Thông tin mới nhất về bão số 2 ngày 19/7 cập nhật liên tục

author 07:58 19/07/2014

Bão số 2 - Bão Thần Sấm (Rammasun) bắt đầu đổ bộ ảnh hưởng trực tiếp tới tỉnh Quảng Ninh. Đến 6g30 vùng tâm bão đi lệch phần lớn sang Trung Quốc nhiều hơn là Móng Cái.

Sự kiện:

Nhấn F5 cập nhật liên tục

 

Bão số 2 suy yếu thành áp thấp

Trung Tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung Ương cho biết chiều nay (19/07), sau khi đi vào khu vực biên giới Việt - Trung, bão số 2 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Bão số 2 quyét qua Quảng Ninh gây đổ nhiều cây xanh (Báo Quảng Ninh)

Cụ thể hồi 14 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 22,1 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng núi Cao Bằng, Lạng Sơn. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 - 7 (tức là từ 39 đến 61 km một giờ), giật cấp 8 - 9.

Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực vùng núi phía Tây Bắc Bộ. Đến 01 giờ ngày 20/7, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 22,8 độ Vĩ Bắc; 104,7 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ chiều và tối nay còn có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7. Biển động. Ở Quảng Ninh, Lạng Sơn và Bắc Giang chiều nay còn có gió giật mạnh cấp 7 - 8. Các tỉnh vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa to đến rất to. Vùng núi Bắc Bộ có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 ở đảo Bạch Long Vĩ đã đo được gió giật mạnh cấp 9; đảo Cô Tô và Móng Cái (Quảng Ninh) có gió giật mạnh cấp 10; Quảng Hà, Tiên Yên (Quảng Ninh) có gió giật mạnh cấp 8 - 9; Mẫu Sơn (Lạng Sơn) có gió  giật mạnh cấp 9; TP. Lạng Sơn có gió giật mạnh cấp 8, Lục Ngạn (Bắc Giang) có gió giật mạnh cấp 8, … Khu vực phía Đông Bắc Bắc Bộ đã có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 30 – 50mm, một số nơi có mưa lớn hơn như: Mẫu Sơn 198mm; Đình Lập (Lạng Sơn) 107mm; Móng Cái 133mm; Tiên Yên (Quảng Ninh) 87mm; Sơn Động (Bắc Giang) 109mm,…

Cảnh báo lũ trên các sông miền Bắc 

Hồi 11 giờ ngày 19/7, vị trí tâm bão số 2 ở vào khoảng 22,0 độ Vĩ Bắc; 107,3 độ Kinh Đông, nằm ngay trên khu vực phía Bắc tỉnh Quảng Ninh. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 - 10 (tức là từ 75 đến 102 km một giờ), giật cấp 11 - 12.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km, dọc theo vùng núi Bắc Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực vùng núi phía Bắc. Đến 10 giờ ngày 20/7, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 22,8 độ Vĩ Bắc; 103,7 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ ngày hôm nay còn có gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9. Biển động mạnh. Ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh ngày hôm nay có gió mạnh cấp 7 - 8, giật cấp 10 – 11. Các nơi khác ở Quảng Ninh và Hải Phòng, Lạng Sơn có gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9. Các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ có gió giật cấp 6. Ở các tỉnh Bắc Bộ có mưa to đến rất to. Vùng núi Bắc Bộ có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất.

Cơ quan khí tượng thủy văn cũng đưa ra cảnh báo, từ ngày 19 đến ngày 22 tháng 7, trên hệ thống sông Hồng – Thái Bình có khả năng sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 2 đến 5 mét, ở hạ lưu từ 2 đến 3 mét. Trong đợt lũ này, mực nước trên sông Thao tại Yên Bái có khả năng lên trên mức báo động 2; sông Lô tại Tuyên Quang có khả năng lên mức báo động 1; mực nước ở thượng lưu sông Thái Bình lên mức báo động 1, hạ lưu tại Phả Lại có khả năng lên mức 3m, còn dưới mức báo động 1 (4 mét); sông Hồng tại Hà Nội có khả năng lên 5,5 mét, còn dưới mức báo động 1 (9,5 mét); các sông nhỏ vùng núi phía Bắc và Đông Bắc thuộc tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai có khả năng lên mức báo động 2 đến báo động 3.

Hà Nội xuất hiện mưa lớn kèm gió giật mạnh trong 1 giờ tới

Qua theo dõi trên các sản phẩm số liệu vệ tinh và radar cho thấy hệ thống mây đối lưu của cơn bão số 2 đang dịch chuyển về phía tây tây bắc. Khu vực Hà Nội đang nằm ở phía đông đông nam của hệ thống mây đối lưu này. Dự báo trong khoảng 1 giờ tới khu vực Hà Nội sẽ bắt đầu xuất hiện mưa rào và dông. Trong cơn dông đề phòng có gió giật mạnh.

Ảnh chụp mây vệ tinh tới 9h sáng ngày 19/7

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Quốc gia, tính tới 9.30 sáng 19/7, bão số 2 đang ảnh hưởng tới tỉnh Quảng Ninh, tại đảo Bạch Long Vĩ đã đo được gió giật cấp 9; đảo Cô Tô và Móng Cái (Quảng Ninh) có gió giật mạnh cấp 10; Quảng Hà, Tiên Yên (Quảng Ninh) có gió giật cấp 8 - 9; Mẫu Sơn (Lạng Sơn) có gió giật cấp 9; TP. Lạng Sơn có gió giật cấp 6, … Khu vực Đông Bắc Bắc Bộ đã có mưa to như Cô Tô: 32mm; Móng Cái: 43mm; Cửa Ông: 20mm;…

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, dọc theo vùng núi Bắc Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực vùng núi phía Bắc. Đến 07 giờ ngày 20/7, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 23,0 độ Vĩ Bắc; 104,0 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ ngày hôm nay có gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9. Biển động mạnh. Ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh sáng nay có gió mạnh cấp 7 - 8, giật cấp 10 – 11. Các nơi khác ở Quảng Ninh và các tỉnh Hải Phòng, Bắc Giang, Lạng Sơn có gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9. Các nơi khác ở đồng bằng và Đông Bắc Bắc Bộ có gió giật cấp 6. Ở các tỉnh Bắc Bộ có mưa to đến rất to. Vùng núi Bắc Bộ có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất trên diện rộng.

Dự báo, từ hôm nay đến ngày mai (20/7), lượng mưa trung bình 200-300 mm, có nơi 400-500mm. Các tỉnh miền núi phía Bắc có nguy cơ lũ quét, sạt lở trên diện rộng, nhất là các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái.

Tại cuộc họp giao ban của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương (PCLBTƯ) sáng nay (19-7), ông Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương (NCHMF) – cho biết sáng sớm nay bão số Rammasun ( Thần Sấm – bão số 2 trên biển Đông) đã đổ bộ vào đất liền phía Bắc của Móng Cái (Quảng Ninh)  giáp ranh biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Vị trí tâm bão khi vào bờ cách TP Móng Cái 20 đến 50km về phía Bắc.

Qua ảnh mây vệ tinh và quan trắc ra đa, ông Cường cho biết NCHMF nhận định khi vào bờ bão mạnh cấp 12, giật cấp 12-13.

Đến 8g sáng 19-7 vị trí tâm bão cách TP Móng Cái 20km về phía Bắc và gây gió giật cuối cấp 9 (24m/s), đầu cấp 10 ở Móng Cái và đảo Cô Tô. Gió tiếp tục mạnh dần lên cấp 10-11, giật trên cấp 12 ở phía Bắc Quảng Ninh.

Dự báo, bão số 2 tiếp tục đi sạt biên giới Việt Nam – Trung Quốc và khi đến Lạng Sơn, Cao Bằng  vẫn mạnh cấp 7, cấp 8, giật cấp 9. Cấp gió này gây nguy hiểm cho các khu dân cư, công trình ít khi chịu gió mạnh trên địa bàn 2 tỉnh này.

“Đến sáng nay, một số trung tâm khí tượng nước ngoài vẫn dự báo bão vào sâu trong đất liền 200km vẫn cấp 12-13. Có lẽ họ muốn nâng cảnh báo ở mức cao nhất, phục vụ cho cách hoạt động liên quan đến hàng không”- ông Cường nói.

Về mưa, ông Cường quan ngại trong ngày hôm nay mưa lớn tiếp tục xảy ra ở khu vực Đông Bắc rồi lan dần lên Việt Bắc và Tây Bắc với lượng mưa 200mm, có nơi cao hơn.

Đến 8g 30, đại diện Ủy ban Quốc gia TKCN cho biết thông tin từ 20 đoàn công tác của quân đội ở các đảo và địa bàn các tỉnh Đông Bắc báo về vẫn chưa ghi nhận thiệt hại  do bão gây ra.

Đảo Bạch Long Vĩ vẫn an toàn. Còn đảo Cô Tô có 99 khách du lịch, đảo Quan Lạn có hơn 170 du khách trong đó có nhiều khách nước ngoài vẫn trú ở khách sạn kiên cố. Trước đó, nhiều du khách nước ngoài không muốn về bờ vì muốn trải nghiệm bão.

8g sáng 19 – 7, gió bão kèm theo mưa lớn đã tăng cường độ mạnh hơn trên địa bàn TP. Móng Cái, nhiều cây xanh bị gió giật đổ, một số mái tôn cũng bị gió bốc bay xuống đất.

Theo cơ quan chức năng, khoảng thời gian từ 8 – 10g sáng nay là khoảng thời gian bão mạnh nhất tại Quảng Ninh. Các khách sạn trong khu vực TP. Móng Cái gia cố cửa kính bằng bao cát và cọc tre.

Kiên quyết di dời dân

Tại Nam Định, trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Phùng Hoan, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, các địa phương trong tỉnh đã hoàn tất các phương án chống bão trước 16 giờ hôm qua. Tại 3 huyện ven biển là Giao Thủy, Nghĩa Hưng và Hải Hậu có 3 đoàn công tác, mỗi đoàn do một Phó chủ tịch tỉnh dẫn đầu để chỉ đạo chống bão.

Tỉnh đã gọi 1.942 tàu thuyền về nơi trú tránh, neo buộc an toàn. Ngoài ra, hơn 881 người ở các chòi canh nuôi trồng thủy sản cũng được gọi lên bờ. Theo ông Hoan, toàn tỉnh có 16 điểm xung yếu, hiện các huyện đã bố trí phương án 4 tại chỗ ứng trực. Nam Định cũng rút nước đệm nội đồng ở mức khống chế; củng cố bờ vùng, bờ bao, kiểm tra máy móc thiết bị, hệ thống lưới điện của các trạm bơm để chủ động phòng chống ngập úng khi mưa lớn.

Trong khi đó, tại Thái Bình, ông Nguyễn Phú Nhuận, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và PCLB tỉnh cho biết, Chủ tịch tỉnh đã yêu cầu dừng các cuộc họp để tập trung chống bão, mọi công tác chuẩn bị phải xong trước 15 giờ ngày 18/7.

Theo ông Nhuận, hiện toàn tỉnh có trên 1.200 tàu thuyền (hơn 3.360 lao động) đã gọi vào khu vực neo đậu tránh bão; có 35 tàu của Thái Bình cũng đã về khu neo đậu ở tỉnh khác. Ngoài ra, một số tàu thuyền của Thanh Hóa, Bình Định, Hải Phòng đã về Thái Bình trú bão.

Thái Bình cũng yêu cầu, gọi toàn bộ dân ở các chòi ngao, đầm chính, một số khu vực nhà yếu ở ngoài đê ở hai huyện ven biển là Tiền Hải và Thái Thụy vào khu an toàn. Số dân di dời đến 18 giờ hôm qua là trên 4.700 người.

Tại Hải Phòng, theo UBND huyện Cát Hải, chiều tối 18/7, huyện đảo này đã thực hiện sơ tán hơn 1.000 dân vùng trũng tại đảo Cát Hải tới các nhà cao tầng, trụ sở trường học, cơ quan, đưa phụ nữ và trẻ em tại các lồng bè nuôi trồng thủy sản tại thị trấn Cát Bà lên bờ. Toàn bộ tàu thuyền đã được neo đậu tại nơi tránh trú an toàn, các tuyến đê kè xung yếu đã được gia cố. 

9g sáng: Liên lạc với ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Ninh, Trưởng ban phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Ninh về tình hình phòng chống cơn bão số 2, ông Hậu cho biết sức gió trên địa bàn TP. Móng Cái hiện vào khoảng cấp 7, cấp 8 kèm theo mưa lớn. Chưa có thiệt hại nào xảy ra.

Tỉnh Quảng Ninh đang tiếp tục tuyên truyền để người dân ở trong các nơi trú ẩn an toàn không ra đường nếu không cần thiết. Một số đoàn công tác sẽ đến các địa bàn trọng yếu để kiểm tra trong sáng nay.

Ông Hậu khẳng định, đến giờ phút này thì đã di dời tất cả các hộ dân trong khu vực nguy hiểm, trên toàn tỉnh Quảng Ninh đã di dời trên 7.000 hộ với hơn 27 ngàn nhân khẩu.

Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn (NCHMF) cho biết thời điểm này, một nửa bán kính vùng tâm bão đã trùm lên bờ và một nửa ở trên biển.

 

 

 

Số liệu quan trắc lúc 6 giờ tại Móng Cái (Quảng Ninh) đã có gió giật cấp 9, đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) gió giật cấp 9, Quảng Hà, Tiên Yên (Quảng Ninh) có gió giật cấp 7, đảo  Cô Tô (Quảng Ninh) có gió giật cấp 8.

Dự báo trong vòng 1 giờ nữa tâm bão sẽ hoàn toàn đổ bộ lên đất liền biên giới Việt – Trung.

NCHMF cho biết ghi nhận lúc 4 giờ sáng 19-7, tâm bão số 2 ở vào khoảng 21,5 độ vĩ Bắc -108,9 độ kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 - 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 15 - 16.

Bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc với tốc độ 20km/giờ và tiến vào khu vực biên giới Việt - Trung với cường độ mạnh cấp 10 - 11, giật cấp 13 - 14, sau đó bão đi sâu vào đất liền và suy yếu dần.

Sinh hoạt ngừng trệ

Từ 3g sáng 19-7, gió đã bắt đầu thổi mạnh trên địa bàn thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) kèm theo mưa lớn.

Cán bộ trực phòng, chống bão tại UBND TP Móng Cái khẳng định trong đêm những hộ dân cuối cùng ở trong các khu vực nguy hiểm đã được di dời, tuy nhiên cơ quan chức năng sẽ tiếp tục theo dõi và kịp thời có các biện pháp cần thiết.

Từ trong đêm 18-7, rạng sáng ngày 19-7, TP Móng Cái đã cho một số ôtô lưu động đi phát loa thông báo về báo số 2 và các chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan chức năng.

Theo quan sát của phóng viên Tuổi trẻ, các sinh hoạt công cộng thường ngày của thành phố đã ngừng trệ, đường phố hầu như không có phương tiện giao thông và người qua lại.

Tại bãi biển Trà Cổ, cách trung tâm thành phố Móng Cái khoảng 10 km, có gió thổi mạnh và mưa dày hạt, tuy nhiên sóng biển không dâng cao.

Mưa to đến rất to

Dự báo đến 16 giờ ngày 19-7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 22,2 độ vĩ Bắc - 106,7 độ kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74km một giờ), giật cấp 9 - 10.

Tiếp đó, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, dọc theo vùng núi Bắc Bộ và tiếp tục suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực vùng núi phía Bắc.

 

 

 

 

Do ảnh hưởng của bão ở các tỉnh Bắc Bộ có mưa to đến rất to. Vùng núi Bắc Bộ có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất trên diện rộng.

Trước đó, từ khoảng 1g sáng 19-7, tại huyện đảo Bạch Long Vỹ, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện cho biết đã xuất hiện gió cấp 6 giật trên cấp 6 hướng tây tây bắc, bắt đầu có mưa rào.

Hà Nội: Rau xanh cháy hàng

Tại chợ Hoàng Mai, chiều 18/7, người dân đổ xô mua thực phẩm dự trữ khiến mặt hàng rau củ quả cháy hàng. Đến chiều tối, nhiều người đã phải về không.

Chị Thanh, một tiểu thương tại chợ Hoàng Mai cho biết, do người dân mua thực phẩm tích trữ chống bão số 2 nên mới chỉ gần 6h, các loại rau xanh đều cháy hàng. Lâu nay người Hà Nội có tâm lý tích trữ thực phẩm trước mưa bão nên mặc dù sáng nay chị có nhập hàng nhiều hơn mọi hôm nhưng không ngờ bán chạy đến thế. Sức mua thực phẩm để tích trữ của người dân tăng vọt. Các mặt hàng như rau muống, rau ngót, mồng tơi, rau dền đều sạch sành sanh. Hiện tại quầy hàng chỉ lác đác cà, dưa chuột, đậu...

Chị Thương ở Trương Định than thở: “Thấy hôm nay thời tiết vẫn chưa có thay đổi gì nên chủ quan không mua thực phẩm từ sáng. Đến chiều nay thấy mọi người tay xách nách mang mới tá hỏa đi chọn đồ thì quầy nào cũng hết". Chị Thương chỉ kịp mua ít thịt lợn, vài bó rau, cân khoai tây, hi vọng sáng mai bão đổ bộ muộn để kịp mua thêm ít thực phẩm. "Sợ nhất là tình trạng sau mưa bão rau xanh lại tăng giá gấp 3-4 lần” - chị Thương nói.

Không chỉ mặt hàng rau xanh mà thịt, cá cũng bán rất chạy. Chị Lan, một tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại chợ Bách Khoa cho biết, bình thường mỗi người chỉ lấy vài ba lạng thì nay tăng lên gấp đôi, gấp ba lần. 

Mặc dù đắt hàng nhưng ghi nhận của PV, giá cả các mặt hàng rau củ quả vẫn giữ nguyên. Cụ thể rau muống 6.000 đồng/mớ, rau ngót 3.000 đồng/mớ, mồng tơi 4.000 đồng/mớ, rau dền 4.000 đồng/mớ, cải ngọt 15.000 đồng/kg, mướp 15.000 đồng/kg, khoai tây 15.000 đồng/kg, khoai sọ 30.000 đồng/kg, bí 15.000 đồng/kg.

Ngoài ra các mặt hàng như thịt gà, thịt lợn, trứng vẫn giữ giá ổn định. Cụ thểt, sườn ngon 100.000 đồng/kg, ba chỉ 90.000 đồng/kg, nạc thăn 100.000 đồng/kg, trứng vịt 35.000 đồng/chục, trứng gà công nghiệp 25.000- 30.000 đồng/chục.

Nhấn F5 để cập nhật tin bão số 2 liên tục

 


 

 

Phong Đan (tổng hợp Theo TTO - Tienphong- Infonet)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang