Thất vọng vì "mua chung"

author 13:17 17/10/2013

Hiện nay các website kinh doanh theo mô hình này đang mọc ra như nấm và không ai kiểm soát được đầy đủ thông tin, chất lượng sản phẩm, dịch vụ mà họ cung cấp.

Trong vòng 3 năm trở lại đây, loại hình này đặc biệt phát triển, trở thành một hiện tượng đáng chú ý trong ngành thương mại điện tử, thu hút đối tượng khách hàng khá lớn.

Lực lượng QLTT bắt quả tang một kho sản phẩm White care giả mạo tại Đồng Nai (Nguồn: Báo Đồng Nai)


Đi tìm giá trị thật của sản phẩm

Mô hình bắt nguồn từ công ty Groupon được thành lập năm 2008 ở Mỹ và chỉ sau 2 năm thành lập đã đạt doanh thu đáng mơ ước là 1,35 tỉ USD. Thành công nhanh chóng từ Groupon kéo theo sự phát triển ồ ạt của mô hình này trên khắp thế giới, mà tại Việt Nam không ngoại lệ. Nhưng đồng thời, mô hình này cũng hình thành nhiều biến tướng gây thiệt hại cho người tiêu dùng (NTD) và doanh nghiệp.

Dạo quanh các website mua chung “thâm niên” và thông dụng hiện nay như: nhommua.com, muachung.vn, cungmua.com, cucre.vn… thì nhìn chung sản phẩm hàng hóa và dịch vụ luôn đa dạng, đánh trúng tâm lý NTD trong tình hình kinh tế “thắt lưng buộc bụng”: siêu khuyến mãi, siêu giảm giá từ 30% - 80% nên lượng phiếu sử dụng sản phẩm, dịch vụ (voucher) luôn được đông đảo khách hàng đặt mua.

Bên cạnh đó, việc đăng ký, mua hàng, giao hàng cũng như thanh toán đều rất nhanh chóng và tiện lợi như qua thẻ ATM, Internet banking, Visa, thanh toán khi giao hàng... đã giúp các hình thức mua chung này phát triển nhanh chóng.

Không phủ nhận những lợi ích mang lại từ mô hình mua chung này, song đến nay, chất lượng thật sự từ loại hình này đang khiến NTD lo ngại.

Nếu như ở nước ngoài, theo mô hình kinh doanh thành công của Groupon thì khi tiến hành đưa một sản phẩm ra thị trường cần cân nhắc và đảm bảo về quyền lợi giữa 3 bên: NTD chắc chắn được sở hữu sản phẩm, dịch vụ với chi phí rẻ hơn giá gốc hoặc giá thị trường từ 30% đến 80%. Về phần nhà cung cấp sẽ tiết kiệm được chi phí tiếp thị đáng kể khi đưa sản phẩm, dịch vụ đến tay NTD thông qua mô hình Groupon và cuối cùng là bên trung gian kinh doanh Groupon được hưởng hoa hồng từ nhà cung cấp.

Khi mô hình này hình thành và phát triển tại Việt Nam, sự biến tướng nằm ở chỗ: Quyền lợi 3 bên chỉ còn là câu chuyện song phương giữa nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ và bên trung gian kinh doanh groupon. Vậy con số 30%- 80% mà NTD “tiết kiệm” được đã đi về đâu?

Để giải bài toán này cần nhắc về giá thành sản phẩm, dịch vụ giữa các website mua chung và nhà cung cấp hàng hóa, thậm chí là ở chợ để thấy “điểm chung” hầu hết giá sau khi “siêu giảm giá” không chênh lệch nhau bao nhiêu, thậm chí trên website mua chung còn mắc hơn.

Chị Thảo (nhân viên Công ty T.N tại TP.HCM) than thở kể lại: “Hôm trước thấy trên website mua chung bán đồ xay tỏi ớt bằng tay, thấy lạ nên mình mua thử, cũng lướt vài website để so sánh giá. Nhưng mua rồi mới thấy sản phẩm không “long lanh” như trong hình, sử dụng rất đau tay và cái làm tôi dở khóc dở cười nhất là hôm sau tình cờ ra chợ Bến Thành thấy người ta bán cái y chang, hỏi giá thử thì chỉ bằng 2/3 giá tôi đã mua, đó là tôi chưa trả giá”. Bên cạnh đó, còn rất nhiều lời phàn nàn từ khách hàng, đặc biệt là các bà mẹ trên diễn đàn mạng khi bị sập bẫy mua hàng tiết kiệm lên cảnh báo cho nhau.

Các sản phẩm sữa tắm White care “siêu giảm giá” trên website mua chung.

 


Từ đó ta có thể thấy được, khi liên hệ với các website mua chung, nhiều nhà cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ đã tự nâng giá thành sản phẩm lên rồi lại yêu cầu bán ra với thông báo giảm 30% đến 80%. Nhiều website trung gian không kiểm tra kỹ thông tin giá thành sản phẩm, dịch vụ hoặc chính họ cũng là người đàm phán, thông đồng với nhà cung cấp để làm lại giá đến tay NTD.

Chị Lâm Thị Khánh Ly, ngụ tại Q.Gò Vấp, TP.HCM kể lại: “Hôm trước thấy trên mạng có bán tuýp kem chống nắng của thương hiệu công ty mình, mẫu mã kiểu dáng giống hệt với giá 49.000đ/tuýp, trong khi giá sản phẩm thực giá 510.000đ/tuýp. Công ty không có những chương trình giảm giá đến 90% giá trị sản phẩm như vậy đâu, chắc chắn 100% là hàng giả đó, ai mà không biết mà mua về sử dụng, không biết xảy ra chuyện gì?”.

Một NTD ngụ tại TP.HCM còn bức xúc hơn khi nói với PV: “Tôi mua phiếu giảm giá cho bộ 2 chai sữa tắm dê White care 1200ml/chai với giá 70.000đ và được giao phiếu mua hàng. Cầm voucher hẳn hoi, có địa chỉ mua hàng in trên thẻ nhưng khi đến địa chỉ ghi trên phiếu thì đó là cửa hàng Yến Sào (đường Hai Bà Trưng, quận 1, TP.HCM). Tôi nghi ngờ phiếu mình là giả nên liên lạc người bán. Một lúc sau có một chị mặc bộ đồ như đang bán hàng ở chợ từ gần đó chạy đến và hỏi tôi đến lấy sữa tắm phải không? Xong chị ta lại vội vàng chạy đến cách đó một vài căn, tôi chạy xe đi theo thì thấy chị với tay vào hàng rào sắt cạnh chị bán trái cây, lấy từ thùng carton lớn ra đưa tôi 2 chai sữa !??… Mặt hàng này siêu thị đang bán với giá trên dưới 100.000đ/chai và cổ chai được ép plastic niêm phong hoặc tem, còn sản phẩm cầm trên tay 35.000đ/chai không có tem nhãn đảm bảo cũng như niêm phong phần cổ chai. Cứ tưởng mình mua được hàng giá rẻ, ai ngờ đụng ngay hàng dỏm, vừa tốn tiền vừa mất thời gian”.

Ai bảo vệ khách hàng?

Đó là chưa nói đến chất lượng dịch vụ được cung cấp từ nhiều website trung gian này. Đối với những phiếu sử dụng ăn uống thì NTD luôn bị phân biệt theo kiểu: phải gọi điện thoại đặt trước, phần ăn bị cắt giảm so với thực tế và thái độ phục vụ của nhân viên thì vô cùng tệ.

Hiện nay các website kinh doanh theo mô hình này đang mọc ra như nấm và không ai kiểm soát được đầy đủ thông tin, chất lượng sản phẩm, dịch vụ mà họ cung cấp, chưa kể đến khi mâu thuẫn giữa website trung gian và nhà cung cấp xảy ra thì ai sẽ chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại cho NTD. Chưa kể đến một số website đang kinh doanh theo mô hình mua chung đang kiêm luôn việc sản xuất, tự kinh doanh các mặt hàng trên website mình bán. Vậy cơ quan nào sẽ quản lý vấn đề kiểm tra chất lượng những mặt hàng bán công khai này?

Theo Công luận

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang