17.000 lọ sa tế giả ‘lén lút’ tìm đường đầu độc người tiêu dùng

authorHòa Lê 06:50 19/03/2016

(VietQ.vn) - Tại cơ sở sản xuất, cơ quan chức năng thu giữ 9.600 vỏ nhựa chưa dán nhãn, 17.000 vỏ nhựa sa tế đã dán nhãn cùng hàng trăm kg bột chưa rõ nguồn gốc.

Báo An Ninh Thủ Đô đưa tin, 14h ngày 16/3, Đội CSKT - Công an huyện Sóc Sơn phối hợp với Đội An ninh vận tải và Bưu chính viễn thông, Phòng An ninh kinh tế CATP và Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 13, Chi cục QLTT Hà Nội phát hiện Nguyễn Văn Tấn (SN 1987), ở huyện Đông Anh (Hà Nội), chủ cơ sở sản xuất sa tế tư nhân tại thôn Dược Hạ, xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn đang điều khiển xe ô tô vận tải nhỏ. Trên xe chở 163 thùng sa tế mang nhãn hiệu “T.P” của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ T.P (Công ty “T.P”), ở huyện Gia Lâm.

Sa tế giả ‘lén lút’ tìm đường đầu độc người tiêu dùngChiếc xe ôtô do Tấn điều khiển chở sa tế giả đi tiêu thụ. Ảnh: ANTĐ

Lái xe kiêm chủ hàng Nguyễn Văn Tấn không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến số hàng hóa trên và khai đang định vận chuyển số hàng trên tới thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc tiêu thụ. Qua khai thác, Nguyễn Văn Tấn khai nhận đã cùng với Vũ Thị Hoa Linh, ở xã Yên Thường, huyện Gia Lâm sản xuất sa tế giả sản phẩm của Công ty “T.P” để bán ra thị trường. 

Vũ Thị Hoa Linh là em dâu anh Nguyễn Văn B (SN 1979), ở xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Giám đốc Công ty “T.P”. Trước đó, Linh cùng sản xuất sa tế tôm với anh chồng, đã nắm được công nghệ sản xuất loại gia vị này. Linh đầu tư 200 triệu đồng cho Tấn mua máy móc, nguyên liệu, mở xưởng sản xuất sa tế tôm giả nhãn hiệu của Công ty “T.P” tại thôn Dược Hạ, xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Sa tế giả ‘lén lút’ tìm đường đầu độc người tiêu dùngMỗi ngày cơ sở này xuất ra thị trường hơn 6.000 lọ sa tế giả. Ảnh: TP

Hiện Linh đang bỏ trốn kể từ sau khi lực lượng chức năng phát hiện, bắt quả tang hành vi vận chuyển sa tế giả của Tấn.Khám xét cơ sở sản xuất này, lực lượng chức năng phát hiện 6 công nhân đang tiến hành các công đoạn sản xuất sản phẩm sa tế và đóng gói vào chai, lọ bao bì nhãn hiệu “T.P”.  Tại đây, cơ quan chức năng thu giữ 9.600 vỏ nhựa chưa dán nhãn, 17.000 vỏ nhựa đã dán nhãn cùng hàng trăm kg bột chưa rõ nguồn gốc. 

Ông Nguyễn Ngọc Hà, Đội trưởng Đội QLTT số 13 cho biết, tại thời điểm kiểm tra chủ cơ sở vắng mặt, cơ sở không xuất trình được bất cứ giấy tờ gì liên quan đến sản xuất. Có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hoá. "Chúng tôi đã chuyển toàn bộ giấy tờ, hồ sơ vụ việc, công cụ sản xuất sang công an huyện Sóc Sơn để xác minh, làm rõ", ông Hà nói. Được biết, mỗi ngày cơ sở này xuất ra thị trường hơn 6.000 lọ sa tế giả, theo thông tin từ báo Tiền Phong.

Hòa Lê (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang