Mỹ dốc tiền cho quốc phòng để cản bước Trung Quốc ở Biển Đông

author 18:00 04/02/2016

(VietQ.vn) - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố Washington cần chi nhiều hơn để ứng phó các biến động an ninh, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông hiện nay trên báo Kiến Thức, Lầu Năm Góc cho biết kế hoạch chi tiêu quốc phòng đầy tham vọng của Mỹ trong năm 2017 một phần được thôi thúc bởi những hành động hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hôm 2/2 thẳng thắn cho biết, Lầu Năm Góc cần chi mạnh tay hơn vào các vũ khí công nghệ cao nhằm kiềm chế Trung Quốc giữa bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông gia tăng.

Mỹ dự tính tăng ngân sách quốc phòng để kiềm chế Trung Quốc trong bối cảnh tình hình Biển Đông hiện nay

Mỹ dự tính tăng ngân sách quốc phòng để kiềm chế Trung Quốc trong bối cảnh tình hình Biển Đông hiện nay. Ảnh indianexpress.com

Để đối phó sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, bao gồm tên lửa tiêu diệt tàu chiến và chiến tranh trên mạng, ngân sách quốc phòng đang được đề nghị của Mỹ cho năm 2017 sẽ bao gồm những khoản chi tiêu khá tốn kém lên tới 582,7 tỷ USD về an ninh trên không gian mạng, hỏa lực mạnh hơn cho tàu ngầm, tàu điều khiển bằng robot cũng như tên lửa đánh chặn mới trên tàu chiến, báo Thanh Niên theo Foreign Policy.

Bên cạnh đó khi phát biểu về tình hình Biển Đông hiện nay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết chính sách đối ngoại mà Trung Quốc đang sử dụng ở Biển Đông như xây dựng đảo nhân tạo phi pháp, đóng tàu chiến và xây cảng nước sâu khiến nhiều nước trong khu vực  "xa lánh" nước này. Tuy nhiên đó là cơ hội tốt cho Washington thắt chặt hơn mối quan hệ với đồng minh cũ và với cả đối tác mới.

Khi được hỏi về cuộc tuần tra của tàu khu trục USS Curtis Wilbur hồi tuần qua áp sát đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đang bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp), Bộ trưởng Carter cho biết nước Mỹ "phải phản ứng” và “sẽ tiếp tục bay, điều tàu và hoạt động trên vùng biển quốc tế theo định kỳ” bất chấp phản ứng của Bắc Kinh.

“Chúng tôi phải phản ứng. Chúng tôi sẽ máy bay bay qua, cho tàu di chuyển và hoạt động ở các nơi mà luật pháp quốc tế cho phép”, ông Carter phát biểu trong cuộc họp báo công bố về kế hoạch chi tiêu đề xuất dành cho quốc phòng trong năm tài khóa 2017.

Tàu USS Curtis Wilbur được triển khai vào khu vực quanh đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Biển Đông Việt Nam

Tàu USS Curtis Wilbur được triển khai vào khu vực quanh đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Biển Đông Việt Nam. Ảnh USNavy

Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay trên báo Dân Trí, phát biểu với các phóng viên quốc tế ngày 3/2, một quan chức cao cấp Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố thượng đỉnh với lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mà Tổng thống Barack Obama tổ chức trong tháng này không nhằm mục đích chống Trung Quốc.

 Theo đó Tổng thống Obama sẽ tổ chức thượng đỉnh với lãnh đạo ASEAN vào ngày 15 - 16/2 tại khu nghỉ dưỡng Sunnylands, bang California (Mỹ). Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á Daniel Russel cho biết: “Thượng đỉnh này không nhằm chống Trung Quốc, mà bàn về quan hệ Mỹ - ASEAN. Thượng đỉnh tập trung vào việc tổng kết 7 năm đầu tư của Mỹ vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt khu vực ASEAN”.

“Tôi cho rằng điều này cho thấy chính sách tái cân bằng của chính quyền Tổng thống Obama đã đạt tầm cao mới tính từ năm 2009”, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Russel nhấn mạnh. Giới quan sát quốc tế nhận định, thời gian này chính quyền Mỹ đang chú trọng vào việc tăng cường quan hệ với ASEAN, một đối trọng đối với Trung Quốc với tư cách là một cường quốc trong khu vực.

Trong bối cảnh một số quốc gia ASEAN có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ tuyên bố không đứng về phía nào nhưng nhấn mạnh quyền tự do hàng hải và hàng không cần phải được đảm bảo.

Giới chức Mỹ cho biết Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN không nhằm chống Trung Quốc ở Biển Đông

Giới chức Mỹ cho biết Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN không nhằm chống Trung Quốc ở Biển Đông. Ảnh Bangkokpost

“Những thách thức tại khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là tranh chấp chủ quyền về các cấu trúc địa lý và chủ quyền hàng hải trên Biển Đông, không phải là một cuộc chơi có tổng bằng 0. Đây không phải là cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc”, ông Russel nói.

“Thách thức trực tiếp là liệu các quốc gia trong khu vực và các bên liên quan có cùng tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, đặc biệt là Trung Quốc, có tuân thủ các nguyên tắc và luật pháp quốc tế hay không. Châu Á không phải là nơi cạnh tranh giữa các siêu cường”, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Russel nhấn mạnh.

Thanh Huyền (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang