Bổ nhiệm con trai cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Sabeco 'đi xin' Bộ Công Thương là bất bình thường

authorDương Phương Ngọc 13:51 17/06/2016

(VietQ.vn) - Ông Vũ Quang Hải tốt nghiệp ĐH, có bằng Th.s tài chính nhưng để “leo lên” Phó TGĐ Sabeco, đây chỉ là điều kiện đủ chứ chưa phải điều kiện cần.

Sabeco đi “xin” Bộ Công Thương: Không bình thường về tuyển dụng

Những ngày gần đây, dư luận đang có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh những vấn đề khuất tất trong bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải (28 tuổi – con trai nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng) tại những vị trí quan trọng ở Bộ Công Thương và Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Theo đó, ông Vũ Quang Hải đã lần lượt được đặt vào các vị trí Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Dầu khí (PVFI), Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu thuộc Cục Xúc tiến Thương mại, hàm Phó vụ trưởng, và tiếp đến là Phó tổng giám đốc Tập đoàn Bia Sabeco.

Trong thư chất vấn của Hiệp hội Đầu tư Tài chính Việt Nam (Vafi) viết rằng ông Vũ Quang Hải được trao chức tổng giám đốc PVFI khi mới 25 tuổi và "chẳng có thành tích gì, chẳng có tài năng gì" đã khiến "dư luận thắc mắc", và hậu quả là kết cục làm ăn thua lỗ khiến "thuyền trưởng cao chạy xa bay".

Ngoài ông Vũ Quang Hải, điểm danh con lãnh đạo lên ‘làm quan’ khi còn rất trẻ(VietQ.vn) - Việt Nam từng có trường hợp bổ nhiệm người trẻ nhưng ông Vũ Quang Hải - con trai cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng lần đầu bị chất vấn công khai.

Bình luận về vấn đề này, trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Viện Quản lý Việt Nam cho biết: Khi tuyển dụng, bộ phận nhân sự thường không quan tâm: Người làm quan là con lãnh đạo hay con dân thường hoặc con nông dân, miễn sao họ có khả năng, hội tụ đủ đức – tài. Thậm chí, nếu đó là con của lãnh đạo thì càng tốt vì họ sẽ có kinh nghiệm, có những mối quan hệ của bố/mẹ trước đó, có nền tảng, được dìu dắt, dạy dỗ bài bản…

Tuy nhiên, trong trường hợp của ông Vũ Quang Hải, những gì mà Sabeco đã thực hiện, quy trình tuyển dụng đã không phù hợp với các nguyên tắc tuyển dụng đặc biệt ở vị trí lãnh đạo cao cấp. Việc Sabeco đi “xin” Bộ Công Thương là không phù hợp với thông lệ quản trị nhân lực, đặc biệt trong các tập đoàn lớn.

Trước đó, giải thích về lý do bổ nhiệm ông Hải vào vị trí Phó tổng giám đốc Tập đoàn Bia Sabeco, nguyên Chủ tịch HĐQT Sabeco Phan Đăng Tuất đã chia sẻ: Sabeco sau khi làm lại đề án tái cơ cấu, chia mảng phụ trách cho 4 Phó tổng và xin Bộ Công Thương cho thêm 3 người Phó tổng, trong đó 2 người lấy tại Sabeco và 1 người xin từ Bộ Công Thương về. Thời điểm đề xuất xin thêm người, ban lãnh đạo Sabeco cũ có trình độ chưa cao nên ông đã đề nghị cử người phải có bằng cấp và nhất là phải giỏi tiếng Anh.

Việc bổ nhiệm ông Hải - con trai cựu Bộ trưởng Công thương đi ngược thông lệ tuyển dụng quốc tế.

Liên quan tới 3 người được Sabeco đề xuất lúc đó, ông Tuất cho biết, bao gồm: ông Nguyễn Minh An - Thạc sĩ Quản trị kinh doanh quốc tế học ở Mỹ, con nguyên Chủ tịch nước và cũng là Đảng viên lâu năm, ông Nguyễn Thành Nam - Trưởng ban ở Sabeco, Thạc sĩ kinh doanh, nói được tiếng Anh và cả tiếng Đức.

Còn 1 người thứ ba, Sabeco có trao đổi với Bộ thì chỉ ra anh Vũ Quang Hải (con trai ông Vũ Huy Hoàng - nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương) hiện đang làm ở Cục Xúc tiến Thương mại.

Sau đó, Hội đồng quản trị làm công văn xin ba người, mà xếp thứ tự là Nguyễn Minh An, Nguyễn Thành Nam và Vũ Quang Hải. Bộ Công thương đã đồng ý với danh sách này.

Ông Vũ Tuấn Anh nhận xét: Quy trình tuyển dụng tại các Tổng công ty, Tập đoàn - doanh nghiệp lớn bao giờ cũng tuân theo mô hình ống – mô hình tháp nhỏ dần, vòng đầu tiên là vòng sơ loại, vòng thứ 2 là kiểm tra về tính cách và vòng thứ 3 là kiểm tra kinh nghiệm, kỹ năng kiến thức làm việc. Quan trọng nhất các tiêu chí tuyển dụng cần phải được đăng tải rộng rãi để thu hút thật nhiều ứng viên và qua đó chọn người tốt nhất.

Câu hỏi đặt ra là: Quy trình bầu ông Hải vào vị trí Phó tổng giám đốc Tập đoàn Bia Sabeco đã đúng theo quy trình tuyển dụng nhân sự như thông lệ trên thế giới  trên hay không ?!

Thông thường, các Tổng công ty, doanh nghiệp nước ngoài khi tuyển người, vòng 1 thường chọn ra khoảng 9 – 10 người để “so bó đũa chọn cột cờ”, rồi loại dần, vào vòng 2 số người giảm đi còn khoảng 3 – 4 người, cuối cùng là chọn ra 1 người giỏi nhất trong số những người giỏi. Bởi theo nguyên tắc, càng nhiều người ứng tuyển thì công ty sẽ càng lọc được người tốt hơn.

“Đối với vụ lùm xùm ở Sabeco, vị trí Phó tổng giám đốc Sabeco này có được công bố công khai rộng rãi để “bàn dân thiên hạ” tự ứng tuyển không, hay chỉ là “làm cho có thủ tục” còn bản chất là đã “nhắm” sẵn người, theo tôi, cũng cần phải làm rõ. Bởi lẽ, nếu vòng sơ loại của Sabeco không có đủ 9 người mà chỉ có tổng cộng 3 người (như ông Tuất nói), quả thật là không ổn theo nguyên lý tuyển dụng nói trên” – ông Vũ Tuấn Anh nói.

Hơn nữa, theo ông Tuấn Anh, Sabeco là công ty của Nhà nước, tất cả những người vào làm việc trong Sabeco đều phải tuân thủ theo đúng quy trình tuyển dụng của Nhà nước. Nếu Cựu chủ tịch Sabeco đứng ra trực tiếp "xin” về hay nói cách khác, ông Tuất chính là người đứng ra “bảo lãnh” cho năng lực, phẩm chất của ông Hải, đảm bảo ông Hải đủ khả năng để đảm nhận chức vụ, nên khi “sự cố”trên xảy ra, ông Tuất phải liên đới chịu trách nhiệm. Ngoài ra, Bộ Công Thương là đơn vị chấp thuận cho ông Hải vào làm việc tại Sabeco từ tháng 2/2015, Bộ Công thương cũng phải có trách nhiệm trong vụ việc lần này.

Biệt tài của ông Vũ Quang Hải: Có đủ tầm để làm “sếp lớn” Sabeco?

Trả lời trên tờ Tuổi trẻ, ông Vũ Quang Hải tự tin rằng mình đủ khả năng để được bầu vào vị trí lãnh đạo, chứ không phải “bố bổ nhiệm con”. Ông Hải đã nói: “Ngoài bằng đại học ra, tôi cũng có bằng thạc sĩ tài chính, cũng được đào tạo bài bản ở nước ngoài. Tôi hiểu là dư luận có ý rằng con quan thì lại làm quan, nhưng quan điểm của tôi là trong một đất nước do Đảng lãnh đạo, mọi thứ bình đẳng hết, cơ hội của mọi người là như nhau. Thật sự tôi không nghĩ đây là sự ưu ái, vì tất cả chúng ta đều bình đẳng hết”.

Mặc dù vậy, bình luận về câu nói này của ông Hải, chuyên gia Vũ Tuấn Anh cho rằng: Những tiêu chuẩn mà ông Hải nêu ra, hàng ngàn người khác cũng có thể đạt được những chỉ tiêu đó.

Theo ông Vũ Tuấn Anh (Viện Quản lý VN): Ông Hải chưa đủ tầm vào làm "sếp lớn" ở Sabeco?! 

“Việc ông Hải tự tin về mình như vậy, chẳng khác nào kiểu nói: “Tôi cao 1,75m, tôi đủ tiêu chuẩn đi bộ đội”, nhưng vấn đề ở đây không phải thế. Nếu thi tuyển một cách công khai như trong các tập đoàn lớn, sẽ có nhiều người bằng và thậm chí có bằng cấp cao hơn, kinh nghiệm nhiều hơn, giỏi hơn ông Hải để ứng tuyển vào vị trí đó.

Tấm bằng đại học hay bằng thạc sỹ tài chính của ông Hải chỉ là điều kiện đủ, chứ không phải điều kiện cần khi làm “sếp lớn” tại Sabeco. Điều kiện cần ở đây phải là một người có kinh nghiệm lãnh đạo, có khả năng, năng lực biến công ty thất bại chuyển hướng thành công, được nhiều người tín nhiệm,…

Và điều quan trọng nhất trong câu chuyện này là: Sabeco đang cần chọn những người giỏi nhất trong những người giỏi” – ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Cũng đồng quan điểm như ông Vũ Tuấn Anh, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) khi chia sẻ với báo chí cũng khẳng định: Sabeco đã sai quy trình tuyển dụng.

Bởi lẽ, thứ nhất, Sabeco là công ty cổ phần, không còn là doanh nghiệp Nhà nước, Bộ Công Thương chỉ được quyền đề cử người vào thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT), sau đó Đại hội đồng cổ đông bầu HĐQT rồi HĐQT mới bổ nhiệm các chức danh Tổng Giám đốc (TGĐ) và các Phó TGĐ...Khi bổ nhiệm đó thì có thể phải hỏi ý kiến HĐQT. Ở đây, Sabeco đi “xin” Bộ Công Thương là trái luật.

Thứ hai, Nhà nước nắm giữ 80% vốn điều lệ, các cổ đông nhỏ chỉ 20%, cổ đông nhỏ. Nhưng tiền này không phải vỏ hến và 20% vốn của họ phải có tiếng nói và phải có thành viên trong HĐQT. Chính vì thế, đầu tiên là phải tuyển người là phải tuyển người giỏi nhất, không phải cơ quan Nhà nước nên không giới hạn trong công chức, viên chức mà thuê ai cũng được. Miễn sao họ đáp ứng được tiêu chí của Sabeco đưa ra.

“Việc vin cớ xin người và nói là đúng quy trình là sai, bởi như vậy anh đã làm không vì lợi ích tối đa của cổ đông. Vì mục tiêu của doanh nghiệp (DN) thì anh phải chọn người tốt nhất, minh bạch nhất có những tiêu chuẩn đưa ra công khai chứ không phải đi xin ai cả” – trên Dân Trí, TS Nguyễn Đình Cung đã lưu ý như vậy.

Sau khi báo chí phản ánh về trường hợp ông Vũ Quang Hải, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng, Bí thư Ban Cán sự Bộ Công Thương cho biết, đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ Công Thương rà soát lại hồ sơ cán bộ, làm rõ, báo cáo tập thể Ban Cán sự.

Cụ thể, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo Văn phòng Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ rà soát và báo cáo toàn bộ quá trình tiếp nhận ông Vũ Quang Hải về công tác tại Bộ và quá trình bổ nhiệm, điều động ông Vũ Quang Hải về Sabeco.

Đồng thời, giao Vụ Tổ chức cán bộ có văn bản đề nghị Sabeco báo cáo lại quá trình đề xuất tiếp nhận ông Vũ Quang Hải về công tác tại Sabeco và bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải vào vị trí lãnh đạo tại Sabeco.

Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ Công Thương cũng được yêu cầu có văn bản đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) báo cáo lại quá trình tiếp nhận, bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải làm Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư tài chính công đoàn dầu khí (PVFI) và làm rõ những thông tin mà báo chí nêu về kết quả kinh doanh của PVFI trong thời gian ông Vũ Quang Hải là Tổng Giám đốc tại PVFI.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang