Phát hiện cụm núi lửa 50 triệu tuổi đã ‘chia rẽ’ Australia và New Zealand?

author 10:29 16/07/2015

(VietQ.vn) - Các nhà khoa học đã tình cờ phát hiện ra một cụm núi lửa cổ xưa gồm bốn ngọn núi lửa đã tắt, ước chừng khoảng 50 triệu năm tuổi ngoài khơi Sydney.

Mới đây, một đoàn nghiên cứu đang đi tìm vùng sinh sản của tôm hùm trên tàu Investigator đã tình cờ phát hiện chuỗi 4 ngọn núi lửa cổ xưa có niên đại lên tới 50 triệu năm nằm cách bờ biển Sydney 250 km, báo Dân Trí dẫn nguồn tin từ Telegraph ngày 13/7 cho hay.

Theo đó, đoàn nghiên cứu trên tàu Investigator gồm 28 nhà khoa học đến từ các trường đại học của Australia, Canada và New Zealand. Khi phát hiện ra khu vực núi lửa, đoàn tìm kiếm hoàn toàn bất ngờ bởi họ chưa từng có một chút dữ liệu nào về điều này. “Chúng tôi không hề chủ định tìm kiếm núi lửa. Chúng tôi đang đi tìm ấu trùng tôm”, một thành viên trong đoàn cho hay.

Cụm núi lửa này dài 20 km và rộng 6 km, cách bờ biển Sydney 250 km. Trong đó ngọn núi cao nhất rộng 1,5 km và cao 700 mét tính từ đáy biển. Vùng địa chất này bao gồm các miệng núi khổng lồ nằm kề nhau, được hình thành do sự phun trào của núi lửa, dẫn tới đất đai xung quanh đó bị sụp đổ. Miệng núi lớn nhất có đường kính lên tới hơn 1,6 km và nhô cao khoảng hơn 800 m so với đáy biển.

Mô hình cụm núi lửa ngoài khơi Sydney

Mô hình cụm núi lửa ngoài khơi Sydney. Ảnh CSIRO

Chia sẻ về khám phá bất ngờ này, Giáo sư Iain Suthers đến từ Đại học New South Wales - Trưởng đoàn thám hiểm đánh giá đây là một phát hiện tình cờ nhưng gây chấn động lớn. Ông nói: "Chúng là một phần của đáy biển Sydney, của Australia. Vậy mà lâu nay chúng ta lại không hề biết đến sự tồn tại của chúng".

"Trên màn hình kia là bốn ngọn núi lửa phi thường nom giống như trang bìa của một cuốn sách địa chất vậy... Nếu có thể hút cạn cả đại dương chỉ trong vài giây thôi thì một cảnh tượng tuyệt vời sẽ hiện ra, kiến trúc ấy quả thật kỳ diệu" Suthers nói.

Trong khi đó, giáo sư Richard Arculus, chuyên gia về núi lửa ở đại học Quốc gia Australia, cho biết dãy núi lửa này sẽ giúp vén màn những bí ẩn vẫn còn đang chìm sâu dưới đáy biển: “Nó sẽ cho chúng ta biết một phần câu chuyện làm thế nào New Zealand và Australia đã tách rời nhau khoảng 40 đến 80 triệu năm trước. Đồng thời cũng sẽ giúp các nhà khoa học tập trung hơn vào các cuộc thám hiểm đáy biển trong tương lại nhằm giải mã các bí ẩn của lớp vỏ trái đất.”

Về phần mình, nghiên cứu sinh Carlos Rocha, người cũng tham gia đoàn tìm kiếm cho rằng phát hiện này sẽ thách thức giới khoa học về những gì họ đã biết về các mảng kiến tạo địa chất trong khu vực. Đáng chú ý, trong chuyến đi may mắn này, đoàn thám hiểm trên tàu Investigator không chỉ tìm thấy dãy núi lửa mà còn tìm ra vùng cư trú của ấu trùng tôm hùm.

Khu vực tìm thấy cụm núi lửa ngoài khơi Sydney

Khu vực tìm thấy cụm núi lửa ngoài khơi Sydney. Ảnh CSIRO

"Chúng tôi không chỉ phát hiện ra núi lửa ở cửa ngõ Sydney, chúng tôi rất phấn khích khi biết rằng vùng xoáy nước ở đây chính là địa điểm tập trung của ấu trùng tôm hùm vào thời điểm chúng ta không hy vọng sẽ thấy chúng", nhà nghiên cứu Iain Suthers ở đại học New South Wales phấn khởi cho biết.

Trên thực tế, những cấu trúc địa chất này thực ra đã được kiểm tra nhưng không được phát hiện ra vì các tàu nghiên cứu trước đây không đủ trang thiết bị để đo đạc ở độ sâu như vậy. “Với chiếc tàu mới Investigator, chúng tôi có thể sử dụng thiết bị sóng âm phản xạ (sonar) để vẽ bản đồ đáy biển ở bất cứ độ sâu nào. Do đó, việc dựng lại bản đồ của toàn bộ vùng đại dương thuộc lãnh thổ Australia giờ đây hoàn toàn nằm trong tầm tay”, giáo sư Arculus cho biết.

Được biết, các thiết bị thăm dò đời trước tàu Investigator chỉ lập được bản đồ dưới đáy biển ở độ sâu 3.000 m. Giáo sư Aruculus đánh giá, Investigator là tàu thăm dò đầu tiên có thể tiến sâu xuống đáy đại đương, lập bản đồ vùng đáy. Tàu Investigator cùng với cụm núi lửa mới được phát hiện sẽ mở ra hướng tìm hiểu bí mật của lớp vở Trái Đất sâu dưới đáy biển, theo thông tin trên báo VnExpress.

Minh Thùy (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang