Đại dịch Covid-19: Cuộc sàng lọc khắc nghiệt với doanh nghiệp

author 15:50 19/04/2020

(VietQ.vn) - Trong “cuộc chiến" Covid-19, một bộ phận lớn doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa, giải thể, rút lui khỏi thị trường bởi đó là sàng lọc tự nhiên và khắc nghiệt. Đồng nghĩa với mở rộng thị trường cho những doanh nghiệp đủ năng lực cạnh tranh.

“Rộng đường” cho doanh nghiệp tiếp tục sản xuất

Với phương châm “chống dịch như chống giặc”, Việt Nam đang nỗ lực từng bước để vừa kiểm soát dịch bệnh Covid-19, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế. Để đảm bảo toàn thắng trên cả 4 mặt trận sản xuất kinh doanh, đầu tư công, hỗ trợ người dân và ứng phó với dịch bệnh, theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chính phủ cần chú trọng 5 “mũi giáp công” đó là: Mở ngân khố, Nới tiền tệ, Đẩy đầu tư, Nhanh thể chế và Khai thị trường.

Trong bối cảnh khó khăn trăm bề như hiện nay, khi hầu hết các doanh nghiệp đều phải giảm quy mô sản xuất, hay đóng cửa ngừng hoạt động thì doanh nghiệp nào còn có thị trường, có nguyên liệu để có thể duy trì được sản xuất kinh doanh, chúng ta phải rất trân quý, chắt chiu và tạo điều kiện thuận lợi cho họ với điều kiện họ phải tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Thương hiệu thời trang cao cấp Giovanni chuyển sang sản xuất khẩu trang kháng khuẩn trong lúc ngành thời trang đang tạm thời "ngủ đông" do Covid-19.

Bởi sau hoạt động của doanh nghiệp là tăng trưởng, là nguồn thu ngân sách, là công ăn việc làm và nguồn bảo đảm an sinh, xã hội. Không ai có thể biết được bao giờ dịch bệnh sẽ qua đi khi nó vẫn còn diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu. Vậy thì phải chuẩn bị tâm thế “sống chung với dịch bệnh”, thực hiện “kinh doanh an toàn”- kinh doanh trong điều kiện bảo đảm các yêu cầu giãn cách xã hội phải là giải pháp của các doanh nghiệp và nền kinh tế trong thời đại dịch.

Sự sàng lọc khắc nghiệt đối với doanh nghiệp

Về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mà Chính phủ đã ban hành và chuẩn bị ban hành, ở giai đoạn hiện nay, theo ông Lộc là phù hợp cả về mức độ bao phủ và liều lượng. Các biện pháp đều hướng đến mục tiêu trọng tâm là “trợ giúp” chứ chưa cần “giải cứu” cho doanh nghiệp. Chủ yếu là các biện pháp giúp doanh nghiệp hạ được giá thành, cải thiện khả năng thanh khoản, để có thể cầm cự hay “ngủ đông”.

Hai công cụ quan trọng nhất của Chính phủ vẫn là chính sách tài khóa và chính sách tín dụng. Các biện pháp khác đóng vai trò bổ trợ. Khi dịch bệnh kéo dài hơn, khả năng thanh toán của phần lớn các doanh nghiệp bị đe dọa, nguy cơ đóng cửa, giải thể tăng lên, thì kịch bản “giải cứu” sẽ được triển khai. Lúc đó, trọng tâm là nới lỏng hơn các chính sách tài khóa tiền tệ, đồng thời tăng cường đầu tư và chi tiêu của nhà nước, thậm chí nhà nước có thể mua lại nợ của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, để tránh đổ vỡ dây chuyền. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa là đối tượng ưu tiên của chính sách, nhưng việc giải cứu các tập đoàn lớn cũng là việc cần làm.

Covid-19 được đánh giá là tác nhân quan trọng thúc đẩy nhanh chuyển đổi số - xu thế tất yếu của nhân loại.

Đồng thời, cần tăng đầu tư công vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó đặc biệt chú trọng những cơ sở hạ tầng của tương lai như công nghệ thông tin, viễn thông và chuyển đổi số… là hướng đi quan trọng vừa để kích cầu vừa tạo lập nền tảng cho giai đoạn phát triển tiếp theo.

Cũng theo ông Lộc, trong giai đoạn hiện nay bất kể tình hình dịch bệnh có diễn biến thế nào thì trong cuộc chiến này, bộ phận lớn doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa, giải thể, rút lui khỏi thị trường mà chúng ta buộc phải chấp nhận. Đó là sự sàng lọc tự nhiên và khắc nghiệt.

Vì vậy, định hướng chính sách cũng cần lưu ý tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp có tiềm năng, đang gặp khó khăn tạm thời do dịch bệnh. Hỗ trợ là hỗ trợ phát triển, chứ không phải hoạt động cứu tế cho những doanh nghiệp không đủ sức cạnh tranh. Bởi việc hỗ trợ các doanh nghiệp có tiềm năng sẽ không chỉ giúp nền kinh tế không đổ vỡ khi dịch bệnh mà còn định hình tương lai của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn phục hồi.

Áp dụng tiêu chuẩn ISO 22000 giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và thời gian(VietQ.vn) - Tiêu chuẩn ISO 22000 đã giúp nhiều doanh nghiệp đạt kết quả khả quan trong việc tiết kiệm thời gian, tài chính, nâng cao uy tín thương hiệu trên thị trường.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang