không  hoạt động kinh doanh  với  lý do không thỏa thuận được hợp đồng thuê đất để triển khai dự án nên cổ đông công ty thống nhất giải thể  và công ty không đăng ký tài khoản. Nhi đã qua mặt được Cục thuế Hà Nội vì thực tế  công ty Progtechno Việt Nam  tại Hà Nội có mở tài khoản và tài khoản này đã nhận từ vợ chồng ông Sugimoto 633.172 USD.

Và cũng bắt đầu từ thời gian này,  Nhi  công khai cho ông Sugimoto biết  “cơn giông tai họa”  đã đến bằng cách ngày 25-11-2008, qua bản fax thông báo tuyên bố giải thể công ty Progtechno Việt Nam và khi giải thể đã  3 lần trả tiền đầu tư cho ông Sugimoto. Đến ngày 1-12-2008, Nhi gửi hồ sơ đến Sở Kế hoạch đầu tư thành phố Hà Nội xin giải thể công ty Progtechno Việt Nam. Nhưng chỉ có điều Nhi không thể ngờ bằng kinh nghiệm và sự nhạy cảm, cán bộ Sở Kế hoạch đầu tư Hà Nội  đã phát hiện các dấu hiệu uẩn khúc, giả mạo, không đúng quy định Luật Đầu tư của bộ hồ sơ xin giải thể nên không giải quyết ngay. Và điều đó, sau này đã được chứng minh bằng tài liệu xác minh, giám định của cơ quan điều tra .  

Đến cuối năm 2008, khi “kịch bản” chiếm đoạt tài sản của ông Sugimoto đã “chín muồi”, Đào Thanh Nhi đã chủ động lật kèo bằng việc thuê bảo vệ, đóng cửa nhà máy sản xuất cơ khí tại KCN Phố Nối với lý do công ty Progtechno Việt Nam không trả tiền thuê đất và nhà xưởng cho công ty Kinhi do Nhi làm giám đốc. Một loạt giấy tờ tài liệu đã được Đào Thanh Nhi trình trước các cơ quan chức năng để chứng minh việc ông Sugimoto “chẳng có gì” tại công ty Progtechno Việt Nam. 

Trong những giấy tờ này, có 3 phiếu chi tổng số tiền trên 11,3 tỷ đồng là chứng từ trả tiền góp vốn cho ông Sugimoto khi giải thể công ty Progtechno tại Hà Nội được lập vào các ngày 29-9-2007, 10-11-2007 và 30-1-2008. 3 phiếu chi trên được lập bằng tiếng Việt Nam và tiếng Nhật. Trên các phiếu này đều có chữ ký “tươi” của ông Sugimoto. Đây là bằng chứng để Đào Thanh Nhi khẳng định ông Sugimoto đã nhận hết số tiền góp vốn mà trước đây đã chuyển sang Việt Nam thông qua tài khoản công ty Protechno tại Hà Nội.

Về phía ông Sugimoto thì khẳng định đúng là chữ ký của ông thật nhưng nội dung ông đã nhận lại tiền thì hoàn toàn không có.  Ông Sugimoto đặt giả thiết sở dĩ có chữ ký của ông trên văn bản này bởi trước đó Nhi đã yêu cầu ông ký khống, đóng dấu chức danh trên nhiều tờ giấy trắng khổ A4 khi ông Sugimoto không sang được Việt Nam để Đào Thanh Nhi làm thủ tục hải quan nhập máy móc do ông gửi sang Việt Nam cho công ty Progtechno Việt Nam. Theo nhận định của ông Sugimoto thì những nội dung trên giấy được Nhi chế tác bằng máy vi tính sau khi có chữ ký của ông và ông cũng chưa bao giờ được nhìn thấy các phiếu chi này cho đến khi Nhi đưa cho luật sư của ông tại Việt Nam khi xẩy ra việc đuổi công nhân của ông, không cho làm việc.

Đi tìm lời giải cho các tờ chi phiếu

Vậy sự thật về những phiếu chi tiền này thế nào? Để làm rõ sự thật khách quan  việc chữ ký của ông Sugimoto có trước hay có sau nội dung trên phiếu chi, toàn bộ tài liệu  từ hồ sơ xin thành lập công ty , hồ sơ xin giải thể công ty , các phiếu chi …đã được Cơ quan điều tra CATP Hà Nội chuyển đến Viện Khoa học hình sự Bộ Công an để trưng cầu giám định.

Theo các giám định viên Viện KHHS, để xác định nội dung tài liệu có trước hay chữ ký, hình dấu có trước trên cùng một tài liệu  trong vụ việc này là một thử thách vì kết luận giám định là kết luận của khoa học có tính khách quan cao nhất , nó không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của giám định viên mà đòi hỏi các giám định viên phải tìm được, hay nói chính xác là chứng minh được các hạt mực in laser khi in phần nội dung tài liệu, có nằm trên các chữ ký, hình dấu đó hay không? Vì khi in tài liệu đó, các hạt mực in văng khắp trên bề mặt tài liệu.

Nữ doanh nhân Đào Thanh Nhi (phải) đang bị cảnh sát truy tìm
Nữ doanh nhân lừa đảo Đào Thanh Nhi (phải) đang bị cảnh sát truy tìm

Ở các vị trí có các vật cản (nét chữ ký, nét hình dấu), các hạt mực vô cùng nhỏ này sẽ bị giữ lại, dính trên bề mặt các nét chữ, hình dấu đó. Do những hạt mực có kích thước cực nhỏ, chỉ là những Nanomet (nm) nên để phát hiện được chúng phải dùng đến thiết bị điện tử hỗ trợ . Đó là kính hiển vi điện tử hiện đại quét phóng đại lên được hàng triệu lần.

Trong thời gian này, Viện KHHS đã được  trang bị chiếc kính hiển vi điện tử, thiết bị hiện đại nhất trong công tác giám định tài liệu hiện nay.  Khả năng phân tích ảnh trên kính hiển vi điện tử theo lý thuyết có thể phóng đại tới 1 triệu lần và có thể đo được kích thước của dấu vết với độ chính xác đến nm (1 nanomet/1.000.000m). Kính có khả năng soi cấu trúc các loại lông, tóc, sợi vải các loại; soi các vi vết trên đầu đạn, vỏ đạn; soi cấu trúc bề mặt các loại sơn; phân tích thành phần các loại khoáng vật, đất đá về cấu trúc bề mặt; phân tích dấu vết phấn hoa trong đất đá, trầm tích…
 

Đối với các dấu vết trên tài liệu, kính hiển vi điện tử quét có thể phân tích kiểu chữ, nét chữ, loại mực, vị trí, thứ tự các nét chữ và nét in để lại trên tài liệu và chụp ảnh phân biệt sự phân bố các thành phần cấu tạo trên mẫu cần giám định. Nhiệm vụ giám định các tài liệu trong vụ án này được  các giám định viên của Phòng Giám định Hóa pháp lý và phòng Giám định tài liệu nghiên cứu.

Kết hợp giữa kinh nghiệm trong giám định tài liệu và khả năng của kính hiển vi điện tử, các giám định viên của Viện KHHS ngày đêm miệt mài nghiên cứu, giám định để tìm ra lời giải. Việc xác định sự có mặt của những hạt mực này đã rất khó, nhưng để định vị chính xác vị trí của chúng trên các nét chữ ký, nét hình dấu lại càng khó hơn bởi đây là bằng chứng quyết định để chứng minh các hạt mực nằm trên hay nằm dưới các nét chữ, nét con dấu – chứng cứ quyết định sự có trước hay có sau nội dung trên tài liệu cần giám định.

Để giải quyết được yêu cầu đó, trước hết giám định viên phải nghiên cứu cấu trúc bề mặt giấy, thành phần hóa học của mực in trên kính hiển vi điện tử quét, Điều chỉnh độ phóng đại của kính lên hàng  nghìn lần để tìm  các hạt mực trên tài liệu  với một kích thước đủ lớn có độ nét để mắt thường có thể nhận diện được và phải định vị được vị trí của chúng trên các nét chữ, nét dấu đang mang nó đồng thời  phải tìm và chứng minh được sự có mặt của tập hợp nhiều dấu vết trên phần lớn các nét chữ ký, nét hình dấu theo một trình tự logic và khoa học.

Sau gần 5 tháng nghiên cứu,tổ chức thực nghiệm, giám định một cách thận trọng, các giám định viên đã có câu trả lời một cách khách quan, chính xác.  Ngày 9-9-2009, Thiếu tướng, PGS-TS  Ngô Tiến Quý – Viện trưởng Viện Khoa học hình sự Bộ Công an đã ký  văn bản kết luận giám định số 1228/C21 (P5, P6) gửi cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội kết luận: Toàn bộ phần nội dung của tài liệu gửi giám định đều được in sau phần chữ ký của ông Sugimoto.

Ngoài ra, khi xem các phiếu chi, biên bản đối chiếu xác nhận thanh toán bằng chữ Nhật Bản (được Đào Thanh Nhi giao nộp cho cơ quan điều tra chứng minh ông Sugimoto đã ký  nhận lại số tiền góp vốn thành lập doanh nghiệp và mua đất, xây dựng nhà xưởng ban đầu), ông Sugimoto khẳng định ông chưa bao giờ được Đào Thanh Nhi đưa xem và ký vào loại chứng từ gọi là phiếu chi tiền, biên bản đối chiếu… như thế này.

Ông Sugimoto cho biết nội dung những giấy tờ này do người Việt Nam có được học  tiếng Nhật nhưng không thông thạo về ngôn ngữ Nhật, bộ chữ Hán nên đã soạn thảo tiêu đề sai không đúng với tiêu đề và cách sử sụng phiếu chi tiền của người Nhật  và người Nhật khi đọc sẽ không hiểu các chứng từ được gọi là phiếu chi, hay biên bản xác nhận… diễn đạt nội dung gì. Không những thế ông Sugimoto còn cất công quay về Nhật Bản để lấy các tập hóa đơn, phiếu chi tiền vẫn được sử dụng trong tập quán kinh doanh tai Nhật bản mang sang Việt Nam để chứng minh lời trình bày của mình.

Vì vậy, bên cạnh kết luận giám định của Viện KHHS nêu trên, Cơ quan điều tra rất thận trọng còn gửi trưng cầu giám định tài chính đối với các phiếu chi tiền đến cơ quan chức năng của Bộ Tài chính, trưng cầu giám định chữ viết tiếng Nhật tại trường Đại học Hà Nội (Khoa tiếng Nhật) đối với các các phiếu chi tiền, biên bản đối chiếu xác nhận thanh toán, hợp đồng cho vay tiền… mà Đào Thanh Nhi đã xuất trình để chứng minh rằng công ty Kinhi của cô ta đã trả hết tiền đầu tư cho ông Sugimoto.

Sau khi nghiên cứu, ngày 25-10-2010 trường Đại học Hà Nội (Khoa tiếng Nhật) đã có văn bản trả lời:  “Các văn bản trên  là bản gốc được viết bằng tiếng Việt, sau đó  được dịch ra tiếng Nhật để người Nhật hiểu và ký nhận. Nhưng cách dịch sang tiếng Việt còn để lại nhiều sai sót như sai ngữ pháp, sai cách dùng từ, sai văn phong và đặc biệt chưa phản ánh đúng tinh thần văn hóa kinh doanh của người Nhật. Nhiều câu tiếng Nhật được dịch theo lối chắp nối các từ với nhau một cách cẩu thả, sai ngữ pháp tiếng Nhật, chắp nối các từ Hán Việt một cách máy móc, từ ngữ pháp đến nghĩa của một số từ cơ bản trong câu đều không đúng với diễn đạt của người Nhật dẫn đến việc gây khó hiểu đối với người Nhật”.

Các kết luận giám định, đặc biệt kết luận giám định của Viện KHHS đã đóng vai trò hết sức quan trọng, là chìa khóa giúp cho cơ quan điều tra làm sáng tỏ vụ việc khá hóc búa này, chứng minh sự thật trong lá đơn kêu cứu của ông Sugimoto.  Kết quả này đã chứng minh khách quan rằng bà Đào Thanh Nhi đã sử dụng máy tính để làm giả mạo toàn bộ nội dung phiếu chi trên những tờ giấy được ông Sugimoto ký khống từ trước.

Hồ sơ vụ án cũng đã được các cơ quan có thẩm quyền,  cơ quan điều tra,cơ quan tố tụng từ cấp thành phố đến trung ương nghiên cứu,thẩm định, đánh giá chứng cứ một cách thận trọng khách quan và đến tháng 2-2012, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã quyết định khởi tố vụ án hình sự. Diễn tiến điều tra vụ án kéo dài sau đó, là do còn ý kiến trong Viện KSND TP Hà Nội cho rằng đây chỉ là vụ việc tranh chấp dân sự. Tuy nhiên cuối cùng bằng nhiều tài liệu điều tra công phu, khách quan của Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội, Viện KSND TP Hà Nội đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can , lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Đào Thanh Nhi.

Hiện bà Nhi đã trốn khỏi nơi cư trú khi cảnh sát đến bắt giữ.

Nguyễn Vũ (Bài viết được thực hiện với sự cộng tác của đồng nghiệp và cơ quan Công an Hà Nội)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang