Sức mạnh 'không thể tin nổi' của tên lửa Mỹ vừa cung cấp cho Nhật Bản

author 22:00 06/10/2017

(VietQ.vn) - Mỹ đồng ý bán 56 tên lửa không đối không cho Nhật Bản. Những quả tên lửa này sẽ giúp mỗi tiêm kích tấn công nhiều mục tiêu trong thời gian ngắn, tăng tối đa hiệu quả chiến đấu.

Sự kiện: Vũ khí quân sự nổi tiếng thế giới

Mới đây, cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ (DSCA) cho biết thương vụ bán 56 quả tên lửa không đối không tầm trung tân tiến AIM 120C-7 (AMRAAM) cho Nhật Bản đã được Bộ Ngoại giao nước này thông qua.

Được biết, giá trị của thương vụ này lên tới 113 triệu USD nhằm tăng khả năng phòng không của Nhật Bản trong bối cảnh gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên thời gian qua. Ngoài ra, thương vụ này cũng bao gồm các trang thiết bị hỗ trợ, phụ tùng và các dịch vụ hỗ trợ hậu cần, công nghệ, kỹ thuật của nhà thầu và chính phủ Mỹ.

Tên lửa AIM-120C-7 có tầm bắn trên 120 km và tốc độ 4.900 km/h, dự kiến được trang bị cho phi đội tiêm kích hạng nặng F-15J và hạng nhẹ F-2 của Nhật. Phiên bản AIM-120C-7 sử dụng nguyên lý "bắn và quên", giúp phi công không phải liên tục khóa mục tiêu sau khi khai hỏa. Điều này cho phép mỗi tiêm kích tấn công nhiều mục tiêu trong thời gian ngắn, tăng tối đa hiệu quả chiến đấu.

Tên lửa không đối không tầm trung tân tiến AIM 120C-7 (AMRAAM)

Về mặt động cơ, AIM-120C7 thiết kế với động cơ rocket hiệu suất cao sử dụng nhiên liệu HTPB cho phép tên lửa đạt tốc độ tối đa Mach 4. Về tầm bắn, tùy từng biến thể tên lửa mà có tầm bắn tên lửa, với loại AIM-120C7 đạt tầm phóng tối đa tới 105km.

Phương thức dẫn bắn tên lửa AIM-120C7 cũng như là các biến thể khác, trong tác chiến diệt mục tiêu tầm xa, máy bay nhận dữ liệu mục tiêu trước khi rời bệ phóng từ hệ thống radar máy bay phóng, hoặc có thể nhận hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại hoặc từ kênh liên kết dữ liệu máy bay tiêm kích khác hoặc từ máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy đường không.

Sau khi phóng, tên lửa sẽ tiếp tục được máy bay phóng gửi cập nhật dữ liệu mục tiêu cho phép tên lửa tự điều chỉnh hướng (bám mục tiêu). Tới khoảng cách nhất địch (tầm theo dõi mục tiêu của radar trên tên lửa) thì đầu tự dẫn radar chủ động kích hoạt và tìm, khóa, tấn công mục tiêu mà không cần máy bay mang phóng chỉ thị.

Đặc điểm này cho phép phi công bắn nhiều tên lửa cùng lúc vào nhiều mục tiêu. Hoặc, nếu tác chiến chống mục tiêu ở cự ly gần, đầu tự dẫn radar chủ động của AIM-120C7 có thể kích hoạt ngay sau khi rời bệ phóng và tự tìm mục tiêu.

Tên lửa AIM-120 AMRAAM sử dụng đầu dò radar, có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết khác nhau. Đây là một trong những vũ khí đối không chính của tiêm kích Mỹ và đồng minh, bên cạnh tên lửa hồng ngoại tầm ngắn AIM-9 Sidewinder. Nhà sản xuất Raytheon cho biết dòng AMRAAM đang trong biên chế của không quân Mỹ và 37 quốc gia trên thế giới.

Lê Cao (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang