Suýt chết, nhập viện vì chủ quan với bệnh cảm cúm

authorTrần Thanh 20:15 07/01/2017

(VietQ.vn) - Có thể nhập viện suýt chết khi diễn biến của bệnh cảm cúm ở giai đoạn nặng.

Theo PL TP HCM, ngày 7-1, Bệnh viện (BV) ĐH Y Dược TP.HCM cho biết vừa qua khoa Cấp cứu BV tiếp nhận chị Q. (khoảng 20 tuổi, là một du học sinh Việt Nam về nước nghỉ lễ) trong tình trạng khó thở dữ dội, vã mồ hôi, tím tái... được chẩn đoán cơn hen phế quản nguy kịch.

Chị Q. kể mình bị hen từ nhỏ nhưng gần đây thấy khỏe nên cũng tự ngưng thuốc, không khám lại. Một tuần gần đây, chị Q. có triệu chứng ho, hắt xì hơi, nghĩ cảm nhẹ nên tự điều trị bằng thuốc hạ sốt, thuốc ho tại nhà trong khi cùng gia đình tiếp tục du lịch nhiều nơi từ Bắc vào Nam. Cùng ngày nhập viện, chị thấy ho nhiều nên uống tiếp thêm một liều thuốc ho nữa, không ngờ đến tối chị khó thở dữ dội, toàn thân tím tái, không nói chuyện được, phải vào cấp cứu tại BV ĐH Y Dược.

Theo BS Nguyễn Viết Hậu, Phó Trưởng khoa Cấp cứu BV Y Dược TP.HCM, do chị Q. chưa được kiểm soát bệnh hen tốt, kèm với tình trạng chủ quan khi bệnh cảm kéo dài cả tuần mà không được dùng thuốc đúng cách, di chuyển nhiều trong lúc sức đề kháng suy giảm, dễ bị bội nhiễm vi trùng.

Ngược lại, chị còn dùng các thuốc ức chế ho không phù hợp làm ứ đọng đàm nhớt, kích thích viêm, kích thích co thắt phế quản trầm trọng, làm cơn hen bùng phát dữ dội, đe dọa tính mạng.

Suýt chết vì xem thường cảm cúm - ảnh 1
Bệnh nhân được tiếp tục theo dõi tại BV ĐH Y Dược. Ảnh: PLO

“Do đó, đối với người bệnh có bệnh lý mạn tính sẵn có, đặc biệt các bệnh lý về hô hấp, nếu có bất kỳ triệu chứng của cảm hay cúm nào cũng nên khám và tư vấn bác sĩ thật kỹ nhằm tránh các tình huống đáng tiếc xảy ra. Người có bệnh mạn tính có thể chủ động tiêm ngừa cúm hằng năm tại các cơ sở y tế” - BS Hậu khuyến cáo.

Bác sĩ Nguyễn Văn Minh, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang cho biết, trước nay nhiều người vẫn nghĩ cảm cúm là bệnh thông thường và khá chủ quan. Thực tế, không ít trường hợp rơi vào tình trạng bệnh nặng, tiến triển nhanh chóng, thậm chí tử vong vì đến viện muộn. Mỗi năm, có 3-4 bệnh nhân nặng, suy đa đạng, tính mạng nguy hiểm do cúm. 

Theo bác sĩ, các dấu hiệu của cúm rất dễ nhận ra, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi, đau mỏi người, đau đầu, sốt... Đa số trường hợp này đều là mắc cúm mùa thông thường (thuộc tuýp B) và chỉ cần 3-5 ngày hay kéo dài một tuần là khỏi. Tuy nhiên, không loại trừ một số trường hợp mắc các loại cúm dễ diễn biến nặng như cúm A/H1N1. Trường hợp bệnh nhân trên, cũng có các biểu hiện ban đầu giống hệt cúm mùa thông thường. Sau đó, bệnh nhân diễn biến nặng hơn và nếu không được hồi sức tích cực nhanh chóng thì rất dễ tử vong. 

Bác sĩ Nguyễn Văn Minh, BV Đa khoa tỉnh Bắc Giang cảnh báo, bất cứ ai khi bị nhiễm cúm nếu sang tới ngày thứ 3 hoặc 4 của bệnh mà thấy đau ngực, khó thở, mệt mỏi nhiều hơn thì cần đến ngay cơ sở y tế đủ điều kiện để được chẩn đoán bệnh và áp dụng cách điều trị phù hợp. Theo bác sĩ, ngay cả một số trường hợp mắc cúm mùa đôi khi cũng diễn biến rất nặng, chủ yếu rơi vào người nghiện rượu, phụ nữ mang thai... do có sức đề kháng kém.

Điều trị cúm hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc hiệu, người dân trong sinh hoạt hàng ngày cần có ý thức tăng cường sức đề kháng, khi bị bệnh nên uống nhiều nước, nghỉ ngơi, bổ sung dinh dưỡng. Các loại thuốc được coi là trị cảm cúm thực chất chỉ chữa triệu chứng (giảm hắt hơi, sổ mũi...) chứ không phải là thuốc điều trị bệnh, việc sử dụng thuốc diệt virus phải được bác sĩ chỉ định tùy trường hợp, không được tự ý dùng. 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang