Quy định lắp thiết bị giám sát hành trình cho ô tô: Hiệu quả hay lãng phí?

author 18:11 16/12/2017

(VietQ.vn) - Quy định xe ô tô kinh doanh vận tải (kể cả xe dưới 3,5 tấn) sẽ phải lắp thiết bị giám sát hành trình đã dấy lên nhiều thắc mắc trong dư luận.

Theo lộ trình, tới hết 1/7/2018, tất cả các xe ô tô kinh doanh vận tải (kể cả xe dưới 3,5 tấn) sẽ phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Khi đó, tổng số xe phải lắp thiết bị sẽ khoảng 1,2 triệu xe. Tổng chi phí các DN vận tải bỏ ra cho lắp thiết bị này lên tới khoảng 4.800 tỷ đồng (4 triệu đồng/xe), chưa tính chi phí để duy trì hoạt động của số thiết bị này. Dù là một quá trình gây tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng nhưng thiết bị giám sát hành trình (tạm gọi hộp đen) hiện chưa phát huy tác dụng như mong muốn.

Dữ liệu từ hộp đen chưa phát huy hết tác dụng?

Như báo chí đã từng phản ánh về việc “Điều chuyển xe khách vào Hà Nội vẫn bị vô hiệu hóa” ngày 4/12 vừa qua, phương án điều chuyển luồng tuyến của Hà Nội đang bị một số nhà xe vô hiệu hoá, chạy sai hành trình vào nội thành đón trả khách gây ách tắc giao thông, rối loạn môi trường kinh doanh vận tải.

Vấn đề đặt ra là vì sao không sử dụng dữ liệu thiết bị giám sát hành trình để phát hiện và xử lý các xe này? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Tuyển, Phó trưởng phòng Vận tải Sở GTVT cho hay: Hiện nay, dữ liệu của các xe lắp đặt hộp đen đều được đưa lên hệ thống nhưng cái khó là không có phần mềm để lọc ra xe nào chạy sai hành trình để xử lý. “Chúng tôi đã hỏi Tổng cục Đường bộ (cơ quan Trung ương quản lý dữ liệu hộp đen ô tô) nhưng Tổng cục cũng cho biết chưa có phần mềm”, ông Tuyển nói.

Theo ông Tuyển, hệ thống không lọc được thông tin nên dù có thiết bị tự động ghi lại hành trình, muốn tìm xe vi phạm, cơ quan chức năng vẫn phải dựa vào quan sát thực tế trên đường và phản ánh của cơ quan báo chí (?). Với xe vi phạm của các tỉnh khác, Sở GTVT Hà Nội đã gửi công văn đề nghị địa phương trực tiếp quản lý xe đó xử lý.

 Xe khách Hoàng Hà từng đạt giải Vô lăng vàng vẫn chạy lậu vào các tuyến trung tâm Hà Nội để vợt khách nhưng không được xử lý qua thiết bị giám sát hành trình. Ảnh: Tiền phong 

Cụ thể, sau phản ánh của báo chí, ngày 12/12, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện đã có công văn gửi Sở GTVT Thái Bình đề nghị xử lý xe khách Hoàng Hà (công ty từng được giải Vô lăng vàng của Ủy ban ATGT quốc gia), “chạy lậu” vào đường vành đai 2 của Hà Nội để đón trả khách. Tuy nhiên, đến ngày 15/12, hàng loạt xe khách Hoàng Hà vẫn nối đuôi nhau luồn lách trong nội thành và hàng loạt hãng xe khác vi phạm vẫn chưa được nhắc nhở, xử lý.

Với các trường hợp xe khách Nghệ An ra Hà Nội vượt tuyến từ Bến xe Nước Ngầm lên Hà Nội hoặc lấy cớ đăng ký chạy đến Bắc Ninh, Vĩnh Phúc để qua Mỹ Đình vợt khách vẫn chưa được xử lý, xe khách vẫn công khai gắn biển chạy bến xe Mỹ Đình.

Ngày 15/12, ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng phòng Vận tải Sở GTVT (người trước đó hứa với phóng viên sẽ xử lý ngay nếu báo phản ánh vi phạm) cho biết: Sở đã giao cho lực lượng thanh tra xử lý các xe công khai gắn biển đi Mỹ Đình (thực tế chưa xử lý). Với các xe chạy sai hành trình, nếu xe có biển số Hà Nội, Sở GTVT Nghệ An không có thẩm quyền, chỉ có sở GTVT Hà Nội xử lý, với xe biển số Nghệ An, ông Hùng cho biết “anh em đang kiểm tra”.

Với các xe biển số Hà Nội chạy tuyến Nghệ An - Hà Nội sai hành trình mà (nhiều nhất là xe của hãng xe HN), ông Nguyễn Tuyển cho hay, khi kiểm tra lại... không thấy dữ liệu. “Doanh nghiệp này đã cho gắn nguồn thiết bị giám sát hành trình và Sở sẽ xử lý lỗi này” – ông Tuyển nói và cho biết, vào tháng 11 đã rút giấy phép 1 xe của doanh nghiệp này. Với các xe vi phạm mà Tiền Phong phản ánh sẽ tiếp tục… nhắc nhở.

Trao đổi với báo chí, đại diện Tổng cục Đường bộ cho biết, trách nhiệm phát hiện và xử lý các vi phạm hành trình qua dữ liệu chủ yếu thuộc về địa phương vì các Sở GTVT đã được cấp tài khoản để truy cập.

Dữ liệu từ hộp đen không đủ cơ sở xử lý xe vi phạm

Hiện tại, hàng tháng, Tổng cục Đường bộ chỉ gửi báo cáo xử lý vi phạm hành trình ở một số thông tin hết sức đơn giản như: Số lượng xe vi phạm tốc độ (tuy nhiên, dữ liệu hành trình không đủ cơ sở để xử phạt trực tiếp, chỉ có giá trị thống kê, khi tỷ lệ vi phạm cao mới xử lý được doanh nghiệp) và số lượng xe không gửi dữ liệu về Tổng cục Đường bộ.

Toàn quốc có khoảng 800.000 phương tiện vận tải (xe khách, taxi, xe tải các loại phải gắn hộp đen). Nếu tính ở mức giá trung bình hiện nay là 4 triệu đồng/thiết bị, tổng số tiền các doanh nghiệp phải bỏ ra để lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định của Bộ GTVT lên đến 3.200 tỷ đồng.

Vi phạm nhiều, xử lý không bao nhiêu

Tháng 1/2017, TPHCM có hơn 2.200 trường hợp xe vận tải của hơn 100 đơn vị vận tải không truyền dữ liệu trong 7 ngày liên tiếp. Đáng lưu ý, có hàng trăm trường hợp cả … 31 ngày trong tháng bị ngắt kết nối hộp đen như xe 51C 5891…; 51C 5328… của chi nhánh Công ty TNHH TMDV Việt Úc; xe 51C 1891… của chi nhánh Công ty Việt Thắng; xe 51C 3396…; 57K 589… của chi nhánh Công ty TNHH Huy Việt Tây Đô. Tình trạng vi phạm của các “hung thần” xe đầu kéo container còn nhiều hơn với hơn 3.700 trường hợp bị ngắt kết nối hộp đen 7 ngày liên tiếp.

Ông Phạm Đình Đức, Trưởng Phòng Quản lý Vận tải (Sở GTVT TPHCM) cho biết Sở GTVT thường xuyên truy cập vào hệ thống thông tin của Tổng cục Đường bộ để kiểm tra hoạt động của các phương tiện thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

Nếu phát hiện phương tiện nào chạy quá tốc độ cho phép hoặc ngắt tín hiệu đường truyền thì Sở GTVT sẽ có văn bản nhắc nhở các đơn vị vận tải có xe vi phạm, yêu cầu các đơn vị khắc phục. Nếu tháng sau vẫn tái phạm thì sẽ xem xét theo quy định tại Thông tư 10 của Bộ Giao thông Vận tải.

Cụ thể: Khi đơn vị vận tải có vi phạm nhưng chưa khắc phục làm thủ tục xin cấp phép kinh doanh vận tải thì Sở GTVT sẽ trả hồ sơ, không cấp phù hiệu. Chỉ khi nào các xe thực hiện việc kết nối thì Sở mới xem xét cấp phù hiệu trở lại.

“Hàng tháng, thông tin số liệu các xe không kết nối, chạy quá tốc độ…Tổng cục Đường bộ đều gửi cho Sở GTVT. Tôi giải quyết việc cấp phù hiệu nên phải truy cập vào hệ thống để kiểm tra. Hàng tháng, Sở báo cáo tổng cục các trường hợp xe chạy quá tốc độ để xem xét, xử lý theo hướng lần đầu nhắc nhở; nếu vẫn không khắc phục và tiếp tục tái phạm thì sẽ thu hồi phù hiệu”, ông Đức cho hay.

Việc xử lý sai phạm thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình còn hạn chế. Ảnh: Tiền phong 

Cũng theo ông Phạm Đình Đức, con số vi phạm về lỗi không truyền dữ liệu trong 7 ngày liên tiếp tại TPHCM lên tới hàng nghìn trường hợp. Trong số này có rất nhiều trường hợp ngắt kết nối để “chạy tẹt ga” nhưng số phương tiện vi phạm bị đình chỉ hoạt động rất ít. Các trường hợp bị thu hồi phù hiệu xe một tháng là các phương tiện có từ 5 lần vi phạm tốc độ/1.000 km.

“Tai nạn giao thông là chuyện khó tránh khỏi. Việc quản lý phương tiện vận tải qua thiết bị giám sát hành trình cũng phần nào kiềm chế được hành vi chạy quá tốc độ của các lái xe, góp phần hạn chế tai nạn giao thông. Ngoài ra, quản lý qua hộp đen, các đơn vị vận tải cũng nâng cao trách nhiệm, tuyên truyền, nhắc nhở lái xe chạy đàng hoàng hơn nhưng đúng là vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm”, ông Đức nói.

Đại diện Trung tâm quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM cho biết thông qua các dữ liệu ghi nhận từ hộp đen gắn trên xe buýt, Trung tâm đã trích xuất hơn 400 trường hợp xe buýt vi phạm để xử phạt (phạt nguội) các lỗi bỏ trạm, dừng đón trả khách không đúng nơi quy định, phóng nhanh, vượt ẩu…

Tuy nhiên, theo đại diện một số đơn vị sản xuất hộp đen, đến nay vẫn còn hiện tượng nhiều chủ xe, doanh nghiệp vận tải không chịu nộp phí thuê bao mà chỉ gắn hộp đen để đối phó.

Theo Tiền phong

Vụ tai nạn thảm khốc tại Bình Thuận: ‘Hộp đen’ của 3 xe khách đều ‘vô dụng’(VietQ.vn) - Sở GTVT Bình Thuận cho biết thiết bị giám sát hành trình của 3 xe khách trong vụ tai nạn thảm khốc tại Bình Thuận đều không hoạt động.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang