Tâm lý mùa thi: Đừng "treo đá" trên đầu con cái

author 07:25 02/07/2013

(VietQ.vn) - Tâm lý là “liều thuốc” rất quan trọng đối với các sĩ tử mỗi khi bước vào mùa thi. Bởi, không chuẩn bị tâm lý tốt hoặc bị áp lực tâm lý sẽ là thất bại đầu tiên trước khi nhận thất bại bằng những điểm số.

<br>
 

Mùa thi - “mùa áp lực”?

Thực tế những năm gần đây cho thấy, có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm liên quan đến tâm lý của các sĩ tử khi bước vào mùa thi. Tâm lý đó phần lớn là do những áp lực từ gia đình, dòng tộc cũng như tâm lý chán nản khi không làm được bài thi.

Điển hình là vụ nhảy cầu tự tử của em Nguyễn Thị M. (quê ở Nghi Lộc - Nghệ An). Sau khi không làm được bài thi môn Lý, M. đã xin ra khỏi phòng thi trước thời gian và đi bộ đến cầu Bến Thuỷ (Thành phố Vinh, Nghệ An) rồi nhảy cầu tự tử.

Hay trường hợp tự rạch tay tự sát vì điểm thi quá thấp của N.T.H (trường THPT Chuyên Hùng Vương), theo các thầy cô ở trường H. học rất giỏi, cuối năm lớp 12, H lại đoạt giải Ba thành phố môn Văn. H tự tin lựa chọn một trường ĐH danh tiếng. Ai cũng chắc chắn 100% H sẽ đỗ đại học.

Nhưng đến khi biết điểm thi quá thấp, thậm chí không đủ điểm sàn, H xấu hổ với bạn bè, gia đình, làng xóm và thất vọng với chính mình, H. đóng cửa phòng khóc suốt mấy ngày. Không ăn, không ngủ, không gặp gỡ bất cứ ai.

Tình trạng đó kéo dài hơn một tuần, đến khi gia đình phát hiện H. rạch tay tự tử. Rất may, H. được cứu sống kịp thời.

Thậm chí có nhiều trường hợp, gia đình, họ tộc đặt kỳ vọng quá lớn đối với các sĩ tử trước khi bước vào kỳ thi cũng tạo cho các thí sinh nhưng tâm lý bất an, lo sợ và nhất là sau khi thi xong với những kết quả không như mong đợi, nhiều em đã tự “kết liễu” cuộc đời mình để cho khỏi xấu hổ với gia đình, bạn bè và họ tộc.

Phụ huynh là chìa khóa “mở cửa” tâm lý cho con

Trong nhiều trường hợp, chính cha mẹ, những người thân trong gia đình gây nên những áp lực tâm lý cho con, thì không ai khác chính phụ huynh lại là chìa khóa tạo nên những tâm lý tốt nhất cho con em mình trước khi bước vào kỳ thi.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên trường Đại học Sư phạm TP.HCM, cho biết, mùa thi, cả thí sinh lẫn phụ huynh đều bắt đầu bước vào mùa căng thẳng. Đối với học sinh, khối lượng bài vở cộng với mục tiêu thi đậu là hai tảng đá lớn luôn treo lơ lửng trên đầu. Đối với phụ huynh, sự kỳ vọng quá lớn sẽ là ngọn lửa âm ỉ bắt đầu bùng lên thường trực trong tâm thức. Sự kỳ vọng đó không có gì là xấu, quan trọng là đừng để cho độ nóng kỳ vọng ấy bộc lộ quá mức vì nó sẽ thiêu rụi cả tâm trí con mình.

 

Theo thầy Hiếu, để trở thành một “liều thuốc bổ” cho con trong giai đoạn cam go này, cha mẹ không nên tạo ra những áp lực cho con em mình, vì đôi khi chính những “gánh nặng” kỳ vọng của mẹ cha sẽ làm cho trẻ mất khả năng tập trung, dễ rơi vào trạng thái lo âu trầm cảm.

Đồng thời cha mẹ cũng không nên quá thờ ơ đối với con em mình vì trong những lúc căng thẳng, bị áp lực, tâm lý người ta rất cần sự chia sẻ và đồng cảm từ ai đó để vơi đi phần nào áp lực mình đang nặng đeo mang.

Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng không nên chăm chút cho con từng li từng tí, hỏi han sít sao, đồng hành “mọi lúc mọi nơi”. Điều đó cũng sẽ khiến cho các sĩ tử nhiều khi cảm thấy…phiền phức và vô tình bị ám thị rằng kì thi này là một cái gì đó rất ư là ghê gớm.

Phụ huynh cần phải làm gì?

Để tạo được tâm lý tốt nhất cho các thí sinh trước khi bước vào mùa thi, theo Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, các bậc phụ huynh cần phải, “đả thông tư tưởng” cho con. “Cha mẹ yêu con chứ không phải yêu điểm của con, vì vậy việc thi đậu hay chưa đậu không phải là số một mà quan trọng là con thi hết mình hay chưa”. Cha mẹ luôn mong con làm hết sức mình nhưng cũng “mở” cho con một cánh cửa, một lối thoát, cho con được “quyền” không đậu nếu như khả năng con chưa tới.

Đồng thời, cha mẹ luôn luôn phải tạo cảm giác ấm áp bên con trong những lúc “nước sôi, lửa bỏng” nhất, cha mẹ nên có những hành động đơn giản nhưng vô cùng ấm áp như: Sáng dậy sớm cùng con, nấu một bữa ăn sáng cho con, trang trí một lọ hoa trên bàn học của con … Những hành động đó tuy nhỏ nhưng có thể đó chính là cách “bơm vitamin” tốt nhất cho tinh thần của con mình.

 

Ngoài ra, phụ huynh phải luôn chủ động tạo các cơ hội nghỉ ngơi cho con để chúng “sạc pin” lại sau từng chặng ôn luyện. Vào thời điểm thích hợp, thỉnh thoảng cho trẻ đi một tour du lịch ngắn hạn để “xả hơi”. Hơn nữa sự vận động thay vì “dán chặt” liên tục trên ghế sẽ giúp cơ thể được “bôi trơn” và tinh thần tỉnh táo sảng khoái.

Cuối cùng cha mẹ hãy làm “thiên thần hộ mệnh từ xa”, tức là giám sát từ xa để phát hiện kịp thời những biểu hiện tâm lý bất thường. Nếu con bạn có một hoặc nhiều dấu hiệu dưới đây, các em có thể đang cảm thấy quá tải và cần được hỗ trợ nhiều hơn như: Tự nhốt mình quá lâu, khóc bứt rứt một mình, trằn trọc khó ngủ, tính tình trở nên cáu kỉnh khác lạ hay ủ rũ bất thường...

Gặp những trường hợp như vậy, nên hỏi han để con có thể tâm sự những bức bối trong lòng, nếu nặng có thể cho con đi kiểm tra tại bác sĩ tâm thần, đề phòng trường hợp các em bị những sang chấn tâm lý.

Ngọc Nữ
 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang