Tình hình Biển Đông mới nhất: Chính sách đối ngoại của Trung Quốc ở Biển Đông là “thảm họa”

author 06:23 06/08/2014

(VietQ.vn) - Theo tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông, trước chính sách đối ngoại mang tính khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông, Nhật Bản tỏ ý quan ngại về nguy cơ một cuộc chiến tranh trong khu vực.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Thảm họa với chính sách đối ngoại của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông

Những thông tin mới nhất về tình hình Biển Đông hôm nay cho hay, trong một bài viết đăng trên tờ National Interest vào ngày 5/8, chuyên gia Bill Hayton nhận định, dù nhìn nhận dưới góc độ nào thì cuộc phiêu lưu mang tên giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc gần đây trên Biển Đông cũng đã trở thành thảm họa với chính sách đối ngoại của nước này. 

Trong bài viết của mình, tác giả Hayton bàn về việc giàn khoan Hải Dương 981 kết thúc cuộc phiêu lưu của mình sớm hơn tuyên bố ban đầu một tháng, khi đối mặt với sự xuất hiện của cơn bão Rammasun. Trung Quốc tuyên bố rằng, giàn khoan này đã tìm thấy hydrocarbon nhưng lại không nêu được đánh giá chi tiết về trữ lượng. Gần như chắc chắn rằng, họ sẽ không bao giờ khai thác được ở vị trí này với cả hai lý do kỹ thuật và chính trị.

Tình hình Biển Đông mới nhất: Giàn khoan Hải Dương 981 bị coi là “thảm họa” trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc

Tình hình Biển Đông mới nhất: Giàn khoan Hải Dương 981 bị coi là “thảm họa” trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Ảnh minh họa

Qua sự việc giàn khoan, ASEAN cũng đã thể hiện sự thống nhất khi ra một tuyên bố chung có hiệu lực để phản đối hành động của Bắc Kinh. Đây là lần đầu tiên tổ chức khu vực này thống nhất cao như thế. 

Một số nhà bình luận cho rằng, các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông vừa qua là một quá trình lấn chiếm dần bằng các bước đi nhỏ mà không thu hút quá nhiều phản ứng. Tuy nhiên, nếu đó là mục đích của Bắc Kinh thì đến nay nó cũng đã thất bại với sự rút lui của giàn khoan Hải Dương 981. Trung Quốc có thể nghĩ rằng, một tuyên bố kiểm soát hàng hải sẽ tăng cường yêu sách chủ quyền của họ ở Biển Đông, nhưng phản ứng mạnh mẽ của Việt Nam đã dội gáo nước lạnh cho tuyên bố của nước này. 

Tác giả Bill Hayton đã đi đến kết luận, bất cứ điều gì Trung Quốc hy vọng có thể đạt được trong vụ giàn khoan Hải Dương 981 như tìm kiếm dầu, mở rộng chủ quyền trên biển hoặc chiến lược dài hạn cuối cùng đều chẳng đạt được gì.

Nhật Bản lo ngại hành động của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông có thể gây ra chiến tranh khu vực

Theo những thông tin mới nhất trên báo chí cho thấy, chính phủ Nhật vừa công bố sách trắng quốc phòng năm 2014, trong đó cảnh báo “các hành động nguy hiểm” trong các tranh chấp chủ quyền tại biển Hoa Đông của Trung Quốc có thể dẫn đến “những hậu quả khôn lường” trong khu vực.  

Hãng AFP đưa tin, tài liệu quốc phòng thường niên được chính quyền Thủ tướng Nhật Shinzo Abe thông qua vào ngày 5/8 này chỉ trích động thái đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại biển Hoa Đông hồi cuối năm 2013.

Cũng trong sách trắng vừa công bố, Tokyo còn đề cập đến việc Bắc Kinh tăng chi tiêu quốc phòng lên gấp 4 lần trong 10 năm qua. Tài liệu dày 505 trang này khẳng định việc “Nhật quan ngại sâu sắc trước sự thành lập ADIZ tại biển Hoa Đông. Đây là một hành động nguy hiểm khiến căng thẳng leo thang và có thể gây ra những hậu quả khôn lường” trong khu vực.

Tình hình Biển Đông thời gian qua luôn căng thẳng bởi các hoạt động gây hấn của Trung Quốc

Tình hình Biển Đông thời gian qua luôn căng thẳng bởi các hoạt động gây hấn của Trung Quốc. Ảnh minh họa

Cụ thể, Trung Quốc đã thường xuyên cho tàu hải giám và máy bay đi vào vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nơi đang có tranh chấp chủ quyền với Nhật. Ngoài ra, hồi đầu tháng 5, Bắc Kinh cũng đã kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào hoạt động trái phép trong phạm vi Biển Đông Việt Nam.

Phát biểu về điều này, nhiều chuyên gia nhận xét trong các tranh chấp về quyền lợi biển, Trung Quốc đã dùng đến các biện pháp hung hăng, chẳng hạn như cố làm thay đổi hiện trạng bằng dọa nạt … điều này trái với luật pháp quốc tế. Những biện pháp này bao gồm các hành động nguy hiểm có thể gây ra những hậu quả khôn lường và làm gia tăng lo ngại về định hướng của chính phủ Trung Quốc trong tương lai.

Trung Quốc lo sợ trước thông tin Nhật mua tàu đổ bộ tấn công 4 vạn tấn của Mỹ

Trước những hành động khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông, báo chí đưa tin chính phủ Nhật Bản đã quyết định mua 1 tàu đổ bộ tấn công hạng nặng 4 vạn tấn của Mỹ, dự kiến sẽ chính thức đưa vào sử dụng năm 2019.

Một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, chiếc tàu đổ bộ tấn công hạng nặng mà lực lượng phòng vệ nước này đặt mua thuộc lớp “Wasp”. Được biết, tàu đổ bộ tấn công hạng nặng 40.000 tấn lớp “Wasp” có chiều dài 258m, lượng giãn nước khi đầy tải là 41.300 tấn, thủy thủ đoàn 2.500 người. Đây là loại tàu tích hợp đa chức năng của các loại tàu đổ bộ tấn công, tàu đổ bộ máy bay trực thăng, tàu đổ bộ ụ tàu (tàu dock), tàu vận tải đổ bộ, tàu bệnh viện…

Tình hình Biển Đông căng thẳng buộc các nước trong khu vực phải tăng cường sức mạnh quân sự

Tình hình Biển Đông căng thẳng buộc các nước trong khu vực phải tăng cường sức mạnh quân sự. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, tàu đổ bộ tấn công “Makin Island” lớp “Wasp” của Mỹ  còn sử dụng hệ thống động cơ hỗn hợp, có khả năng mang theo 45 chiếc trực thăng CH-46E “Sea Knight”, 6 chiến đấu cơ cất cánh trên đường băng ngắn - hạ cánh thẳng đứng kiểu AV-8Bs “Sea Harrier”, máy bay vận tải cánh quạt nghiêng MV-22 Osprey cùng các loại xe tăng, xe bọc thép, xe vận tải… Tàu được trang bị hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng MK57, hệ thống phóng tên lửa điều khiển MK31, trên tàu được bố trí 6 phòng giải phẫu, phòng chăm sóc đặc biệt 17 giường cùng 47 giường bệnh thông thường.

Hiện Nhật đang tăng cường khả năng tác chiến đổ bộ để bảo vệ chủ quyền, đặc biệt là những cụm đảo xa phía tây nam (ví dụ như Senkaku/Điếu Ngư). Ngoài việc mua tàu đổ bộ lớp Wasp, Nhật đã tự đóng và hạ thủy 1 chiếc tàu đổ bộ tấn công lớp 22DDH (mang số hiệu DDH-183 Izumo) và đang khởi đóng 1 chiếc khác.

Điểm đặc biệt là cả 2 loại tàu đổ bộ này đều có khả năng mang theo các máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5, phiên bản cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng F-35B. Với 2 lớp tàu đổ bộ khủng này, lực lượng đổ bộ đánh chiếm đảo của Nhật vừa có khả năng kiểm soát không phận biển Hoa Đông, vừa có khả năng tấn công vào lục địa quân địch, vừa có khả năng đổ bộ đánh chiếm đảo.

Vì vậy, thông tin này sẽ khiến người Trung Quốc cảm thấy lo lắng.

Minh Thùy (tổng hợp)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang