Phương pháp phòng bệnh tổng hợp nâng cao năng suất thủy sản mùa nắng

author 15:28 14/07/2015

(VietQ.vn) - Mùa hè nắng nóng đi kèm với những cơn mưa giông thường làm tăng nguy cơ phát sinh bệnh cho thủy sản, do đó, người nuôi trồng cần có những biện pháp phòng chống thích hợp nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng thủy sản.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Chống ô nhiễm hữu cơ xảy ra trong ao nuôi

Xác định chính xác khẩu phần thức ăn trong ngày là biện pháp cần thiết để giảm chất thải hữu cơ trong ao nuôi thông qua giảm lượng thức ăn dư thừa. Thường xuyên dùng chế phẩm vi sinh có thể ổn định tảo và giảm chất hữu cơ trong ao nuôi một cách từ từ nhưng lại rất hiệu quả.

Cần hạn chế dùng thuốc kháng sinh và hóa chất bởi nếu dùng thường xuyên, thuốc có thể tiêu diệt hệ vi sinh vật có lợi ở đáy ao, giảm quá trình chuyển hóa lượng chất hữu cơ lơ lửng và lắng tụ ở đáy ao. Chống xói lở bờ ao và chống nước mưa có thể kéo theo các chất thải hữu cơ vào trong ao, dùng bạt che phủ bờ ao nuôi tôm, nguồn nước lấy vào ao phải qua lắng lọc. Áp dụng các mô hình nuôi ghép, nuôi luân canh và nuôi tổng hợp có thể giúp người nuôi quản lý môi trường thích hợp và bền vững.

Quản lý độ trong, độ mặn, pH và lượng khí Ammoniac (NH3)

Độ trong của nước nuôi thủy sản chủ yếu phụ thuộc vào mật độ của sinh vật phù du có trong ao. Khi độ trong quá thấp, thường do tảo phù du phát triển quá dày, làm các chỉ số pH, DO (oxy hòa tan) biến động rất lớn gây sốc cho thủy sản nuôi trong ao. Ngược lại khi độ trong cao, hàm lượng oxy thường thấp và tảo đáy có nguy cơ bùng phát mạnh, cạnh tranh không gian hoạt động và oxy về ban đêm, gây sốc cho tôm cá. Dùng phân hữu cơ, vô cơ, vi sinh để gây màu nước trước khi thả nuôi. Định kỳ dùng vôi nông nghiệp (CaCO3) hay vôi Dolomite (CaMg(CO3)2) để ổn định pH và độ cứng trong ao nuôi thủy sản nước mặn nhằm đảm bảo sự phát triển ổn định của sinh vật phù du trong suốt vụ nuôi. Dùng chế phẩm vi sinh để ổn định môi trường. Khi độ trong quá thấp do tảo phù du phát triển mạnh, cần thay một phần nước hoặc tắt máy sục khí cho tảo dồn vào góc ao theo chiều gió, dùng formol nồng độ 4-10 ppm diệt bớt tảo tại góc ao đó, sau đó lại vận hành máy quạt nước trở lại bình thường.

Quản lý, kiểm tra ao nuôi là một trong những phương pháp giúp phòng bệnh cho thủy sản trong mùa nóng từ đó đảm đảm năng suất, chất lượng

Quản lý, kiểm tra ao nuôi là một trong những phương pháp giúp phòng bệnh cho thủy sản trong mùa nóng từ đó đảm đảm năng suất, chất lượng

Trong ao nuôi, sau các cơn mưa lớn kéo dài, độ mặn có sự phân tầng, do vậy cần thiết phải thay nước tầng mặt và lấy nước tầng đáy để ổn định độ mặn, tránh gây sốc cho thủy sản nuôi. Sử dụng nguồn nước ngọt tại chỗ để giảm độ mặn trong các ao nuôi thủy sản vào mùa khô, mùa có độ mặn cao, nhiều khi lên đến 50‰.

pH nước tăng cao hay xuống thấp không những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của thủy sản nuôi mà còn gây chết khu hệ thủy sinh trong ao, gây tàn tảo và tác động xấu tới môi trường, sức khỏe thủy sản. pH nước ao còn ảnh hưởng đến tính độc của các loại khí NH3 và H2S tới đời sống của thủy sản nuôi.

Trong các ao nuôi tôm, khi pH cao vượt giới hạn cho phép, có thể dùng đường cát rắc xuống ao cũng có thể làm giảm pH do hoạt động lên men đường của các vi sinh vật. Khi khẩn cấp, có thể dùng một số loại axit hữu cơ phun xuống ao để giảm pH khi cần thiết.

Sự tồn tại của khí NH3 trong hệ thống nuôi trồng thủy sản hoàn toàn bất lợi cho đời sống của vật nuôi. Để quản lý hàm lượng NH3 trong ao, định kỳ dùng chế phẩm vi sinh trong các ao nuôi thâm canh, chu kỳ nuôi dài để giảm hàm lượng nitơ dư thừa trong nước ao. Ổn định pH nước ao trong giới hạn 7,5 - 8,5 (nước mặn) để kìm hãm sự chuyển đổi giữa các dạng khác nhau của nitơ. Có thể định kỳ dùng một số thuốc sát trùng có tính ôxy hóa cao để khử một lượng khí độc sản sinh ra trong ao nuôi (Iodine, BKC, H2O2 (nước oxy già)…).

Tăng cường chăm sóc quản lý chung

Chọn giống thả: Giống thả mới hoặc bổ sung phải được kiểm dịch và đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, nên mua ở những nơi có uy tín, tin cậy thả đúng mật độ.

Tẩy trùng cho vật nuôi: Khi nhập giống về nuôi, trước khi thả nên tắm bằng Formalin 200-300 ppm thời gian 30-60 phút và có sục khí.

Thả giống đúng mùa vụ, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm không quá 50C (thường sau thanh minh - áp dụng cho nuôi tôm).

Trời nắng nóng cùng những cơn mưa bất ngờ thường khiến thủy sản dễ bị mắc nhiều bệnh truyền nhiễm gây giảm năng suất

Trời nắng nóng cùng những cơn mưa bất ngờ thường khiến thủy sản dễ bị mắc nhiều bệnh truyền nhiễm gây giảm năng suất

Tẩy trùng nơi cho ăn: Vôi 2-4 kg/túi treo quanh chỗ cho ăn và cống lấy nước, thay túi sau 5-7 ngày. Khử trùng dụng cụ, quần áo lội ao dùng TCCA 10-20g/m3 để ngâm ít nhất 1 giờ và rửa sạch mới dùng.

Trong quá trình nuôi: Định kỳ 2 lần/tuần bổ sung Vitamin C với liều 40g/100kg trộn vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho vật nuôi và hằng tháng dùng vôi bột khử trùng ao với liều lượng 1,5kg/100m2.

Trị bệnh trong nuôi trồng thủy sản

Thường xuyên kiểm tra ao nuôi để phát hiện những thay đổi bất thường của thủy sản nuôi như: thức ăn thừa nhiều, thay đổi tập tính hoạt động, biểu hiện bất thường của vật nuôi. Khi phát hiện báo cáo ngay cho thú y xã hoặc thú y huyện để xác minh đúng nguyên nhân gây bệnh từ đó đưa ra phác đồ điều trị kịp thời, phù hợp. Sử dụng hóa chất, kháng sinh, chế phẩm sinh học đúng liều lượng. Không sử dụng hóa chất và kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản.

Xử lý môi trường ao nuôi để diệt mầm bệnh bằng một trong các chế phẩm khử trùng sau: Vina aqua với ao nuôi tôm 1 lít/5.000m3 nước, ao nuôi cá 1 lít/6.000-8.000m3 nước dùng 2 ngày liên tục; Vinadin 600 dùng 1 lít/6.000-7.000m3 nước liên tục 2-3 ngày; TCCA 0,5-0,8g/m3 nước dùng liên tục trong 2 ngày.

Tăng cường sức khỏe cho vật nuôi bằng các loại thuốc bổ: Vitamin A, B, C, D3, K3, PP, khoáng chất và các acid amin thiết yếu.

Đinh Ly (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang