Ông Phan Đăng Long: ‘Nhiều người hiểu lầm tôi không coi dân ra gì’

author 13:35 18/03/2015

(VietQ.vn) - Ông Phan Đăng Long cho rằng, câu nói “chặt cây không phải hỏi dân” của ông khiến nhiều người hiểu lầm. Họ nghĩ rằng ông coi thường dân, nhưng không phải vậy…

Ngày 17/3, bên lề buổi họp báo Thảnh ủy Hà Nội, phóng viên Vietnamnet có hỏi quan điểm của ông Phan Đăng Long, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy trước bức thư đề xuất dừng chặt cây tại Hà Nội của ông Trần Đăng Tuấn. Trong cuộc trò chuyện dài đó, ông Long có nói một câu “chặt cây không phải hỏi dân”. Câu nói này của ông Long đã nhận được nhiều ý kiến không đồng tình, bởi họ cho rằng, ông Long nói thế là thiếu tôn trọng người dân.

Hôm nay (18/3), trao đổi với phóng viên Chất lượng Việt Nam, ông Long đã có những chia sẻ hết sức chân thành, thẳng thắn về sự việc này.

PV: Mới đây, ông Trần Đăng Tuấn – nguyên Phó tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam có bức thư gửi cho Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nêu quan điểm nên dừng việc chặt cây tại nhiều tuyến phố Hà Nội để hỏi ý kiến người dân trước. Khi trao đổi với phóng viên Vietnamnet, ông có nói một câu rằng “chặt cây không phải hỏi dân”. Ông suy nghĩ như thế nào về câu nói này của mình?

Ông Phan Đăng Long: Tôi đã đọc bài báo trên Vietnamnet và thấy cũng không đến nỗi nào. Nhưng kể tôi nói đầy đủ hơn chút nữa thì tốt. Ví dụ tôi có nói, không phải hỏi dân vì không phải việc gì cũng hỏi dân. Bởi cán bộ công chức, hưởng lương Nhà nước thì phải chịu trách nhiệm của mình. Mà vấn đề hỏi dân cũng có quy định, nếu việc cũng hỏi ý kiến dân thì lâu lắm, còn làm ăn được gì nữa.

Ông Phan Đăng Long, phó ban tuyên giáo thành ủy hà nội

Ông Phan Đăng Long trải lòng sau câu nói "chặt cây không phải hỏi dân". Ảnh Viết Cường

Hai nữa là quá trình làm việc của chính quyền các cấp thì đều có sự kiểm tra, giám sát của Hội đồng Nhân dân, mà Hội đồng Nhân dân là do dân bầu ra. Còn khi dân có thắc mắc thì Hà Nội đã tổ chức họp báo Thành ủy để giải đáp rồi. Việc Hà Nội thay thế cây xanh cũng đã được bàn luận, tính toán, thông tin rất kỹ lưỡng rồi. Nhưng không hiểu sao, nhiều người vẫn cố tình không hiểu, không chấp nhận thì biết làm sao được.

Chính quyền họ phải chịu trách nhiệm của mình về vấn đề đó. Còn tôi tin cơ quan chuyên môn họ có đủ cơ sở khoa học cho việc này. Họ đã có đề án trồng cây gì, trồng ở đâu, trồng như thế nào, chi phí ra sao,…

Cho nên việc này không cần phải hỏi dân. Ý ở đây là hỏi dân trực tiếp, có nghĩa trước khi làm phải hỏi dân. Cả Hà Nội có mấy triệu người, nếu việc gì cũng hỏi dân thì khác nào đẽo cày giữa đường, khó thực hiện được lắm.

Mà những người thắc mắc cũng đâu phải là đa số, cũng có rất nhiều người đồng tình mà. Sự việc này Thành ủy đã tổ chức họp báo mấy lần, ngoài ra các phóng viên cũng đã ghi nhận ý kiến của các sở ban ngành liên quan về đề án.

Còn bây giờ, ý của ông Trần Đăng Tuấn là phải hỏi dân, để dân giám sát. Thế thì Hội đồng Nhân dân để làm gì, dân bầu họ lên làm gì nữa?

PV: Dư luận tỏ ra không hài lòng với câu nói của ông trên Vietnamnet. Ông có chia sẻ gì về việc này?

Ông Phan Đăng Long: Nội dung trên bài thực ra chưa nói thật đầy đủ. Câu nói không phải hỏi dân của tôi khiến nhiều người nghĩ không coi dân ra gì. Điều này dễ gây xúc phạm cho họ.

Nhưng Vietnamnet thể hiện không đầy đủ ý tứ câu nói “không hỏi dân”. Khi người ta đặt ra câu hỏi phải hỏi dân, thì quy trình đó là không phải hỏi dân. Chính quyền thực hiện theo trách nhiệm, đã có Hội đồng Nhân dân là cơ quan giám sát, được chính người dân bỏ phiếu bầu ra. Những việc gì người dân có thắc mắc và cần trao đổi thì thành phố cũng đã họp báo, thông tin đầy đủ.

Có những quyết định, chính sách ban hành, cả thành phố này thì có hàng triệu con người nên khó có thể tất cả cùng đồng thuận được.

Tôi nghĩ họ đọc và họ không hiểu đúng những chia sẻ của tôi. Chúng tôi luôn tôn trọng nhân dân.

PV: Xin cảm ơn ông!

Viết Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang