Tỉnh Thái Nguyên báo cáo Thủ tướng vụ xô xát ở nhà máy Samsung ra sao?

author 13:12 12/01/2014

UBND tỉnh Thái Nguyên vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về vụ xô xát giữa công nhân nhà thầu xây dựng và nhân viên bảo vệ tại công trường nhà máy Samsung Thái Nguyên xảy ra vào ngày 9/1 vừa qua.

Theo đó, nguyên nhân ban đầu được xác định do mâu thuẫn giữa hai bên, cụ thể phía công nhân nhà thầu đi làm muộn vẫn cố đòi xông qua cổng để vào nhà máy làm việc, còn nhân viên bảo vệ ngăn lại không cho vào vì theo quy định, nếu đi làm muộn thì không được vào nhà máy. Từ đó dẫn đến việc xô xát, đánh nhau giữa hai bên.

Giữa lúc đó có tiếng kêu “nhân viên bảo vệ đánh chết người”. Ngay lập tức, đám đông công nhân của nhà thầu ùa vào bao vây đuổi đánh và ném đá về phía nhân viên bảo vệ.
 
Một số nhân viên bảo vệ chạy vào các văn phòng của nhà máy, số còn lại chạy vào ba container (những thùng sắt lớn được Công ty dịch vụ và bảo vệ Hòa Bình sử dụng làm nhà ở và làm việc của nhân viên bảo vệ). Các công nhân tiếp tục bao vây, ném đá vào các container và đốt cháy một số xe máy của nhân viên bảo vệ ở xung quanh.
 
Trước đó, thông tin trên báo chí, ông Nguyễn Văn Giang, chỉ huy trưởng - Công ty cổ phần dịch vụ bảo vệ Việt Nam (đơn vị phụ trách bảo vệ khu vực cổng số 4 của nhà máy Samsung Thái Nguyên) cho biết, ước chừng có khoảng 3.000-4.000 công nhân tấn công, đánh bảo vệ trong vụ việc trên.
 
Theo báo cáo của lực lượng công an và các bên liên quan, có tất cả 13 người bị thương trong vụ va chạm (11 nhân viên bảo vệ và 2 công an), 3 container và 22 xe máy bị đốt cháy.
 
Hiện Công an Thái Nguyên đã khởi tố vụ án hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng tại công trường xây dựng nhà máy Sam Sung.
 
Nguyên nhân vụ xô xát (vì nhầm tưởng - PV) được báo cáo của UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ ra khiến không ít người chạnh lòng nhớ tới vụ hàng trăm người đánh chết 2 người đàn ông ở Hiệp Hòa, Bắc Giang hồi tháng 8 năm ngoái vì tưởng là trộm chó.
 
Theo đó, ngày 27/8/2013, thấy hai người đàn ông đi xe máy vào thôn Danh Thượng, xã Danh Thắng, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang với đồ nghề giống kẻ câu trộm chó, người dân đã lao ra vây chặn, đánh hội đồng.

Kết quả, một người tử vong tại chỗ, người còn lại được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hiệp Hòa, rồi được chuyển tiếp lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang nhưng cũng tử vong sau đó.

Đến đầu tháng 9/2013, Công an tỉnh Bắc Giang khởi tố 7 người dân trong xã Danh Thắng về hành vi cố ý gây thương tích, nhưng cho tại ngoại. Ngay sau đó, hàng trăm người ở xã Danh Thắng đã ký đơn… xin nhận tội. Có thông tin cho rằng khoảng 800 hộ dân ký vào đơn.
 
Vụ đánh chết người trộm chó đầu tiên được ghi nhận xảy ra ở Đồng Nai ngày 8/12/2005, mà sự thực lại là đánh nhầm người vô tội.

Nạn nhân là anh Hoàng Thủy Lâm, chủ cơ sở khoan giếng ở xã Quang Trung, huyện Thống Nhất, Đồng Nai, đã bị 3 người đàn ông đánh chết ngay trong sân trụ sở UBND xã Suối Cao.

Vào trưa cùng ngày, Trịnh Công Huân là người làm công cho anh Lâm đến khu vực ấp Bàu Sình, xã Suối Cao bắt trộm chó và bị bắt quả tang. Sau khi bị một trận đòn chí tử, Huân điện thoại về nhà anh Lâm và nhờ anh mang tiền đến nộp phạt và bảo lãnh cho Huân về.

Ngay chiều hôm đó, anh Lâm đã có mặt ở Ban công an xã Suối Cao. Do thiếu tiền để nộp phạt cho Huân nên anh Lâm nhờ người về nhà lấy tiền còn anh ngồi ở  ghế đá trong trụ sở UBND xã Suối Cao để chờ.

Đến tối cùng ngày, bất ngờ anh Lâm bị 3 người là Nguyễn Văn Sơn (công an viên ấp Bàu Sình, xã Suối Cao); Trần Thanh Hoàng (đội trưởng dân phòng ấp Bàu Sình) và một người tên là Nguyễn Văn Đức từ bên ngoài xông vào đấm đá túi bụi vì tưởng lầm anh Lâm là kẻ trộm chó.

Sau trận đòn dã man đó của 3 kẻ sát nhân, anh Lâm đã chết ngay tại chỗ vì bị dập lá lách, mặt sưng nề tụ máu do bị bóp cổ.


Theo Datviet

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang