Tấp nập rời Hà Nội đi nghỉ lễ

author 15:34 27/04/2013

(VietQ.vn) - Dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 năm nay được nghỉ kéo dài 5 ngày nên nhiều người đổ về quê hoặc đi du lịch. Chính vì thế mà ngay từ chiều ngày 26/4, cảnh đông đúc trên các tuyến đường, ở các bến xe và tình trạng nhà xe tăng giá vé đã diễn ra

Ùn ùn rời Hà Nội đi nghỉ lễ

Ngay từ đầu giờ chiều 26/4, hàng vạn người đã ùn ùn đổ ra các bến xe khách liên tỉnh lên đường về quê hoặc đi du lịch. Tại Bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm lượng khách tăng nhiều hơn ngày thường. Trên các chuyến xe buýt đổ về các bến luôn trong tình trạng quá tải. Nhiều người về được bến xe trong tình trạng mệt mỏi. 

Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều tuyến phố hướng ra ngoại thành trên địa bàn thành phố Hà Nội bị ùn tắc cục bộ vì những đoàn người ngoại tỉnh rời thành phố để về quê. Tại các tuyến phố như là Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Giải Phóng… lượng xe máy tăng đột ngột so với ngày thường khiến tại hầu hết những điểm dừng đỗ đèn đỏ, dòng người phải di chuyển mấy nhịp đèn mới thoát khỏi ùn tắc cục bộ.

Tại các bến xe lớn ở Hà Nội, cảnh người dân đổ về quê, đi chơi dịp nghỉ lễ đợt này rất đông đúc. Ảnh minh họa

Trên các tuyến xe buýt, tình trạng người dân chen lấn để được ra các bến xe kịp giờ về quê diễn ra khá phổ biến. Tại các cửa lên, xuống đều nghẽn người đứng và vịn không còn chỗ trống. Dọc các tuyến đường có các điểm dừng đón xe buýt, dòng người đứng tràn cả ra lề đường để có xe buýt là nhanh chân leo lên xe. 

Tại các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm, lượng khách về các tỉnh cũng đông hơn so với ngày thường. Trong phòng chờ và trước cửa bến xe Giáp Bát, rất đông người đổ về đây mua vé đi các tỉnh. Hầu hết các cửa bán vé đều đông kín hành khách. Thậm chí, khu đợi của nhà bán vé hành khách ngồi la liệt để đợi chờ bạn bè, người thân cùng đi về. Phía ngoài cửa bến xe Mỹ Đình, nhiều taxi, xe ôm, người đứng đỗ trước cổng, tràn ra đến nửa đường để đưa người thân vào bắt xe. Ngay tại các cửa vào bên trong bến, rất đông “cò vé” đứng để lôi kéo khách.

Theo quan sát của chúng tôi, những chuyến xe về trung tâm huyện của các tỉnh luôn chật kín khách, bởi lượng xe phục vụ cho khu vực này khá ít và tần suất không nhiều khiến nhà xe tha hồ “chặt chém” hành khách mà không ai dám kêu ca vì tất cả đều muốn nhanh chóng về nhà.

Dịp 30/4 và 1/5, dự kiến số lượng người về quê đông hơn từ 2 đến 3 lần so với ngày bình thường, Công ty Quản lý Bến xe Hà Nội đã lên phương án tăng cường vào khoảng 350 lượt xe/ngày. Trong đó, tại bến xe Phía Nam là 120 lượt xe/ngày, tại Mỹ Đình là 180 lượt xe/ngày, tại bến xe Gia Lâm là 50 lượt xe/ngày.

Trong ngày 1/5, lượng khách từ các tỉnh về Hà Nội về sẽ tăng cao. Vì vậy, xe buýt cũng sẽ được tăng cường thêm 400 lượt xe để phục vụ chuyển tải hành khách từ các phương tiện liên tỉnh về Hà Nội.

Anh Hoàng Văn Dũng, sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, bắt xe ở bến xe về Hương Sơn, Hà Tĩnh, chia sẻ: "Mặc dù biết vào những ngày lễ này, tại các bến xe rất đông người về quê nên đã tranh thủ ra từ rất sớm. Không ngờ các xe đều chật cứng. Đợi cả tiếng đồng hồ mà chưa bắt được xe về quê".

Ghi nhận trong những ngày này, giá vé tăng hơn so với ngày thường khoảng ít nhất từ 10 đến cả trăm nghìn đồng tùy từng tuyến. Nhưng hầu hết mọi người đều phải chấp nhận giá vé tăng, lên xe với hi vọng nhanh chân về quê. Anh Nguyễn Văn Đạt, ở Đông Sơn, Thanh Hóa cho biết, anh đã đợi xe về Đông Sơn gần 4 tiếng mà đến giờ vẫn chưa có xe về quê, có xe thì nhồi nhét quá đông nên anh không lên xe được.

Về tình hình giá vé tại bến xe, ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe phía Nam cho biết, tại bến đến hôm nay có 7 đơn vị đã điều chỉnh giá vé tăng từ 6-30%. Theo ông Thành, dù có nhiều chính sách ưu đãi, song việc một vài doanh nghiệp tăng giá vé trong dịp này cũng là điều khó tránh khỏi. Mặt khác, việc nhà xe tăng giá thì bến cũng không thể can thiệp được.

Thanh tra giao thông thành phố Hà Nội cho biết: từ đầu tuần đến nay, lực lượng thanh tra đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý gần 20 trường hợp vi phạm các loại, đặc biệt là xử lý tạm đình chỉ 7 nhà xe lắp thêm ghế phụ.

Dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng, Giải Phóng, nhiều người vẫn chưa có thói quen mua vé trong bến mà đứng ngay dọc đường đợi bắt xe, tạo cơ hội cho các nhà xe “chặt chém” tăng giá một cách bất hợp lý và gây mất an toàn giao thông mỗi khi nhà xe tấp vào lề đường tranh khách.        

Để đảm bảo an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ này, Cục cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt, Bộ Công an đã tăng cường 4 đội tuần tra lưu động từ Hà Nội đến Ninh Bình để kiểm tra, xử lý những xe khách vi phạm như nhồi nhét, bắt chẹt giá vé… Hy vọng, với sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, hành khác sẽ không phải chịu cảnh ấm ức vì bị bắt chẹt, nhồi nhét trong mỗi dịp nghỉ lễ.

Bến xe Mỹ Đình là một trong những điểm dòng người đổ về đông nhất thành phố. Dọc trục đường Phạm Văn Đồng - Phạm Hùng, lượng người tăng đột biến khiến giao thông khu vực này khá lộn xộn. Mặc dù cách cửa bến xe Mỹ Đình khá xa nhưng dòng người di chuyển khá "vật vã" ở khu vực gầm cầu vượt trên đường Xuân Thủy. Đây là tuyến đường đổ ra bến xe Mỹ Đình với số lượng sinh viên khá đông, nên cả tuyến đường phải “gánh” lượng người hồi hương không nhỏ.
 
Phía trong bến, tình hình cũng không mấy thoáng đãng hơn. Hàng trăm hành khách cùng với lỉnh kỉnh đồ đạc biến khu vực nhà chờ của bến xe trở nên nhỏ bé một cách đáng thương.

Trong phòng chờ và trước cửa bến, rất đông người đổ về mua vé. Hầu hết các cửa bán vé đều đông kín hành khách. Thậm chí, khu đợi của nhà bán vé, hành khách cũng ngồi la liệt để đợi chờ bạn bè, người thân đi về.

Phía ngoài cửa bến xe, nhiều taxi, xe máy, người đứng đỗ trước cổng, tràn ra đến nửa đường để đưa người thân vào bắt xe.

Tại Bến xe Giáp Bát, theo quan sát của phóng viên, các xe chạy tuyến Hà Nội – Nam Định, Thanh Hóa, Thái Binh… thường xuyên phải xuất bến trong tình trạng quá tải.

Trên đường Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội), sinh viên và lao động ngoại tỉnh sáng nay cũng đã xếp kín dọc đường đợi bắt xe khách. Những tuyến xe buýt về các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên… ngày thường vốn đã khá đông thì trong dịp nghỉ lễ phải hoạt động hết công suất mà vẫn luôn phải chịu cảnh quá tải trong khi xe khách gom khách không xuể. Dọc các tuyến đường có các điểm dừng đón xe buýt, dòng người đứng tràn cả ra lề đường để có thể nhanh chân leo lên xe.

Không ít người lo sợ xe quá đông nên đã ngồi chờ cho vắng bớt mới dám đi. Ảnh minh họa

Xử lý nghiêm nạn tăng giá vé dịp nghỉ lễ

Nhiều hành khách đi chặng ngắn như Hà Nội - Phủ Lý, Đồng Văn cũng phàn nàn, họ buộc phải trả giá vé đồng hạng như đi Nam Định (70.000 - 80.000 đồng) vì nếu không, nhà xe sẽ không chịu chở. Mặc dù vậy, hầu hết hành khách đều phải chấp nhận lên xe với hy vọng nhanh chân để về quê.

Tại các bến xe, những chuyến về tuyến huyện, hành khách luôn bị nhồi nhét và “chặt chém” giá vé do lượng phương tiện về khu vực này luôn luôn cao điểm.

Theo ông Nguyễn Hoàng Trung, Giám đốc Công ty Quản lý Bến xe Hà Nội cho biết, Công ty đã lập các đường dây “nóng” của của bến xe và Giám đốc một số Bến xe tại Hà Nội để khi hành khách bị “bắt chẹt” thì sẽ phản ánh về thông tin doanh nghiệp để bến có phương án xử lý.

Cụ thể, đường dây nóng của Bến xe phía Nam có số 04. 38.641.467- 0913.305.885, Bến xe Mỹ Đình: 04.37.685.549- 0913.230.819, Bến xe Gia Lâm: 38.271.529- 0913.234.684.

“Trong quá trình đi lại bằng xe khách dịp này, người dân phát hiện doanh nghiệp xe khách nào thu giá vé sai so với niêm yết, đồng thời ‘bắt chẹt’ và ‘nhồi nhét’ hãy phản ánh ngay đến lãnh đạo bến xe qua đường dây nóng trên, chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý nghiêm khắc,” ông Trung chia sẻ.

Bên cạnh đó, vị Giám đốc này cũng cho biết thêm, ngoài 18 doanh nghiệp gửi thông báo xin tăng giá vé từ một tuần trước, đến nay, các bến xe vẫn chưa có thêm đơn vị nào xin tăng giá vé dịp nghỉ lễ.

Tuy nhiên, ông Trung cho rằng, do hai kỳ nghỉ đều dài ngày và gần nhau nên nhiều khả năng lượng khách sẽ không bị tập trung quá đông vào một thời điểm mà chủ yếu tập trung tại các tuyến đường có chiều dài khoảng dưới 500km như: Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Vinh, Sơn La….

Trước thực trạng nhiều nhà xe tăng giá vé dịp lễ, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết: “Tình trạng tăng giá vé vừa rồi cũng đã xảy ra trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ, mới đây lại có một số nhà xe tự ý tăng giá vé đến mức cao nhất là khoảng 1,5 lần giá quy định.”

Ngoài ra, ông Hiệp cũng cho hay: “Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đang yêu cầu các lực lượng chức năng kiểm tra, kiên quyết xử lý các đơn vị tự ý tăng giá vé một cách vô lý, cần thiết sẽ phải thu hồi giấy phép kinh doanh".

Tối 30/4, bắn pháo hoa tại Lễ hội Du lịch Cửa Lò

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vừa đồng ý UBND tỉnh Nghệ An tổ chức 1 điểm bắn pháo hoa tầm thấp, thời lượng 15 phút tại Lễ hội Du lịch Cửa Lò năm 2013.

Việc bắn pháo hoa theo đúng Nghị định số 36 của Chính phủ về Quản lý, sử dụng pháo, đảm bảo trật tự tuyệt đối an toàn; không dùng ngân sách nhà nước.

Sự kiện trên sẽ diễn ra vào tối 30/4 tại thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An. Lễ hội du lịch Cửa Lò 2013 sẽ diễn ra trong 2 ngày 30/4 và 1/5.

N. Nam (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang