Quen mà lạ với đặc sản Quảng Ninh

author 08:47 19/11/2012

Quảng Ninh không chỉ nổi tiếng với vịnh Hạ Long mà còn nổi tiếng với vô vàn các loại hải sản: tôm hùm, sá sùng, sò huyết, gà đồi Tiên Yên, tu đài Vân Đồn, chả mực Thoan, bánh gật gù... Hải sản là đặc sản chung của các vùng biển, nhưng người Quảng Ninh lại có những cách chế biến rất riêng...

Gà đồi Tiên Yên

 

Lặn lội ở Quảng Ninh, bạn sẽ được nghe câu ngạn ngữ mang tính tổng kết : “Lợn Móng Cái - Gái Đầm Hà - Gà Tiên Yên”. Con gà Tiên Yên là giống gà đồi, suốt ngày leo dốc, tìm sâu nên da vàng, thịt thơm, nước ngọt. Gọi là gà đồi là bởi giống gà địa phương ở đây truyền đời được nuôi thả rong, hàng ngày chúng “cuốc bộ” lang thang trên các triền đồi để tự túc kiếm ăn từ các loại trùng, dế, kiến, mối. Chiều xuống, về vườn, lũ gà này lại có thói quen bay lên ngủ trên các cành cây.

Thịt gà Tiên Yên có thể chế biến đủ các món, vẫn không “khuất” cái nét ngon riêng, nhưng món ngon nhất vẫn là chế biến theo cách đơn giản nhất: luộc. Nhìn con gà Tiên Yên sau khi luộc, bạn khó tin là nó chỉ được luộc một cách thông thường, vì da nó vàng ươm như có thoa nghệ và bóng nhẫy như vừa nhúng mỡ. Da gà Tiên Yên không chỉ vàng mọng mà còn rất dày. Thoạt trông, bạn có thể ngậy vì chất béo, nhưng khi cắn một miếng, bạn mới thấy nó thật giòn và ngọt.

Ăn thịt gà ở Tiên Yên, không thể thiếu món ăn kèm là bánh gật gù. Bánh gật gù là bánh tráng tươi cuốn thành từng cuộn cỡ ngón chân cái. Bánh được tráng bằng bột gạo. Bí quyết để bánh dai và giòn là khi xay bột người ta trộn vào gạo ít cơm nguội và khi tráng phải có độ dày vừa phải không mỏng như bánh cuốn, nhưng cũng không dày như bánh đa. Tấm bánh trong, mềm, dẻo mà không dính. Dù ăn kèm thịt gà, nhưng bánh gật gù vẫn có loại nước chấm riêng được làm từ mỡ gà rán hoà với nước mắm cốt, hành khô, tỏi, ớt… Nhưng, đến bây giờ, muốn ăn gà Tiên Yên, chỉ một cách là bạn phải đến Tiên Yên.

Tu Hài Vân Đồn

 

Chắc chắn bạn đã rất quen thuộc với các loại hải sản như ghẹ, ngao, sò… vậy còn tu hài thì sao? Nếu đến Hạ Long mà chưa nếm thử tu hài Vân Đồn thì chuyến đi của bạn chưa chọn vẹn đâu.

Tu hài hay còn gọi là trai vòi là loài nhuyễn thế hai mảnh vỏ sống trong môi trường nước mặn- một loài hải sản quý hiếm, có giá trị dinh dưỡng cao, đã được nghiên cứu sản xuất giống và nuôi thương phẩm thành công từ năm 2005 ở khu vực bờ vịnh Bái Tử Long, huyện đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Sản phẩm tu hài nuôi hiện đã có mặt ở các nhà hàng hải sản tươi sống tại Quảng Ninh và một số thành phố lớn.

Tôm Hùm Hạ Long

 

Tôm hùm có ở rất nhiều nơi nhưng tới Quảng Ninh mà thưởng thức trong lúc lênh đênh trên Vịnh Hạ Long vào những đêm hè thì chắc chắn không có nơi nào có được. Tôm hùm có nhiều loại trọng lượng khác nhau, tuỳ theo số lượng khách mà nhà hàng có thể phục vụ. Giá cả cũng tương đối dễ chịu dao động từ 1,2 đến 2 triệu đồng/kg.

Các món ngon có thể chế biến được từ tôm hùm thì có rất nhiều, nhưng nếu là dân biển thì chỉ có mấy món là sở trường như:Tiết canh tôm hùm, tôm hùm rang muối, tôm hùm hấp, gỏi tôm hùm, cháo tôm hùm.

Sò huyết Yên Hưng

 

Sò có vỏ cứng ruột màu đỏ hồng như máu ăn rất bổ dưỡng. Sò sống ở những vùng pha nước mặn và ngọt hay còn gọi là nước lợ là ngon nhất vì sò sống ở vùng nước này nhanh lớn thịt ngọt, thơm, béo hơn các vùng nước khác có nhiều cách chế biến sò huyết như: xào sò với xả ớt, sò nướng, sò nấu cháo… nhưng để không mất giá trị dinh dưỡng của sò thì phổ biến nhất là sò được trần qua nước sôi( nhúng sò). Để có được sò trần ngon sạch trước tiên ta lấy bàn chải đánh sạch đất bên ngoài, sau đó cho sò vào ngâm với nước ớt để sò há miệng cho hết đất bám bên trong.

Công đoạn trần sò rất quan trọng thể hiện sự khéo léo và kinh nghiệm. Trong bước này, nếu trần hay nhúng nước sôi quá lâu thì Sò sẽ há miệng ăn không ngon mất giá trị dinh dưỡng và thẩm mỹ. Để trần sò được ngon ta, cho sả đập dập vào nồi, đun nước thật sôi, sau đó cho sò vào (nước phải ngập hết sò) khi thấy có bọt khí lăn tăn nổi lên là được. Sau khi trần ta vớt Sò ra đĩa luôn. Món này mà uống cùng với bia thì không còn gì để nói.

Tình nhân Sam Biển

 

Đến Hạ Long bạn đã được thưởng thức chả mực, các món làm từ ngán vậy thì bạn cũng không thể bỏ qua một đặc sản biển ở đây đó là loài sam biển vừa quý hiếm, sam biển Quảng Yên ngon bổ dưỡng không chỉ nổi tiếng về giống sam to mà người làm sam cũng đầy công phu khi chế biến chúng.

Từ nguyên liệu chính là thịt sam biển, con người có thể chế biến ra được rất nhiều món ăn khác nhau, như: tiết canh sam, gỏi sam, chân sam xào chua ngọt, sam xào xả ớt, trứng sam chiên giòn, trứng sam xào lá nốt, sam hấp, sam bao bột rán, sụn sam nướng, sam xào miến… Các món ăn từ thịt sam biển thơm ngon, nhưng để có được những món ăn độc đáo ấy, thì khâu làm thịt sam và chế biến là cả một quy trình công phu. Việc đầu tiên cần nói đến là quá trình đánh bắt sam biển. Để bắt được sam biển, ngư dân phải tính con nước và định ngày ra khơi. Sam thường đi theo đôi (một đực, một cái), nên đã tìm thấy sam là bắt được cả hai con một lúc.

Quy trình đánh bắt sam và kinh doanh các món ăn chế biến từ sam biển vừa vất vả, vừa công phu nên không có nhiều nhà hàng làm món ăn này. Khi giết sam phải có đủ ba dụng cụ là dao nhọn, dao chặt và kéo để lấy phần chân, lọc thịt, bỏ ruột và gan (vì bộ phận này chứa nhiều tác nhân gây đau bụng). Sam là món ăn thuộc loại hàn tính, nên phải ăn cùng những gia vị nóng như: giềng, sả, ớt, lá lốt… cùng với tài nghệ khéo léo và kinh nghiệm lâu năm của người đầu bếp, chúng ta sẽ có những món ăn đặc sắc chế biến từ sam biển với những hương vị rất riêng.

Ruốc lỗ Hạ Long

 

Ruốc lỗ là một loài thuộc họ bạch tuộc nhưng lại có những con chỉ nhỏ bằng ngón chân cái đứa trẻ, người ta gọi chúng là con ruốc, đào lỗ dưới bùn, nơi bãi vẹt bãi sú, sống nhút nhát cạnh miệng lỗ nên còn gọi là con ruốc lỗ.

Hòn Gai, đường phố cây dâu da xoan khá sẵn, vặt lấy một nắm lá về rửa sạch lót đáy nồi, rồi bỏ ruốc lỗ cũng đã rửa sạch vào, đậy vung, khi sôi thì xóc đều chúng lên vài lượt. Những con ruốc lỗ khi chín chúng trở nên màu hồng, các giác bám quăn ngược lại thành những vòng tròn nhỏ, nhìn giống như một bông hoa nhiều cánh, thật đẹp.

Pha mắm tôm chanh đường ớt tỏi, đánh cho ngấu bọt. Lấy ruốc mà chấm với thứ ấy, mới ngon làm sao! Nếu xôm, có khế chua chuối chát ăn kèm, có rượu quốc lủi nhâm nhi thì… ở đời cũng chỉ cần đến thế mà thôi.

Bánh gật gù

 

Ẩm thực Quảng Ninh rất ngộ, còn đọng nhiều phong cách của cộng đồng cư dân biển đảo. Bánh “gật gù”, bò “lúc lắc”, kẹo “cu đơ” nếu được kết hợp trong cùng một thực đơn, rất có thể tạo ấn tượng thú vị cho du khách không chỉ vì phẩm chất của món ăn, mà còn tạo ra ít nhiều thi vị đặc sắc cho bữa ăn.

Trong mâm, người nọ cầm chiếc bánh gật gù ba cái chào người kia. Khách gật gù ba cái đáp lại trước khi nhúng miếng bánh vào chén nước chấm đặc biệt cùng với một miếng khâu nhục (thịt kho tàu) được tẩm ướp kỹ càng. Cảm giác mát, mềm của bánh, vị ngọt bùi, thơm, ngậy của miếng khâu nhục ăn kèm, đảm bảo không chỉ cảm giác thỏa mãn những chiếc dạ dày trống rỗng của khách đường xa, mà thực sự còn là một món ăn đáp ứng nhiều yêu cầu của những thực khách khó tính.

Bánh gật gù nổi tiếng nhất nhất là ở Tiên Yên. Tuy nhiên trên khắp các vùng của Quảng Ninh cũng đều có thể tìm được món bánh gật gù vừa ngon vừa độc đáo này. Thêm một lần tới Quảng Ninh, thêm hiểu biết về phong tục và tập quán của một vùng đất nước được mở rộng.

Ngọc Anh (tổng hợp)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang