Trung Quốc cấm DN dự thầu vào Việt Nam: Không đáng ngại!

author 08:03 11/06/2014

Việt Nam mong muốn đẩy mạnh và mở rộng hợp tác kinh tế, đầu tư với Trung Quốc. Song nếu họ cấm doanh nghiệp (DN) của mình tham gia đấu thầu các dự án tại nước ta thì nên coi đây là cơ hội tốt cho các DN trong nước.


Đây là nhận định của các chuyên gia trước thông tin không chính thức cho rằng Trung Quốc tạm thời cấm các công ty quốc doanh của nước này tham gia đấu thầu dự án ở Việt Nam.

Trạm biến áp 500 kV Hiệp Hòa do nhà thầu Trung Quốc cung cấp mới đây đã bị sự cố.

Chưa thể đánh giá ngay nhà thầu Trung Quốc

Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN cho biết, các dự án điện, than, khí mà Trung Quốc đang thực hiện tại Việt Nam hiện nay vẫn tiến triển bình thường, chưa có hiện tượng nhà thầu Trung Quốc bỏ về không làm dự án tại Việt Nam. Duy chỉ có dự án tại Vũng Áng là phía nhà thầu Đài Loan (Trung Quốc) có "rút quân".

Theo ông Ngãi, Trung Quốc đã trúng thầu một loạt các dự án, nhất là các dự án về năng lượng, trên cơ sở chứng minh được tài chính, kinh nghiệm, tiến độ và chất lượng dự án. "Họ chưa để lại dự án nào xấu cho ngành điện, than, khí dù trong quá trình thực hiện, có dự án chậm tiến độ, có cái đội vốn. Tuy nhiên, để đánh giá hiệu quả thực sự các dự án năng lượng mà Trung Quốc thực hiện thì phải mất 5-10 năm nữa hoặc phải mất một thời gian dài mới đánh giá hết được" - ông Ngãi cho biết.

Bên lề kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng thông báo rằng, các dự án của ngành giao thông vay vốn Trung Quốc vẫn đang được thực hiện bình thường. “Tuy nhiên, chúng ta đã có nhiều phương án dự phòng trong trường hợp xấu nhất là phía Trung Quốc không tiếp tục cho vay vốn để triển khai 3 dự án giao thông (gồm: Dự án Đường sắt nội đô Cát Linh - Hà Đông, Dự án Nâng cao tín hiệu an toàn đường sắt tuyến Yên Viên - Lào Cai và Dự án Nâng cao tín hiệu an toàn đường sắt tuyến Hà Nội - Vinh). Khẳng định với báo chí, Bộ trưởng Thăng cũng cho rằng, hiện năng lực các nhà thầu trong nước đã cải thiện đáng kể cho nên hoàn toàn có thể chủ động được các công việc nếu nhà thầu Trung Quốc rời Việt Nam.

Nên coi đây là cơ hội

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, nếu Trung Quốc đình chỉ DN của họ sang đấu thầu tại Việt Nam sẽ có tác động hai mặt. Về mặt tích cực, đây là cơ hội để các DN Việt Nam tham gia đấu thầu và triển khai các dự án. Bởi từ trước tới nay, Trung Quốc đều trúng thầu các dự án tại Việt Nam với giá rất thấp, DN Việt không thể cạnh tranh được. Đây cũng là cơ hội cho Việt Nam sửa lại luật đấu thầu, không coi tiêu chí giá rẻ là căn cứ duy nhất để xét thầu, ấn định thầu như trước nay vẫn thực hiện.

Về mặt tiêu cực, theo TS Doanh, nếu Trung Quốc ngừng tham gia các dự án điện, xi măng của họ tại VN thì chúng ta cần phải được thúc đẩy phía Trung Quốc hoàn thành theo đúng hợp đồng để tránh nảy sinh phức tạp. "Nhiều nhà máy của Trung Quốc nếu họ rút về trong khi thiết bị chưa đầy đủ sẽ "chôn" vốn của Việt Nam ở đó, với các dự án điện, ảnh hưởng cung ứng điện có thể kéo dài thêm 3-5 năm nữa, còn với dự án xi măng do cung đang thừa thì ảnh hưởng vốn sẽ không tiêu cực nhiều lắm" - ông Doanh nói.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A cũng đánh giá: Nếu thông tin đó là thật thì "chỉ có tốt cho Việt Nam" vì "ai cũng biết, nhà thầu Trung Quốc bỏ giá thấp hoặc dùng nhiều cách để thắng thầu, sau đó làm dự án dây dưa, công nghệ thiết bị kém...". Theo TS Quang A, Trung Quốc không tham gia dự án thì Việt Nam cũng sẽ thu hút được các nước khác tham gia, bởi trước nay các nước như Mỹ, EU... "thua" Trung Quốc cả, vì giá của Trung Quốc không thể cạnh tranh nổi.

Thực tế, nghi vấn Trung Quốc "đi đêm, đút lót" để có giá trúng thầu thấp đã được đặt ra. Các dự án nhiệt điện mà Trung Quốc tham gia chiếm tỉ lệ quá cao với giá trúng thầu thấp nhưng đã có dự án bị phát hiện lắp thiết bị không đúng, không chuẩn, như nhiệt điện Cao Ngạn mà phía Việt Nam không chấp nhận. Chưa kể, nhiều dự án của Trung Quốc chậm thầu, chậm hoàn thành, an toàn năng lượng thấp mà điển hình gần đây nhất và vụ trạm biến áp Hiệp Hòa bị sự cố. Ông Doanh cho rằng, Trung Quốc không tham gia thì các nước khác "nhảy" vào là dĩ nhiên. "Tuy nhiên, nếu điều này xảy ra thì VN cần yêu cầu Trung Quốc phải hoàn thành các dự án họ đã ký, nếu không cần kiện Trung Quốc ra tòa, bắt phạt họ, không thể để họ làm tổn hại cho nền kinh tế Việt Nam" - ông Doanh nhấn mạnh.

Với các dự án dang dở của Trung Quốc, nếu nhà đầu tư khác tiếp nhận sẽ gây tốn kém và phức tạp cho chúng ta. Ông Quang A cũng đồng tình và cho rằng, đã đến lúc phải đánh giá nghiêm túc, công khai năng lực nhà thầu Trung Quốc cho toàn dân biết, kể cả tốt và xấu. Bởi giá trúng thầu của TQ thấp nhưng thực tế dự án họ làm thực sự lại không có giá thấp, trước sau cũng phát sinh, đội vốn. "Hầu hết các dự án cho vay thương mại, đầu tư kiểu "chìa khóa trao tay" của Trung Quốc hiện nay đều thực hiện theo kiểu ngân hàng Trung Quốc cho vay ban đầu, nhưng cũng là vay thương mại, cuối cùng tổng cộng lại toàn bộ dự án lại là đắt dù trúng thầu với giá rẻ"- TS Quang A cho biết.

Theo Dân Việt

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang