Trí thông minh nhân tạo đánh bại phi công Mỹ

author 12:40 03/07/2016

(VietQ.vn) - Một hệ thống phi công sở hữu trí thông minh nhân tạo đã đánh bại hai máy bay phản lực tấn công trong một cuộc mô phỏng chiến đấu.

Theo thông tin báo Khám phá trích từ BBC, trí thông minh nhân tạo (AI), được gọi với cái tên Alpha, được chế tạo bởi công ty Psibernetix của tiến sỹ Nick Ernest ở Đại học Cincinati, kết hợp với Phòng thí nghiệm Nghiên cứu của Lực lượng không quân Mỹ, đã có cuộc đọ sức với phi công con người, Đại tá không quân Mỹ Gene Lee. Theo các nhà phát triển, Alpha được thiết kế dành riêng cho mục đích nghiên cứu các nhiệm vụ không chiến giả lập.

Gene Lee không chỉ là phi công máy bay chiến đấu đầy kinh nghiệm mà còn là người đã đào tạo hàng ngàn phi công, là một chuyên gia chỉ đạo chiến thuật của không quân Mỹ. Gene Lee cũng là Giám đốc Air Battle và là người  thực hiện các cuộc không chiến mô phỏng với các hệ thống trí thông minh nhân tạo suốt nhiều thập kỷ.

Tuy nhiên, dù đại tá Gene Lee thuộc Lực lượng không quân Mỹ đã có kinh nghiệm hàng chục năm chinh chiến nhưng vẫn thất bại trước hệ thống trí thông minh nhân tạo (AI) trong tất cả những trận không chiến mô phỏng, báo Vnexpress đưa tin theo Popular Science.

Trong nghiên cứu của Đại học Cincinnati và Công ty quốc phòng Psibernetix, tình huống mô phỏng là Alpha phải bảo vệ thành công đường bờ biển, chống lại hai máy bay tấn công. Cả hai máy bay tấn công do con người lái - đội xanh - đều có hệ thống vũ khí với khả năng vượt trội hơn. Nhưng đội đỏ của Alpha đã có thể diệt máy bay đối phương, hoàn thành nhiệm vụ mà không chịu bất cứ tổn thất nào.

Gene Lee (ngồi) cùng giám đốc và CEO của Psibernetix xem mô phỏng chiến đấu với Alpha. Ảnh: University of Cincinnati

Gene Lee (ngồi) cùng giám đốc và CEO của Psibernetix xem mô phỏng chiến đấu với Alpha. Ảnh: University of Cincinnati

Đại tá Gene Lee cho biết: “Tôi đã rất ngạc nhiên về cách nó (Alpha) nhận thức. Nó dường như biết được các ý định của tôi, sau đó phản ứng ngay tức khắc với bất cứ thay đổi nào trên đường bay và việc triển khai tên lửa của tôi. Nó biết cách làm sao để tránh những loạt bắn tôi thực hiện. Nó chuyển linh hoạt giữa hành động phòng thủ và tấn công khi cần thiết”.

Đại tá Lee mô tả đây là hệ thống trí thông minh nhân tạo hung hãn, phản ứng nhanh, năng nổ và đáng tin cậy nhất mà ông từng gặp từ trước tới nay. Alpha không chỉ giỏi né đạn mà còn bắn hạ đại tá Lee trong mọi lần giao chiến.

Bí quyết tạo nên kỹ năng chiến đấu siêu hạng của Alpha nằm ở hệ thống ra quyết định tối tân kết hợp các thuật toán logic. Theo Ernest, hệ thống chia vấn đề lớn thành nhiều vấn đề nhỏ hơn để tiến hành xử lý, bao gồm tấn công, khai hỏa, tránh né hoặc phòng thủ. Những quyết định phức tạp được đưa ra với tốc độ cực nhanh nhờ cân nhắc phương án phù hợp nhất. Kết quả là phi công nhân tạo có thể tính toán chiến lược tốt nhất nhanh hơn 250 lần cái chớp mắt của đối thủ.

Một chuyên gia hàng không quân sự cho biết các kết quả đầy hứa hẹn. Các nhà nghiên cứu mô tả Alpha là "một đối thủ chết người". Doug Barrie, một chuyên gia phân tích hàng không vũ trụ quân sự tại IISS, cho biết việc phân tích thực chiến, đưa ra giải pháp chống lại quân mạnh hơn mình với phi công có khả năng chiến đấu và kinh nghiệm, thì Alpha giống như một bậc thầy cờ vua vậy.

Gene Lee tỏ ra rất ngạc nhiên về khả năng chiến đấu của Alpha. Ảnh: University of Cincinnati

Gene Lee tỏ ra rất ngạc nhiên về khả năng chiến đấu của Alpha. Ảnh: University of Cincinnati

Alpha sử dụng một dạng trí thông minh nhân tạo dựa trên khái niệm về “logic mờ” (fuzzy logic). Trong đó, máy tính xem xét một loạt các tùy chọn trước khi đưa ra quyết định hành động cuối cùng. Được biết, nó tính toán chiến lược dựa trên chuyển động của đối phương nhanh hơn 250 lần so với một cái nháy mắt.

Alpha được cho là tài sản quý giá của quân đội vì có thể nhanh chóng vạch ra chiến lược chính xác. Tuy nhiên, câu hỏi về đạo đức vẫn cần được lưu tâm. Người ta lo ngại từ đây sẽ mở ra kỷ nguyên của các máy bay chiến đấu tự chủ. Và cuối cùng, một đội ngũ chiến đấu hoàn toàn không người lái Combat Aerial Vehicles (UCAVs) có thể được triển khai nhằm loại bỏ sai sót của con người, hoạt động mà không cần con người sẽ tham chiến.

Sau nhiều giờ chiến đấu với Alpha, đại tá Lee buộc phải chấp nhận thất bại. "Trở về nhà, tôi cảm thấy thật sự mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần. Có thể đây chỉ là trí thông minh nhân tạo, nhưng nó mang đến thách thức thực sự", đại tá Lee chia sẻ.

Doug Barrie nói với BBC rằng có thế Alpha sẽ không dễ dàng hoặc thích hợp để được chuyển sang môi trường chiến đấu thực tế. Một hệ thống như vậy mà lỡ nhằm vào mục tiêu phi quân sự thì hậu quả thật thảm khốc. Bất chấp những lo lắng này, Công ty quốc phòng Psibernetix vẫn quyết tâm phát triển Alpha hoàn thiện hơn nữa.

Phát hiện cánh khủng long nằm trong hổ phách hàng chục triệu năm (VietQ.vn) - Các nhà khoa học vừa tìm thấy những miếng hổ phách chứa cánh khủng long con 99 triệu năm tuổi được bảo quản gần như nguyên vẹn và còn nguyên lông.

Nguyễn Yến (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang