Siết tải, chỉ nông dân và người tiêu dùng thiệt!

author 17:38 07/05/2014

Thực tế cho thấy, nhiều thương lái hiện đang chọn con đường đi quá tải nhưng hạ giá mua và tăng giá bán theo cước phí đúng tải nhằm thu lợi nhuận cao. Điều này vô tình đẩy sự thiệt thòi về phía người nông dân và người tiêu dùng.

Hiện nay, chưa kể thị trường Trung Quốc vẫn còn nhập dưa hấu của Việt Nam, thị trường Hà Nội cũng tiêu thụ mạnh dưa hấu. Thế nhưng người trồng dưa ở các tỉnh miền Tây Nam bộ đang bán dưa với giá thấp xa với giá đến tay người tiêu dùng. Nguyên nhân do gánh nặng cước phí vận chuyển nên thương lái hạ giá mua, tăng giá bán.

siết tải trọng xe hàng

Theo anh Phương, chủ một đại lý phân phối dưa hấu ở Hà Nội, hiện anh phải vào tận xã Phú Cường, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) để thu mua dưa. Khi dưa hấu về đến Hà Nội, anh Phương bán sỉ cho các siêu thị, nhà hàng với giá 13.000-14.000đ/kg. Sức tiêu thụ dưa hấu tại Hà Nội khá mạnh, chỉ tính riêng anh Phương mỗi ngày có thể bán hết 2 xe dưa (16 tấn).

Trong khi đó, các thương lái đang thu mua dưa tại các tỉnh Tây Nam bộ với giá thấp xa so với giá bán. Mua tại ruộng chỉ 7.000đ/kg, nông dân mang dưa đến bán tại xe 7.500đ/kg. So giá mua và giá bán tại Hà Nội, thương lái có chênh lệch lãi gần một nửa. Nhờ mua rẻ bán đắt, nên dù giá cước vận chuyển rất cao nhưng anh Phương vẫn làm ăn khấm khá.

Anh Phương bộc bạch: “Trước đây, nhà xe tính cước phí chở dưa hấu từ Tiền Giang đi Hà Nội chỉ có 2,5- 2,6 triệu đồng/tấn, giờ tăng lên đến 5 triệu đồng/tấn. Chúng tôi chỉ là thương lái, buôn bán phải có lãi, nên khi giá cước tăng như vậy buộc phải đè giá người trồng dưa để mua giá thấp, rồi khi phân phối ra thị trường phải bán giá cao để bù vào phí vận chuyển”. Rồi anh Phương bộc bạch: “Thực ra, khi thực hiện siết tải, nhà xe không “chết”, thương lái chúng tôi cũng không “chết”, chỉ có người nông dân và người tiêu dùng “chết” thôi!”.

Ông Phạm Đồng Thục Danh, người ở huyện Thủ Thừa (Long An), một thương lái chuyên mua dưa hấu đưa ra thị trường Hà Nội tiêu thụ, cho biết thêm: Thương lái mua bán dưa hấu đi Hà Nội có nhiều giá cước để chọn lựa: Từ 4,2 triệu đồng/tấn đến 4,5 triệu đồng/tấn (đi đúng tải); thậm chí có cả giá “cước quá tải”, chỉ 3,5 triệu đồng/tấn.

“Những nhà xe chịu chở cước quá tải họ bảo đảm đưa hàng của mình đi đến nơi về đến chốn. Thực tế cho thấy nhiều xe có trọng tải hơn 9 tấn mà chở đến 26 tấn vẫn chạy vô tư. Nhà tôi có vựa rơm, có bãi cho xe tải đậu, mua giá dưa chỉ 7.000đ/kg nên dù với giá cước trên trời tôi vẫn chạy dưa ra Hà Nội đều đều, buôn bán vẫn có lãi như thường”.

Thực tế cho thấy, nếu đi đúng tải ít lãi, nhiều thương lái hiện đang chọn con đường đi quá tải, vì đi quá tải vẫn “lọt” an toàn mà cước phí lại rẻ. Khi ra đến Hà Nội thì cứ mặc sức rao bán giá tính theo cước đúng tải, lãi càng to.

Một thương lái dưa hấu ở một tỉnh miền Trung cho biết: “Nhà xe nào đồng ý chở quá tải cho mình tất nhiên họ đã cầm chắc sẽ đưa hàng mình đi trót lọt mới dám nhận. Ban đầu, tụi tui sợ đi quá tải nếu bị ngành chức năng hạ tải dọc đường, khi ấy không biết kêu xe đâu ra để đến cứu hàng mình, lúc đó thì cầm chắc mất hết vốn. Bởi dưa hấu mà nằm đường vài hôm là chín rục hết, biết bán cho ai. Bây giờ thì đâu vào đó cả rồi, nhiều nhà xe đã kiếm được “con đường chở quá tải” nhưng an toàn”.

Với cánh nhà xe, chuyện siết tải chỉ làm cho họ được thêm chứ không mất gì. Chở đúng tải, xe nhẹ hơn gấp 3 lần ắt sẽ ít tốn nhiên liệu hơn; máy móc, vỏ xe ít hao mòn hơn. Trong khi đó tiền cước chở đúng tải vẫn ngang bằng như trước đây thì chẳng ai dại gì chạy quá tải để phải nơm lớp lo, quỵ lụy dọc đường.

Đối với thương lái, giá cước tăng gấp 3 thì buộc phải ép nông dân mua rẻ sản phẩm, hàng bán ra cũng tăng giá cao hơn để bù vào cước phí vận chuyển. Cuối cùng cũng chỉ có nông dân và người tiêu dùng gánh cái gánh nặng siết tải!

Theo Nongnghiep.vn


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang