Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam-Trung Quốc bàn về tình hình Biển Đông

author 17:53 27/03/2016

(VietQ.vn) - Trong hội đàm sáng 27/3, Bộ trưởng Quốc phòng Việt - Trung đã thẳng thắn trao đổi về ảnh hưởng của tình hình Biển Đông hiện nay đến quan hệ hai nước.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông hiện nay trên báo Người Lao Động, sáng nay 27/3, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đã chủ trì lễ đón chính thức Thượng tướng Thường Vạn Toàn, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc và các thành viên đoàn sang thăm hữu nghị chính thức nước ta tại trụ sở Bộ tại Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn đang có chuyến thăm hữu nghị chính thức nước ta từ ngày 26 – 28/3 theo lời mời của Đại tướng Phùng Quang Thanh, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Sau lễ đón trọng thể, Đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng hai nước do Bộ trưởng Phùng Quang Thanh và Thường Vạn Toàn làm Trưởng đoàn đã hội đàm.

Tình hình Biển Đông là một trong những nội dung chính trong cuộc hội đàm giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam – Trung Quốc

Tình hình Biển Đông là một trong những nội dung chính trong cuộc hội đàm giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam – Trung Quốc. Ảnh NLĐO

Tại buổi hội đàm, hai Bộ trưởng đã trao đổi về quan hệ hai nước, hai quân đội và nhất trí cho rằng, về tổng thể quan hệ hai nước đang phát triển tích cực, hợp tác quốc phòng những năm qua được duy trì và đạt hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, trên tinh thần xây dựng, hai Bộ trưởng đã thẳng thắn trao đổi về vấn đề tranh chấp trên biển ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước.

Hai bên nhấn mạnh cần tiếp tục xử lý thỏa đáng thông qua đàm phán hòa bình, hữu nghị; căn cứ chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, nỗ lực tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được; nghiêm chỉnh tuân thủ thỏa thuận và nhận thức chung mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được; thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần của “Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông” (DOC), tiến tới xây dựng “Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông” (COC).

Từ đó tiến tới xây dựng Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đóng góp vào việc phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, góp phần duy trì, hòa bình và ổn định cho khu vực.

Hai bên nhất trí quân đội hai nước phải bình tĩnh, kiềm chế, kiểm soát tốt tình hình Biển Đông, không đe dọa sử dụng vũ lực, không để xảy ra xung đột, cùng giữ gìn hòa bình, ổn định, hợp tác và lợi ích của hai nước, khu vực và thế giới; đồng thời tăng cường hợp tác thực chất, hiệu quả, ổn định và bền vững, qua đó tiếp tục khẳng định hợp tác quốc phòng là một trong những trụ cột của mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữ hai nước.

Hai Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Trung Quốc nhất trí không đe dọa sử dụng vũ lực ở Biển đông

Hai Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Trung Quốc nhất trí không đe dọa sử dụng vũ lực ở Biển đông. Ảnh NLĐO

Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay, trung tâm nghiên cứu Trung Quốc Đông Nam Á về Biển Đông (CSARC) đã chính thức ra mắt hôm 25/3 bên lề diễn đàn Bác Ngao được tổ chức hàng năm ở tỉnh Hải Nam (Trung Quốc), báo Thanh Niên dẫn tin từ tờ The Straits Times cho hay ngày 27/3.

Trung tâm được thành lập bởi Viện nghiên cứu quốc gia Trung Quốc (NISCSS) và Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược của Indonesia. Trung tâm này được quảng bá sẽ "tăng cường thay đổi học thuật và thể chế, đẩy mạnh hoạt động giữa các nước nhằm duy trì hòa bình và ổn định chung trong khu vực", theo Tân Hoa xã.

Bà Yan Yan, Phó giám đốc trung tâm nghiên cứu chính sách và luật biển thuộc NISCSS, cho biết CSARC sẽ quy tụ những cơ quan nghiên cứu và tư vấn ở Trung Quốc và Đông Nam Á. "Chúng tôi bắt đầu với hai tổ chức nhưng muốn nhắm đến và mời các chuyên gia, nhà nghiên cứu Singapore tham gia trong tương lai, Singapore có nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này", bà Yan Yan nói với Sunday Times.

Được biết Singapore, Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Lào và Myanmar là các nước không có tranh chấp ở Biển Đông. Trong khi đó, ông Wu Shicun, Chủ tịch NISCSS, một viện cấp quốc gia liên kết giữa Bộ Ngoại giao với Cục Hải dương Trung Quốc, cho biết trung tâm sẽ tạo nền tảng thảo luận các vấn đề trên Biển Đông và đó là mô hình hợp tác nghiên cứu hàng hải giữa các nước trong khu vực.

Trung Quốc tuyên bố thành lập trung tâm nghiên cứu Biển Đông với Indonesia

Trung Quốc tuyên bố thành lập trung tâm nghiên cứu Biển Đông với Indonesia. Ảnh Reuters

Tờ The Straits Times cho rằng trung tâm mới này, tuy mang tiếng quy tụ chuyên gia khu vực, nhưng chỉ nhằm phục vụ cho mục tiêu ủng hộ những yêu sách chủ quyền vô lý của Bắc Kinh ở Biển Đông. Trung Quốc và Indonesia đang có xung đột mới phát sinh từ vụ đụng độ tàu hải cảnh hồi tuần trước ở Biển Đông.

Trong khi vụ đụng độ chưa có hướng giải quyết, Bắc Kinh gửi tàu chiến đến Indonesia để dự một cuộc tập trận quy mô lớn vào tháng 4/2016 với sự tham gia của 12 quốc gia, trong đó có Mỹ và Nga, ở ngoài khơi Sumatra. Trung tâm nghiên cứu Biển Đông này cũng được thành lập trong bối cảnh Bắc Kinh đang cấp tập quân sự hóa ở Biển Đông, bất chấp sự phản đối và quan ngại của cộng đồng quốc tế.

Minh Thùy (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang