Sụt lún khu tái định cư, hàng nghìn hộ dân hoang mang

author 17:16 18/06/2012

(VietQ.vn) - Rời khỏi quê cha đất tổ, nhường đất cho Công trình thủy điện Hủa Na, gần 1.400 hộ dân thuộc 2 xã Đồng Văn, Thông Thụ (Quế Phong, Nghệ An) được bố trí đến 17 điểm tái định cư. Những tưởng cuộc sống mới sẽ tốt đẹp hơn, nhưng những gì đang diễn ra tại đây khiến người dân không khỏi hoang mang.

Sạt lở nghiêm trọng 

Tại xã Đồng Văn, nơi 6 điểm tái định cư (TĐC) mới được xây dựng, có điểm đã hoàn thành, có điểm đang trong quá trình san nền, tổ chức dựng nhà cho người dân. Thế nhưng, chỉ sau mấy trận mưa đầu mùa, hầu hết các điểm này đều bị sạt lở, lún sụt hết sức nghiêm trọng. Nhà đã dựng, người dân không dám vào ở vì nguy cơ sập bất kỳ lúc nào.

Theo thiết kế, điểm TĐC Khủn Na có diện tích 154 ha, bố trí cho 50 hộ dân thuộc bản cũ Piêng Pùng (xã Đồng Văn) được chia thành 2 khu vực: khu vực nhà kê (nhà sàn) và khu vực nhà xây. Hiện tại đã có 15 lô tại khu nhà kê bị sạt lở và sụt lún nghiêm trọng.
 
4.	Nhà vệ sinh cách nhà ở khoảng 3m của gia đình anh Lương Văn Cường bị đẩy nghiêng, sắp sập
Nhà vệ sinh cách nhà ở khoảng 3m của gia đình anh Lương Văn Cường bị đẩy nghiêng, sắp sập
 
Chị Vi Thị Chuyên, lo lắng: “Khi di dời, gia đình tôi được hỗ trợ đền bù 170 triệu đồng, phải thuê 3 chuyến xe chở ra đây, một chuyến hết 1,5 triệu đồng. Khi bắt thăm chia lô, họ hứa nền nào hư sẽ sửa cho. Thấy nền đất không đảm bảo, tôi yêu cầu bốc lớp đất “gửi” đi nhưng họ cứ cho máy gạt qua. Mấy hôm nay trời mưa, nền bị lún sụt, xung quanh nền thì sạt lở, nhà đưa ra đành tấp đống đó chưa dám dựng, cả nhà phải chui rúc trong cái lán nhỏ này”. Giữa nền là một hố sâu lút đầu gối, phía bờ bao của lô đất bị nước mưa xói vào tạo thành một rãnh lớn chạy dài xuống phía vực sâu.
Ông Lang Văn Tuần - Chủ tịch UBND xã Đồng Văn, cho rằng: “Việc sạt lở tại các điểm TĐC bắt đầu xảy ra từ tháng 5, sau khi xảy ra sạt lở, xã đã làm báo cáo lên ban quản lý dự án, ban chỉ đạo của huyện. Yêu cầu các nhà thầu phải đào mương thoát nước, xây dựng kè bao, sửa đường đi trong vùng TĐC để người dân di chuyển nhà cửa được thuận lợi. Đồng thời nhanh chóng kéo điện, cấp nước, cấp gạo cho bà con. Thế nhưng đến nay vẫn chưa thấy giải quyết”.
 
Ông Trần Quốc Thành - Bí thư huyện ủy Quế Phong, Trưởng Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng TĐC thủy điện Hủa Na, cho biết: ”Quan điểm của ban chỉ đạo là nơi nào bị nứt, lún yêu cầu phía chủ đầu tư phải làm lại hết. Còn việc cấp gạo cho dân khi nào dân ra hết sẽ tiến hành cấp đồng loạt”.
 
 
Tại khu vực này, lô đất của gia đình anh Vi Văn Anh, Lang Văn Hà cũng trong tình cảnh tương tự. Hầu hết các hộ dân đã nhận đất nhưng chưa dám dựng nhà vì sợ đất sụt lún nhà sẽ sập. Nghiêm trọng hơn, lô đất của ông Vi Văn Xuyên đang được đơn vị thi công xây dựng, nhưng cách móng nhà sàn khoảng 2m là hệ thống công trình vệ sinh và chuồng trại chăn nuôi đã bị nứt nẻ và xô nghiêng, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. 
 
Bên khu vực nhà xây của điểm TĐC Khủn Na có 11 lô đã được các hộ dân bốc thăm đến nhận, hiện tại đang được xây dựng. Thế nhưng, việc xây chưa xong mà cả một hệ thống công trình vệ sinh, chuồng trại của các hộ dân đều bị nghiêng hẳn về phía vực sâu.
 
Anh Lương Văn Cường than thở: “Trước khi chuyển ra đây, Nhà nước hứa làm nhà, công trình chăn nuôi đẹp, chắc chắn cho nhưng nay bị hư thế này thì lo lắm. Bản cũ người ta đi hết cả rồi, ra đây mấy tháng mà chưa có đất trồng lúa, sắp đói rồi đó”. 
 
Tại điểm TĐC Nậm Nui – Nậm Ke nhiều lô đất đã bị nước xói lở và sụt nứt làm bay luôn cả cọc mốc. Đặc biệt nghiêm trọng là lô đất của gia đình anh Lang Văn Cường, khi di chuyển ra đây được đền bù 118 triệu đồng, được cấp nền, còn nhà thì tự chuyển ra dựng lấy.
 
Tại điểm TĐC Huôi Siu – Huôi Lạn, TĐC cho 117 hộ dân bản Huôi Muồng (Đồng Văn), hiện tại toàn bộ các hộ dân đã di chuyển ra, thế nhưng chỉ mới được một số ít nhà xây xong, còn phần lớn vẫn đang là nền đất, các hộ dân đành dựng lán ở tạm, xập xệ trong vòng luẩn quẩn “3 không”: không điện, không nước, không gạo.
 
Theo ông Vi Văn Quốc - Bí thư chi bộ và ông Lô Văn Thứ - trưởng bản Huôi Muồng (điểm TĐC Huôi Siu - Huôi Lạn), sạt lún ở khu vực này rất nhiều. Các nhà xây mà người dân đang tạm nhận đều bị dột hết. Khi sạt lở, bản cũng đã báo lên hội đồng di dân, ban dự án nhưng chỉ thấy người về kiểm tra nhưng không thấy hồi âm hay xử lý gì. Nhiều hộ ra đây từ tháng 2 nhưng nước thì không có, điện thì nhà có nhà không, nhiều nhà phải đào hố xuống rồi tấp bạt xuống hứng nước mưa để dùng. Gạo trợ cấp thì chưa có, người dân phải tự lo, có nhà phải đi vay hay bán xe để mua gạo. 
Các bên liên quan đá bóng trách nhiệm?
 
Một nhân viên kỹ thuật của công ty tư nhân đang đảm trách thi công tại điểm tái định cư này khẳng định: “Khu vực này làm nhà cho dân, làm theo ý dân. Đúng ra trong cọc lô là không được xây nhưng do bị ban ép đất bảo làm theo ý dân, bởi nếu theo diện tích 18x20 thì sẽ không đủ bố trí nhà và các công trình vệ sinh; và nếu bố trí nhà vệ sinh gần nhà thì người dân không ưng, bắt buộc người dân phải làm xa khu vực nhà ở. Không phải đơn giản mà nhà thầu được tự xây ra phía ngoài này. Do đơn vị thi công mặt bằng là Công ty CP đầu tư xây lắp 5 không lu lèn, chỉ gạt đất, bởi theo đúng kỹ thuật phải đạt hệ số lu lèn K90 (30 phân phải lu 1 lớp), vì thế chỉ sau một trận mưa, tất cả lớp đất mượn này sẽ bị trượt xuống vực”.  
 
Một điểm sạt lở gần móng nhà dân tại điểm TĐC Huôi Siu – Huôi Lạn
Một điểm sạt lở gần móng nhà dân tại điểm TĐC Huôi Siu – Huôi Lạn
 
Tuy nhiên, đại diện Công ty Cổ phần đầu tư xây lắp 5 lại cho rằng đã bàn giao mặt bằng cho bên dự án rồi, diện tích của mỗi nhà trong phạm vi cọc mốc, không thể xây ra ngoài được. “Nếu xây dựng ra ngoài cọc mốc thì họ phải chịu”, ônh này cho hay.
 
Còn tại khu vực điểm TĐC Huôi Siu – Huôi Lạn, dù một số lô đất bị nứt ngay trong cọc mốc nền và sạt lở gần với móng nhà, như lô đất của hộ gia đình anh Lô Văn Pháo; anh Hà Văn Năm, nhưng khi hỏi về trách nhiệm của đơn vị thi công mặt bằng, ông Trần Đức Nhu - Chỉ huy công trường của Công ty Cổ phần Xây dựng thương mại Tân Mai lại cho rằng: “Không có nền nào bị hư cả. Đơn vị chỉ giao nền trên diện tích 18x20m, những hộ dân bị thì do họ muốn làm xa ra”. Đồng thời ông Nhu cho rằng “do dân tham nên mới bị thế”. Trong khi đó, ông Vũ Đình Tuấn - Trưởng phòng đền bù, giải phóng mặt bằng Công ty Cổ phần Thủy điện Hủa Na - chủ đầu tư, cho rằng: “Đáng lẽ làm trong nền, nhưng dân muốn làm ra ngoài cho rộng đất, vì thế mà bị sạt lở. Những trường hợp này bên xây dựng phải chịu trách nhiệm, phải làm lại bên trong đúng vị trí”.
 
Cao điểm mùa mưa đang tới gần, với những gì đang diễn ra tại các điểm TĐC và cách giải quyết theo kiểu “đá bóng trách nhiệm” của các bên liên quan, liệu người dân có yên tâm mà an cư, lạc nghiệp với nơi ở mới hay không? Câu hỏi này xin dành cho các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
 
Lam Anh
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang