Tình hình Biển Đông ngày 20/8: Trung Quốc dùng tàu cá để bành trướng ở Biển Đông

author 07:23 20/08/2014

(VietQ.vn) - Tình hình Biển Đông tiếp tục căng thẳng, giới chuyên gia nhận định rằng, việc Trung Quốc sử dụng dùng tàu cá để bành trướng và bảo vệ các tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông dường như là không thể ngăn chặn được.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Thủ đoạn nham hiểm này của Bắc Kinh tuy không phải mới mẻ nhưng rất lợi hại. Trong một ví dụ mới nhất, hồi tháng 5 vừa qua, khi Trung Quốc ngang ngược hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Bắc Kinh đã huy động hơn 70 tàu cá làm thành vòng ngoài bảo vệ hoạt động trái phép của giàn khoan 981, đồng thời cản phá, quấy rối lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam.

tàu cá TQ tại Biển Đông

Tình hình biển Đông tiếp tục căng thẳng khi TQ dùng tàu cá để bành trướng tại Biển Đông. Ảnh minh họa

"Các tàu cá là công cụ tuyệt vời cho chính phủ Trung Quốc, nơi mọi thứ đều nằm dưới sự kiểm soát của họ", ông Sam Tangredi, tác giả cuốn sách "Cuộc chiến chống tiếp cận", nhận định.

Việc điều các tàu cá với số lượng lớn nhằm bao vây một khu vực tranh chấp hoặc tạo ra một chướng ngại vật để ngăn chặn sự tiếp cận của các tàu tuần duyên hoặc hải quân các nước giúp không tạo ra hình ảnh tiêu cực trên các phương tiện truyền thông như sự quấy nhiễu của các tàu chiến."Cứ như thể đó là một cuộc biểu tình hòa bình tự phát do những người theo chủ nghĩa dân tộc tổ chức... Gần giống một hành động phản đối không bạo lực", ông Tangredi nói.

Còn ông Dean Cheng, một chuyên gia về quân sự Trung Quốc tại Quỹ Heritage, cho hay chiến lược đó đặt Nhật Bản, Philippines, Việt nam và hải quân Mỹ vào thế khó.

Làm thế nào để đối phó với lực lượng trên danh nghĩa là dân sự? Sử dụng vũ lực sẽ không nhận được sự ủng hộ chính trị trên thế giới vì việc làm đó bị xem là làm gia tăng căng thẳng khi tấn công các dân thường. Nếu không làm gì thì sẽ mất chủ quyền và sự kiểm soát hành chính."Một khía cạnh quan trọng trong chiến lược của Trung Quốc là tạo ra các tình huống khó khó xử để khiến đối phương phải rút lui, để tránh phải đối mặt với những phương án khó khăn như vậy. Và như vậy là Trung Quốc đã thắng", ông Cheng nói.

Việt Nam đã phải đối phó với nhiều tình huống tương tự khi Trung Quốc xua tàu cá ra vòng ngoài bảo vệ hoạt động bất hợp pháp của giàn khoan Hải Dương 981. Người Việt Nam có rất ít cơ hội chống lại các "ngư dân" Trung Quốc dày dặn kinh nghiệm. Điều đó đã thể hiện rõ qua vụ tàu cá Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Việt Nam hôm 27/5.

Mặc dù vậy, thủ đoạn này của Trung Quốc không phải là mới. Bắc Kinh từng sử dụng chiêu bài này với vùng lãnh thổ Đài Loan như một hình thức đe dọa ngay sau khi ông Trần Thủy Biển – người có quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh, đắc cử Tổng thống Đài Loan. Bộ Quốc phòng Đài Loan khi đó đã ghi nhận có khoảng 1.000 “tàu cá” Trung Quốc chen chúc bao vây quanh đảo Mã Tổ và Kim Môn. Các "tàu cá" này đều có vỏ thép với tải trọng khoảng 100 tấn.

Chuyên gia Cheng cho hay đội tàu cá số lượng lớn của Trung Quốc là một cách thức tuyệt vời để thu thập thông tin tình báo mà không tốn kém. Với hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu và sử dụng các đài phát thanh, Trung Quốc có thể theo dõi liên tục một khu vực rộng lớn.

Trong khi đó, ông Tangredi cho rằng, Bắc Kinh đã rất nham hiểm khi sử dụng tàu cá để tiến hành một cuộc “phong tỏa mini” ở các vùng biển. Nếu một tàu cá của Trung Quốc bị chìm trong cuộc va chạm với tàu quân sự đối phương, truyền thông Trung Quốc sẽ lập tức vào cuộc và biến tàu cá của họ thành nạn nhân.

Chắc chắn, tới đây, Bắc Kinh sẽ tiếp tục sử dụng các tàu cá như là công cụ thực hiện tham vọng bành trướng lãnh thổ và vơ vét tài nguyên trên các vùng biển.

V.A (tổng hợp)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang