Tồn tại đại dương ngầm trên Mặt trăng của Sao Thổ?

author 15:22 23/10/2014

(VietQ.vn) - Các nhà khoa học cho rằng, trên vệ tinh Mimas, Mặt trăng của Sao Thổ, có khả năng tồn tại một đại dương ngầm dưới lớp băng bề mặt của vệ tinh này.

Sự kiện: Khám phá đại dương

Theo trang Reuters đưa tin, các nhà khoa học cho rằng trên Mimas, Mặt trăng với đường kính 250km của Sao Thổ, có khả năng tồn tại một đại dương mỏng bao phủ toàn bộ vệ tinh này và bị chôn vùi sâu dưới lớp băng dày cứng. Giả thuyết này đã mở ra một viễn cảnh mới về khả năng tồn tại sự sống ngoài Trái Đất.

Sau khi phân tích dữ liệu nhận được từ tàu thám hiểm vũ trụ Cassini của NASA, các nhà khoa học cho rằng chính đại dương ngầm trên Mimas là một trong hai lý do khiến vệ tinh này rung lắc khi di chuyển trên quỹ đão quanh Sao Thổ của mình. Nguyên nhân thứ hai có thể là do Mimas có phần lõi hình chữ nhật hoặc bầu dục, tuy nhiên, vẫn cần nghiên cứu thêm để có thể đưa ra lý do chính xác. Có vẻ như, vệ tinh "chết chóc" với miệng núi lửa khổng lồ trên bề mặt lại có thể có một lịch sử hình thành phức tạp và vô cùng thú vị. Ông Radwan Tajeddline, đang làm việc tại khoa Thiên văn học thuộc trường Đại học Cornell, nhận định rằng nếu Mimas thật sự có chứa một đại dương ngầm thì Mặt trăng này của Sao Thổ sẽ trở thành một trong những thiên thể có khả năng tồn tại dấu hiệu của sự sống. 

Vệ tinh

Vệ tinh "chết chóc" này lại có khả năng tồn tại sự sống. Ảnh minh họa

Các nhà nghiên cứu cho rằng giả thuyết về đại dương trên Mimas không thật sự hợp lý vì trên bề mặt của nó không hề có dấu hiệu của chất lỏng, nhiệt nóng hay các hoạt động địa chất, tuy nhiên, nghiên cứu kỹ hơn về quỹ đạo lệch tâm của Mimas đã cho thấy dấu hiệu của sự tồn tại này. Lực hấp dẫn của Sao Thổ làm vệ tinh di chuyển lại gần và rồi lại di chuyển ra xa, chỉ như vậy cũng đủ tạo ra ma sát làm tan băng và hình thành một đại dương. Ông Radwan Tajeddline khẳng định rằng đại dương ngầm trên Mimas sẽ tiếp tục tồn tại chỉ cần vệ tinh này duy trì quỹ đạo lệch tâm.

Mặt trăng Sao Thổ có quỹ đạo lệch tâm

Mặt trăng Sao Thổ có quỹ đạo lệch tâm. Ảnh minh họa 

Khả năng Mimas có lõi hình chữ nhật đã dẫn đến những nghi vấn khác về lịch sử hình thành của Mặt Trăng này. Có giả thuyết cho rằng Mimas và những Mặt trăng khác như Enceladus, Tethys, Dione và Rhea, được hình thành từ một tập hợp các khối đá xoay xung quanh Sao Thổ, bên cạnh đó, do lực hấp dẫn của Sao Thổ tác động khiến phần lõi của Mimas có hình chữ nhật. Sau đó, phần lõi này được lớp băng dày bao bọc bên ngoài và dần dần trở thành hình cầu, trong thời gian hình thành, vệ tinh này cũng từ từ di chuyển ra xa khỏi Sao Thổ. Ngoài ra, nhiệt độ thấp cũng góp phần giữ hình dạng chữ nhật của phần lõi. 

Đinh Ly

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang