Tình hình biển Đông ngày 3/6: Biển đông dậy sóng nghị trường

author 08:46 03/06/2014

Những lời nồng nàn, nhiệt huyết trong phần lớn các ý kiến phát biểu đều hướng về biển Đông, nơi chủ quyền của Tổ quốc đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi các hành vi khiêu khích, bạo lực từ phía Trung Quốc.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Tin tức trên Báo Tuổi trẻ, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) bày tỏ đồng tình đặc biệt với sự thể hiện của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về vấn đề biển Đông trong thời gian qua và nhấn mạnh: “Dứt khoát bảo vệ toàn vẹn giang sơn đất nước mà cha ông để lại. Dứt khoát không chịu hèn, chịu nhục, không bán mình cho quỷ dữ và không đẩy nhân dân của chúng ta vào chốn hòn tên mũi đạn chiến tranh”. Lời của ông Nam cũng là lời của nhiều đại biểu khi phát biểu tại nghị trường Quốc hội được truyền thanh, truyền hình trực tiếp đến toàn dân.

Toàn dân tộc tạo thành một làn sóng

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cho rằng chúng ta phải nhận thức sâu sắc là sự xâm lấn truyền kiếp của nước láng giềng thật khó thay đổi. Mỗi khi đất nước bị xâm lăng thì lòng yêu nước nồng nàn lại kết dân ta thành làn sóng, sự hung hăng lấn tới của Trung Quốc càng nhiều thì chắc rằng lòng yêu nước càng trỗi dậy mạnh mẽ. Trước tình hình đó, chúng ta phải bình tĩnh, sáng suốt nâng cao cảnh giác, không mắc bẫy chủ nghĩa bá quyền để chúng dễ bề gặm nhấm biển đảo, tiến tới độc chiếm biển Đông. Không để phần tử xấu lợi dụng tình hình kích động gây rối, làm phức tạp an ninh chính trị, không để các loại tội phạm lợi dụng khó khăn về kinh tế để đục nước béo cò.

“Quan tâm, lo lắng, phẫn nộ, bất bình và lên án hành vi ngang ngược, bất chấp đạo lý, nhân nghĩa láng giềng, trắng trợn của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam” - đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho đó là mối quan tâm hằng ngày, hằng giờ trong hơn một tháng qua của mọi người Việt Nam. Ông bày tỏ xúc động trước hình ảnh những cựu chiến binh có nguyện vọng sẵn sàng ra Hoàng Sa sát cánh cùng cảnh sát biển, kiểm ngư, những em nhỏ dành khoản tiết kiệm để đóng góp cho chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông” và đã có 850.000 tin nhắn góp sức bảo vệ biển đảo quê hương...

Nhắc lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước, đó là truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”, đại biểu Học đề nghị: “Đại biểu Quốc hội chúng tôi trân trọng và thiết tha đề nghị Quốc hội ra lời kêu gọi toàn dân phát huy truyền thống quý báu theo lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ra sức thi đua lao động sản xuất và công tác, toàn dân tộc đoàn kết một lòng sát cánh cùng Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.

Thắt lưng buộc bụng cho “tuyến đầu”

“Thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng, nghiêm cấm mua xe công, hạn chế tối đa hội nghị, hội họp, lễ hội, giảm thiểu tối đa các đoàn ra nước ngoài. Tôi cũng hứa từ nay đến hết nhiệm kỳ này, nếu trời để sống tôi cũng không đi nước ngoài nữa” - đại biểu Đỗ Văn Đương bày tỏ. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thông báo đã gửi xin ý kiến đại biểu về việc “dành 16.000 tỉ đồng cân đối trong ngân sách năm 2013 để chi cho cảnh sát biển, chi cho lực lượng kiểm ngư và chi để hỗ trợ bà con ngư dân đánh bắt xa bờ, đáp ứng được tình hình thực tế đặt ra trong bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam”. Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng cắt từ ngân sách 16.000 tỉ đồng dành cho tình hình hiện nay trên biển Đông là chưa đủ, Quốc hội nên cắt phần lớn tất cả khoản chi thường xuyên không nằm trong lương và trợ cấp xã hội, những kiểu như giao tế, tiếp khách, mua sắm, đi lại...

Theo ông Lê Nam, Chính phủ đã quyết định những chính sách mới hỗ trợ ngư dân, đó là quyết sách rất quan trọng, nhất là trong tình hình hiện nay hằng ngày chúng ta đang chứng kiến khí phách của ngư dân bảo vệ chủ quyền biển đảo. Trong khi còn khó khăn, Chính phủ đã dự kiến dành ra 16.000 tỉ đồng để tăng cường khả năng chiến đấu của cảnh sát biển, kiểm ngư. Dành 10.000 tỉ đồng cho ngư dân vay với lãi suất cực kỳ ưu đãi 3%/năm và được mang chính con tàu ấy làm vật thế chấp. Những ước mơ, khao khát của ngư dân đã lâu lắm rồi giờ mới có khả năng được đáp ứng. Tuy nhiên, ông Nam đề nghị cùng với quyết sách mới thì công tác chỉ đạo của Chính phủ phải quyết liệt. “Bóng ma của các dự án đánh bắt xa bờ từ những năm 1990 vẫn còn lởn vởn” - đại biểu Nam nhắc lại và đề nghị Chính phủ “theo dõi chặt chẽ việc thực hiện chính sách dành cho ngư dân, ngăn chặn kịp thời việc ăn chặn của ngư dân”.

“Với quyết sách trên đây thì ngư dân sẽ có điều kiện bám biển. Ngư dân ở nhiều tỉnh miền Trung đang cần những con tàu sắt, tàu lớn để đánh bắt xa bờ, cần tàu lớn làm dịch vụ hậu cần nghề cá để bám ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa và vươn ra đại dương làm giàu cho Tổ quốc” - đại biểu Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai) bày tỏ sự ủng hộ tuyệt đối với các phát biểu của Thủ tướng và quyết sách của Chính phủ về tình hình biển Đông.

 

 

Giảm bớt lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc

Cũng theo tin nhanh trê tờ báo này, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) nói rằng, tổ tiên ta hiểu rằng khi buộc phải thường xuyên đương đầu với tranh chấp, xung đột lãnh thổ thì sự lệ thuộc về kinh tế sẽ là điểm yếu chí tử của đất nước. “Đây là bài học lớn có tính nguyên tắc, nhưng hình như hiện nay chúng ta chưa thuộc lòng bài học đó” - ông Đáng nói. Theo ông, trong thời đại hội nhập kinh tế toàn cầu, các nền kinh tế đương nhiên phụ thuộc vào nhau để cùng chia sẻ các chuỗi giá trị, nhưng lệ thuộc kinh tế thì cực kỳ nguy hiểm. Các số liệu chính thức lại cho thấy kinh tế nước ta đang lệ thuộc nặng nề vào nước láng giềng phương Bắc cả về nguyên liệu, vật tư phụ trợ cho sản xuất công nghiệp cũng như về thị trường tiêu thụ nông sản. Lệ thuộc về kinh tế như vậy thì khó tránh khỏi các lệ thuộc khác, hoàn toàn bất lợi trong mọi tranh chấp xung đột chủ quyền ở hiện tại và tương lai gần hay xa.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết hiện nay Việt Nam có quan hệ xuất nhập khẩu với trên 180 nước và vùng lãnh thổ, trong đó tập trung vào một số đối tác chính như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, ASEAN và Trung Quốc. Trong năm 2013, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu (hơn 10 tỉ USD), nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm khoảng 23% tổng kim ngạch nhập khẩu (hơn 30 tỉ USD). “Xác định Trung Quốc là một đối tác quan trọng, tuy nhiên chúng ta cũng đã nhận thức nhiều năm qua trong quan hệ thương mại với Trung Quốc việc ta luôn nhập siêu là một quan tâm của tất cả các cấp, các ngành. Từ nhiều năm trước đây, Chính phủ đã chỉ đạo tìm mọi biện pháp để cải thiện cán cân thương mại với Trung Quốc. Gần đây nhất, trong năm 2013 đã ký ba hiệp định với Trung Quốc theo tinh thần Trung Quốc tăng cường nhập khẩu nông sản của Việt Nam và tiến tới sẽ ký thỏa thuận hợp tác thương mại gạo” - ông Hoàng cho biết.

Trước đó, đại biểu Vũ Tiến Lộc - chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho rằng các hiệp định thương mại tự do không chỉ mở ra cơ hội phát triển, mà còn giúp Việt Nam giảm bớt và thoát khỏi tình trạng lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Cụ thể như 50-60% nguyên phụ liệu “đầu vào” cho ngành dệt may nhập từ thị trường Trung Quốc, 90% hợp đồng EPC (hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình) trong các dự án nhiệt điện do nhà thầu Trung Quốc thi công. Ông Lộc phân tích: “Với các cam kết loại bỏ hoặc ít nhất là giảm thấp thuế quan và các rào cản kỹ thuật trong các hiệp định thương mại tự do với các đối tác thương mại hàng đầu trên thế giới, trong thời gian tới Việt Nam sẽ có điều kiện nhập khẩu từ Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... và các nền kinh tế khác các loại máy móc, thiết bị, dịch vụ, nguyên liệu đầu vào và cả hàng tiêu dùng với giá cả hợp lý hơn, phần nào có thể cạnh tranh được với nguồn cung ứng giá rẻ từ Trung Quốc”.

Đang hot: Đáp án đề thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh năm 2014  

Tin mới trên báo Thanhnien cho biết. hôm qua (2.6) là đúng một tháng kể từ khi Trung Quốc cài cắm phi pháp giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trong thời gian qua, bất chấp phản đối mạnh mẽ cùng những lý lẽ đanh thép phân tích rõ đúng sai của Việt Nam và cộng đồng quốc tế, Trung Quốc không những không rút giàn khoan mà đội tàu nước này ngày càng có những hành động hung hãn, vô cùng nguy hiểm như đâm chìm tàu cá Việt Nam ngày 26.5, đâm thủng tàu cảnh sát biển ngày 1.6…

Vì thế, dù đã một tháng trôi qua nhưng báo chí và giới quan sát quốc tế vẫn tiếp tục lên tiếng chỉ trích, vạch trần sự ngang ngược, hung hăng của Trung Quốc.

Cụ thể, Asahi Shimbun, nhật báo lớn thứ 2 ở Nhật Bản, vừa có bài xã luận mới yêu cầu “Trung Quốc phải dừng hành vi hung hăng” ở biển Đông. Trong đó, Asahi Shimbun nêu rõ: “Những hành động dùng vũ lực này của Trung Quốc bị cộng đồng quốc tế chỉ trích là điều hiển nhiên. Trung Quốc cần có suy nghĩ nghiêm túc về cách họ nên hành xử như thế nào mới xứng tầm một nước lớn có trách nhiệm”.  Tờ báo Nhật kết thúc bài xã luận bằng câu cảnh báo: “Trung Quốc không thể có được sự tôn trọng của các nước khác bằng cách đẩy mạnh tuyên bố chủ quyền của họ với thái độ cưỡng ép, hăm dọa”. Bài báo được đăng tải vài ngày sau khi phóng viên Asahi Shimbun đã có chuyến đi thực địa tới khu vực giàn khoan Hải Dương-981, tận mắt chứng kiến những gì đã và đang diễn ra.

Mới đây, tờ báo mạng nổi tiếng của Nga Gazeta.ru cũng đăng bài khẳng định trong vụ giàn khoan, Trung Quốc đang khiến xảy ra xung đột trong vùng đặc quyền kinh tế không phải của nước này và cũng không đưa ra phản hồi mang tính xây dựng đối với những yêu cầu hợp pháp từ cộng đồng quốc tế. Gazeta.ru dẫn lời Chủ tịch Hội Cựu chiến binh  Nga Nikolai Kolesnik chỉ trích Trung Quốc đã hành động dựa trên lập trường sức mạnh, phớt lờ lợi ích và quyền của nước láng giềng. Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu chiến lược Nga (RISS) Ilya Usov phân tích rằng sẽ là một sai lầm lớn cho những nước trước giờ giữ quan điểm trung lập trong tranh chấp ở biển Đông, nhưng nay có khuynh hướng ngả về phía Trung Quốc.

Nhân tố gây căng thẳng

Trong bài bình luận trên chuyên san The National Interest (Mỹ), nhà phân tích Abraham M.Denmark tại Cục Nghiên cứu châu Á quốc gia (Mỹ) khẳng định mẫu số chung của tất cả tranh chấp hiện nay ở biển Đông là Trung Quốc. “Bắc Kinh là nhân tố chính gây ra căng thẳng và khủng hoảng trong những cuộc tranh chấp này”, ông Denmark viết. Ông chỉ ra rằng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc thông qua đường lưỡi bò “liếm” gần trọn biển Đông chỉ dựa trên yếu tố lịch sử mơ hồ, không phù hợp với Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS). Tương tự, Giáo sư Eric Posner thuộc ĐH Chicago (Mỹ) viết trên tờ The Nation của Thái Lan rằng trong khi các nước nhỏ tuân thủ nghiêm túc UNCLOS thì Trung Quốc “chỉ ký cho có” rồi thản nhiên phớt lờ công ước này để phục vụ mưu đồ chiếm gần trọn biển Đông trong khi chưa bao giờ đưa ra bằng chứng pháp lý cho đường lưỡi bò.

Ngoài ra, theo ông Denmark, Bắc Kinh nhất nhất khẳng định hành động của họ là nhằm “phản ứng nguy cơ tấn công và sự cố từ những bên tham gia tranh chấp khác” nhưng rõ ràng chính hành vi của Trung Quốc luôn khiến căng thẳng leo thang vì nước này muốn dùng sức mạnh để củng cố tuyên bố chủ quyền. “Việc họ từ chối thỏa hiệp, đẩy căng thẳng leo thang, thay đổi hiện trạng là công thức cho căng thẳng triền miên”, chuyên gia Denmark viết. Cũng cùng ý này, tờ The Wall Street Journal dẫn lời Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Samuel Locklear khẳng định cách Trung Quốc tiếp cận vấn đề tranh chấp chủ quyền hiện nay không hữu ích cho khu vực. Theo ông, Trung Quốc “nên hỗ trợ khu vực theo con đường thỏa hiệp dựa trên khung pháp lý công bằng”.

 

Đan Nguyên (tổng hợp từ Báo Tuoitre - Thanhnien)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang