"Thế lực ngầm" vận chuyển hàng lậu xuyên biên giới

author 08:05 26/09/2013

(VietQ.vn) - “Trùm” vận tải này mạnh tới nỗi tự tin rằng hàng hóa sử dụng dịch vụ của mình sẽ không ai dám hỏi một câu, cứ thế rồi đóng vào container mà băng băng về, mất một đền mười.

Sau mấy ngày “quần thảo” trên thánh địa hàng lậu, tôi chợt nhận ra rằng, việc đánh hàng ở Quảng Châu về Việt Nam dễ hơn những gì ta tưởng tượng khi đang ở bên này biên giới. Việc khó nhất của dân buôn chính là tìm được “tai” lão luyện, nhanh nhẹn và uy tín. Còn tất cả những việc khác, đã có những thế lực chuyên nghiệp sẵn sàng nhận trọn gói chuyển hàng từ Quảng Châu về Hà Nội với lời khẳng định chắc nịch “mất một đền mười”…

Đóng gói

Sau khi khi tham quan và mua sắm tại một số chợ “hàng hiệu” như Bạch Vân, Bạch Mã chúng tôi khệ nệ mang hàng về khách sạn Đ. Khác với hai lần trước, lần này mấy cô lễ tân của khách sạn có vẻ thân thiện với chúng tôi hơn. Lan bật mí “họ biết mình đi sắm đồ “hiệu” nên phỏng đoán là khách sộp đây mà. Họ thân thiện để lấy lòng mình đấy”. Dù không biết động cơ của họ là gì nhưng khi được những cô nàng xinh đẹp đon đả, thân thiện thì cũng thấy mát dạ và yêu đời hơn.

Sáng hôm sau, A Lù đến từ khá sớm để dẫn chúng tôi đi ra ngoài tìm hiểu một số mặt hàng khác. Chả là trước khi sang đây, một người bạn của Tuân tên Chương ở Quốc Oai  - Hà Nội có nhờ Tuân tìm hiểu một số mối hàng điện tử. Nghe đâu cậu Chương dự định sẽ mở cửa hàng kinh doanh mặt hàng này. 6h30 sáng, Tuân và tôi ra khỏi phòng trong khi Lan vẫn còn say ngủ.

Đống hàng hóa của 3 ngày mua sắm đã được đóng gọn gẽ vào 6 bao hàng, chất ngổn ngang khắp phòng, một lát nữa sẽ có nhân viên đến chuyển đi vì đã hợp đồng trước với họ.  Tối hôm qua, Lan đã cẩn thận để ra ngoài vài chục mẫu quần áo, giày dép các loại, nhét chật cứng vào 2 chiếc vali kéo khổ lớn. Cô nói sẽ đưa số quần áo này về nước trước để bày mẫu trong khi chờ hàng về. Thường thì mất 5 ngày để về Hà Nội và 1 tuần để về đến TP. Hồ Chí Minh, chưa kể dịp cuối năm thường xảy ra tình trạng “tắc biên” và “cấm biên” .

Cũng nói qua về công việc đóng gói hàng ở Quảng Châu. Thực ra, việc khó nhất của dân buôn khi sang đây là tìm được một “tai” uy tín, giỏi để có thể chọn được những mối hàng rẻ nhất, nhanh nhất. Và việc tìm mua, vác hàng về khách sạn khiến dân buôn tốn sức và mệt mỏi nhất, đặc biệt là những người mới đi lần đầu như chúng tôi. Chỉ cần đem hàng về đến khách sạn là sẽ có những người làm dịch vụ đến lo từ đó đến khi hàng về đến Hà Nội. Vì thế, nhiều dân buôn đùa nhau, đi buôn hàng lậu Quảng Châu còn dễ hơn đi chợ ở Hà Nội là vậy.

Dịch vụ đóng bao và vận tải có ở khắp nơi tại Quảng Châu, thuận tiện tuyệt đối vì để biển hiệu tiếng Việt và có phiên dịch. Giá đóng bao là 55-70 tệ/bao/60-100kg. Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi đóng bao xong, các công ty Trung Quốc sẽ chịu trách nhiệm vận chuyển hàng đến Lũng Vài (thị trấn giáp cửa khẩu Hữu Nghị) rồi sau đó sẽ giao phần còn lại cho đối tác vận tải của Việt Nam. Vì đã tìm hiểu trước nên chúng tôi sử dụng dịch vụ chuyển hàng của một “trùm” mới nổi tại Hà Nội – H. “béo”.

Để tránh lẫn hàng, chúng tôi được hướng dẫn chỉ cần ghi tên và số điện thoại của mình lên mỗi bao hàng rồi đóng mở ngoặc ký hiệu H. “béo”. “Trùm” vận tải này mạnh tới nỗi tự tin rằng hàng hóa sử dụng dịch vụ của mình sẽ không ai dám hỏi một câu, cứ thế rồi đóng vào container mà băng băng về, mất một đền mười. Giá vận chuyển được tính theo khối lượng, rất rẻ, thường thì khoảng 1 triệu đồng/bao 60kg (chưa kể phí kho bãi 100 nghìn đồng/bao), trọn gói từ Quảng Châu về Hà Nội. Hệ thông “vòi bạch tuộc” của công ty anh có khắp các thành phố lớn tại Việt Nam. Đặc biệt hơn cả, anh ta có thể chuyển hàng về nước qua bất cứ cửa khẩu nào, không chỉ gói gọn ở Tân Thanh và Hữu Nghị của Lạng Sơn. Cũng được cho là ưu việt hơn công ty Đ., gói dịch vụ chuyển tiền của K. không cần khách phải gửi tiền trước. “Bất cứ khi nào đại lý bên tôi báo đã nhận tiền, các anh ở đây cũng sẽ có tiền”, K. nói. 

Chuyển hàng

Sau khi tìm hiểu thị trường điện thoại ở đây, tôi cứ xuýt xoa bởi kỹ nghệ làm nhái của người Quảng Châu. Một chiếc Iphone 5 Made in Quảng Châu bao gồm vỏ và đầy đủ phụ kiện giống hàng thật của Apple đến 99,9%. Cậu Tuân đưa chiếc Iphone 5 trên tay đem so sánh với những chiếc hàng nhái ở đây thì thấy giống nhau như đúc, thật khó để phân biệt được thật giả. Ở đây không chỉ làm nhái thương hiệu của Apple mà những hãng điện thoại danh tiếng khác như Mobiado, Vertu… ra dòng nào thì các xưởng sản xuất của Quảng Châu ra dòng giống hệt nhưng với giá chưa tới 1/10.

Sau khi lượn qua khu phố chuyên về điện thoại di động, tôi và Tuân đi bộ khách sạn khi mặt trời đã đứng bóng, hai đứa đang loay hoay ở sảnh khách sạn thì vừa lúc Lan cũng vừa đi chợ về. Hình như cô nàng vẫn chưa vừa ý với một mớ “hàng hiệu” vừa mua ngày hôm qua nên nhân lúc chúng tôi đi xem điện thoại đã “ăn mảnh”.

Lan đi trên chiếc xe ba bánh màu da cam và quảy theo 2 bọc quần áo nhỏ. Có vẻ cô rất sợ sệtvì tài xế xe 3 bánh đi quá ẩu, lạng lách khủng khiếp và thậm chí phóng tốc độ cao trên vỉa hè. Ở Quảng Châu, sử dụng xe 3 bánh để đi lại và vận chuyển một khối lượng hàng vừa phải là một lựa chọn không tồi trong bối cảnh taxi ở đây khá kiêu ngạo còn giá cả thì đắt đỏ. Được biết, Quảng Châu cấm xe máy từ năm 2007 nên ngoài các phương tiện công cộng, người dân chỉ còn hai lựa chọn, hoặc xe 3 bánh, hoặc taxi.

Chiều hôm ấy, sau khi mọi thủ tục để chuyển hàng về nước đã xong xuôi, chúng tôi ra trở lại bến xe Việt Tú Nam để kịp chuyến xe đêm trở lại Bằng Tường. Tôi lúc này mới có dịp nhận thấy nhiều sự xuất hiện của tiếng Việt và người Việt quanh bến xe. Hầu như những người bán hàng quanh bến xe chừng 1km, đều ít nhiều nói được tiếng Việt. Nhiều người nói rằng, chính vì sự thuận lợi đó, người Việt sang Quảng Châu mua hàng nhiều hơn tất thảy các nước khác, chiếm phần quan trọng trong nền kinh tế “hàng chợ” của vùng này. (Còn nữa)

Trở lại Việt Nam vào sáng sớm hôm sau, mặc dù ôm theo bao lớn bao nhỏ, tay lại kéo theo 2 chiếc vali cỡ bự chứa đầy quần áo nhưng chúng tôi hầu như không gặp bất cứ sự khó khăn nào từ các bộ hải quan và biên phòng tại cửa khẩu Hữu Nghị. Mọi kinh nghiệm Tâm hỏi được trước đó (rằng nếu bị hỏi thì cứ nói thấy quần áo đẹp nên mua nhiều về làm quà) đều trở nên vô nghĩa bởi những ánh mặt thờ ơ. Chẳng ai buồn quan tâm trong những túi bọc và vali chúng tôi mang theo chứa cái gì bên trong.

Nhóm Phóng viên - CTV Pháp luật

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang