Làm gì để không bị sán dài 10m làm tổ trong bụng như người đàn ông ở Quảng Bình?

author 16:08 19/05/2017

(VietQ.vn) - Bác sĩ Trương Văn Huy, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức (Quảng Nam) cho biết, bệnh nhân dùng thuốc xổ và trục ra một con sán dài 10m.

Một năm trước bệnh nhân ngụ huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, qua Lào làm nghề xây dựng. Anh có dùng món nước chấm được làm từ phân non lòng bò. Khoảng một tháng sau anh đau bụng và đi ngoài ra từng đốt sán. Chữa trị nhiều nơi không giảm, anh đến bệnh viện tại Quảng Nam để uống thuốc nam xổ sán.

Bác sĩ Trương Văn Huy, Trưởng Khoa Đông y, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức (Quảng Nam) cho biết đã cho bệnh nhân dùng thuốc xổ và trục ra một con sán xơ mít dài khoảng 10m. Sau khi xổ sán, sức khỏe bệnh nhân ổn định, ăn uống đi lại bình thường.

Sán dài 10 m làm tổ trong bụng người đàn ông Quảng Bình, làm gì để chống nhiễm sán?

 Sán xơ mít dài hơn 10m trong bụng người đàn ông 35 tuổi. Ảnh: VnExpress

Đầu tháng 4 bệnh viện cũng đã xổ một con sán xơ mít dài 5m trong bụng cụ bà 82 tuổi. Ngày 28/4, bệnh viện tiếp tục xổ một con sán xơ mít dài 8 m trong bụng người đàn ông 30 tuổi.

Làm gì để phòng tránh nhiễm sán?

Ai cũng có thể mắc bệnh giun sán, đặc biệt là trẻ em. Trẻ em thường hay bị giun đũa và giun kim. Giun có thể bị nhiễm qua đường ăn uống do ăn thức ăn không được làm sạch hay chưa chế biến kỹ, qua bàn tay bẩn, qua nguồn nước không vệ sinh, qua sinh hoạt hàng ngày tiếp xúc trực tiếp với môi trường đất bẩn..

Viện trưởng Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng trung ương - Tiến sĩ Trần Thanh Dương cho biết, nhiễm giun sán đường ruột cho đến nay vẫn bị xếp vào nhóm bệnh nhiệt đới ít được quan tâm do các triệu chứng, biểu hiện không rầm rộ như nhiều bệnh truyền nhiễm cấp tính hay các nguy cơ khác nên chưa được cộng đồng quan tâm đúng mức.

Theo tiến sĩ Dương, các tác hại của nhiễm giun phụ thuộc vào các yếu tố như số lượng giun, thời gian nhiễm lâu hay mới, cơ quan nhiễm, sức đề kháng của người bị nhiễm, tình trạng dinh dưỡng của cơ thể. Giai đoạn ấu trùng, giun đũa và giun móc có thể gây viêm phổi dị ứng, giun móc gây viêm da tại chỗ do ấu trùng qua da. Ở giai đoạn giun trưởng thành, do chất tiết của giun, hoạt động của giun gây kích thích hóa học, cơ học tại chỗ làm thành ruột bị tổn thương, buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu lỏng, đi ngoài ra máu.

Giun đũa có chu kỳ phát triển trong 30 ngày, nếu mắc giun đũa có thể gây nên tắc ruột, lồng ruột, viêm tắc ruột, giun chui ống mật, viêm ruột thừa, dẫn đến suy dinh dưỡng, giảm khả năng phát triển trí tuệ của trẻ. Giun tóc có chu kỳ phát triển 60-70 ngày, chúng đẻ 3 nghìn đến 20 nghìn trứng một ngày, sống từ 5 đến 10 năm. Giun tóc có thể gây tổn thương niêm mạc ruột, hội chứng giống lỵ, dẫn đến rối loạn tiêu hóa, đau bụng, buồn nôn, táo bón, khó tiêu, chán ăn, nhiễm nặng và kéo dài gây sa trực tràng, nhiễm trùng thứ phát, thiếu máu nhược sắc.

Giun móc có chu kỳ phát triển trong 4 đến 5 tuần, đẻ 9 nghìn đến 30 nghìn trứng giun mỗi ngày, chúng ký sinh trong tá tràng. Giun móc có thể gây thiếu máu nặng, suy tim, phù nề, phụ nữ rong kinh, vô kinh, gầy mòn, phù thũng, suy kiệt, phối hợp các bệnh khác. Người nhiễm trứng giun mất 0,02 - 0,1 ml máu một ngày khiến tình trạng thiếu máu nhược sắc, suy tim, suy kiệt, viêm dạ dày, tá tràng...

Cách phòng chống nhiễm giun sán:

Phải đảm bảo 3 sạch: ăn sạch, uống sạch, ở sạch. Rửa tay sau khi đại tiện, rửa tay trước khi ăn, không nghịch bẩn, thường xuyên tắm rửa, không đi chân đất, không để trẻ bò lê la dưới đất. Cắt móng tay, đi dép thường xuyên, bảo hộ lao động khi tiếp xúc với đất.. Tẩy giun định kỳ cho cả gia đình tối thiểu 6 tháng một lần (ít nhất 2 lần trong năm).

Bỏ thói quen mút tay của trẻ vì mút tay trẻ dễ bị nhiễm giun kim và trứng giun kim có thể tồn tại trên bề mặt quần áo, chăn mền và đồ chơi khoảng 2, 3 tuần.

Nhà cửa phải luôn vệ sinh cũng như các dụng cụ đồ chơi dành cho trẻ luôn được vệ sinh hằng ngày, sau mỗi khi chơi.

Để làm được tốt công tác phòng chống giun sán đòi hỏi phải phối hợp nhiều ban ngành đoàn thể, giáo dục, y tế, truyền thông và đặc biệt có sự ủng hộ của lãnh đạo địa phương, có như vậy việc phòng ngừa giun sán mới hiệu quả tránh lãng phí và chỉ là hình thức.

Dũng Linh (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang