Trung Quốc đang âm thầm phát triển các loại vũ khí quân sự siêu thanh

author 06:22 08/10/2015

(VietQ.vn) - Trung Quốc đang âm thầm phát triển các loại vũ khí siêu thanh như tên lửa siêu thanh, tàu lượng siêu thanh... đây cũng là những vũ khí quân sự nước này tự tin khẳng định chẳng kém gì các cường quốc vũ khí khác trên thế giới.

Sự kiện: Vũ khí quân sự nổi tiếng thế giới

Dù còn nhiều hoài nghi về sự phát triển các thế hệ vũ khí siêu thanh ở Trung Quốc, nhưng giới quân sự nước này không ít lần đã khoe họ có các loại vũ khí siêu thanh hiện đại.

Tàu lượn siêu thanh DF-ZF của Trung Quốc

Theo giới chức quân sự Mỹ, mẫu tàu lượn siêu thanh mới của Trung Quốc có tên DF-ZF, là một loại vũ khí tấn công hạt nhân. Trong năm 2014, Trung Quốc đã tiến hành 5 cuộc thử nghiệm mẫu tàu lượn này, dấu hiệu cho thấy đây là một chương trình được ưu tiên phát triển hàng đầu. Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã xác nhận các vụ thử nghiệm này và cho biết đây chỉ là hệ thống đang trong quá trình hoạt động thí nghiệm.

Trung Quốc âm thầm phát triển tàu lượn siêu thanh DF-ZF

Trung Quốc âm thầm phát triển tàu lượn siêu thanh DF-ZF

Tàu lượn siêu thanh DF-ZF, được tên lửa đưa lên gần vũ trụ vào ngày 10.3, với vận tốc gần 8.000 dặm/giờ. Loại vũ khí này được phát triển theo hướng hạn chế các trở ngại trong quá trình điều khiển những thiết bị có tốc độ cao, cụ thể là vượt qua các hệ thống phòng thủ trước khi tiếp cận mục tiêu.

DF-ZF có thể được trang bị đầu đạn thông thường, và trở thành loại tên lửa thứ ba có điều khiển mà Trung Quốc sở hữu, đủ sức tấn công chính xác mục tiêu hoạt động trên biển. Một trong hai loại lên lửa chống hạm khác được trình diễn trong cuộc duyệt binh tuần trước tại Bắc Kinh là DF-26, tên lửa đạn đạo tầm trung vừa được giới thiệu trên trang mạng chính thức của quân đội Trung Quốc. “Thời báo Hoàn Cầu” - một ấn phẩm của Đảng Cộng sản Trung Quốc - miêu tả loại tên lửa này là “kẻ hủy diệt Guam”, ngụ ý ám chỉ khả năng tấn công các lực lượng Mỹ đang đồn trú tại hòn đảo chiến lược phía tây Thái Bình Dương.

Trung Quốc thử nghiệm tên lửa siêu thanh Wu-14

Trung Quốc cũng vừa mới thử nghiệm siêu tên lửa được gọi là Wu-14 khiến các quan chức quốc phòng Mỹ hết sức lo ngại, việc phát triển tên lửa siêu thanh của Trung Quốc đã đưa nước này lọt vào “câu lạc bộ” nghiên cứu siêu tên lửa cùng Mỹ và Nga.

Trung Quốc cũng cho biết tên lửa siêu thanh của họ có thể bắn được cả từ mặt đất, trên không và có thể tiêu diệt mọi mục tiêu trên phạm vi toàn cầu chỉ trong 60 phút.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng xác nhận nước này thử thành công tên lửa siêu thanh Wu-14 trước đó năm ngày. .Đây là cuộc thử nghiệm lần thứ 4 đối với vũ khí này trong 18 tháng qua. Wu-14 có thể mang đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân và di chuyển với vận tốc gấp 10 lần vận tốc âm thanh.

Giới quan sát quân sự nhận định tần suất của các cuộc thử nghiệm cho thấy Bắc Kinh đang củng cố khả năng răn đe hạt nhân nhằm phản ứng thái độ của của Washington đối với tranh chấp trên Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực. Một quan chức tình báo Mỹ gọi vụ thử nghiệm mới nhất là "cuộc thao diễn cực đoan".

Vẫn như mọi lần, Trung Quốc bao biện rằng "hoạt động nghiên cứu và thử nghiệm khoa học theo dự kiến trong lãnh thổ của chúng tôi là bình thường và không nhằm vào bất cứ nước nào, với mục tiêu cụ thể nào". Tuy nhiên, lời giải thích này có vẻ chưa đủ thuyết phục khi cuộc thử nghiệm chỉ diễn ra một ngày trước thời điểm ông Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc, thực hiện chuyến công tác đến Mỹ. Sự trùng hợp này khiến dư luận không khỏi nghi ngờ đây lại là một tín hiệu cứng rắn khác mà Bắc Kinh muốn gửi đến Washington cũng như các bên có liên quan trong tranh chấp.

Theo một số chuyên gia, Wu-14 dường như sẽ mang theo tên lửa diệt hạm khét tiếng DF-21, nhờ đó phạm vi hoạt động của loại tên lửa đạn đạo tầm trung này được mở rộng lên đến trên 3.000 km. Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Franz-Stefan Gady cho rằng Trung Quốc sẽ phải mất tới 20 năm nữa để biến tham vọng này thành hiện thực bởi những trở ngại về công nghệ.

Trung Quốc phát triển máy bay không người lái thế hệ mới

 Máy bay không người lái thế hệ mới lớn gấp đôi các phiên bản trước, với sải cánh dài 20 m. Nó đứng đầu thế giới về kích cỡ và trọng lượng cất cánh. Tên gọi của loại máy bay không người lái là Cầu vồng 5.

Trung Quốc sản xuất máy bay không người lái thế hệ mới

Trung Quốc sản xuất máy bay không người lái thế hệ mới

Cầu vồng 5 là mẫu máy bay không người lái (UAV) mới nhất do Tập đoàn khoa học và công nghệ vũ trụ Trung Quốc phát triển, phục vụ mục đích trinh sát và tấn công quân sự. 

Máy bay có thể tuần tra hơn 30 giờ và có sức chứa 900 kg đạn. Ngoài mục đích quân sự, nó cũng có thể được dùng để tuần tra hàng hải, tìm kiếm cứu hộ trên biển. 

Cầu vồng 5 có thể mở rộng phạm vi trinh sát từ 2 tới 30 km lên 80 km. Nó có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách xa và có thể tự che chắn để không bị phát hiện.

Trước đó, có thông tin cho rằng, Trung Quốc đưa ra các mẫu máy bay không người lái (UAV) thân đôi Thần Điêu mà giới chuyên gia đánh giá có triển vọng trở thành vũ khí tầm xa đáng gờm của quân đội nước này.

Do Tập đoàn Máy bay Thẩm Dương chế tạo, chịu nhiều ảnh hưởng về thiết kế từ mẫu UAV thân đôi tầm cao Sukhoi S-62 của Nga, Thần Điêu được dự đoán sẽ trở thành khí tài quân sự bổ trợ hữu hiệu cho chiến lược Chống tiếp cận/Chống xâm nhập khu vực (A2/D2) của Bắc Kinh.

Mẫu UAV này phát triển trên nền tảng máy bay đa nhiệm, tầm cao, cự ly xa, vừa có khả năng tấn công nhưng cũng rất hữu ích trong các nhiệm vụ trinh sát. Thần Điêu sở hữu các loại radar chuyên biệt nên cơ chế phát hiện tàng hình cũng được tối ưu hóa.

Theo tạp chí Popular Science, Thần Điêu sẽ được gắn các radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA), radar khẩu độ tổng hợp (SAR), radar chỉ thị mục tiêu động trên mặt đất (GMTI) và radar chỉ thị mục tiêu động trên không (AMTI). Các thiết bị tiên tiến này khi phối hợp sẽ giúp Thần Điêu phát hiện mọi vật thể bay, từ chiến đấu cơ đến tên lửa hành trình.

GMTI còn được dùng để xác định và theo dõi những hạm đội tàu chiến lớn như tàu sân bay. Kết hợp cùng những thiết bị khác như JY-26, radar "thủ tiêu F-22", Thần Điêu khiến Mỹ không khỏi lo lắng về việc chúng sẽ dễ dàng phát hiện từ khoảng cách xa những máy bay tàng hình tối tân của nước này như chiến đấu cơ F-35 hay oanh tạc cơ B-2.

Tuy nhiên, nếu so sánh với bản vẽ thiết kế đưa ra hồi tháng hai, khả năng tàng hình của Thần Điêu mới dường như giảm đi đáng kể khi nó phải mang theo tới hai chảo liên lạc vệ tinh, có đuôi thẳng đứng và lộ động cơ trong", tạp chí cho biết thêm.

Các nhà phân tích quân sự hàng đầu của Mỹ cũng tỏ ra ái ngại khi Thần Điêu được dự đoán có thể tiêu diệt cả những mục tiêu ở khoảng cách lớn. "Triển khai UAV tầm xa, trần bay cao, được lắp đặt thiết bị cảm biến hiện đại sẽ giúp Trung Quốc nâng cao khả năng phá hoại tài sản và căn cứ của hải quân Mỹ cùng đối tác và đồng minh trong vùng", ông Mark Stokes, cựu quan chức Lầu Năm Góc, bình luận. Nếu mẫu UAV này được biên chế, Washington và đồng minh sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi làm nhiệm vụ gần bờ biển Trung Quốc.

Hạ nghị sĩ Randy Forbes, thành viên Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, nhận định kế hoạch chế tạo các mẫu UAV như Thần Điêu là một phần trong chiến lược trang bị khí tài tầm xa được lên kế hoạch kỹ lưỡng của Trung Quốc. "Chiếc UAV này có vẻ sẽ tăng cường năng lực khoanh vùng mục tiêu mà Trung Quốc sử dụng trong chiến lược chống tiếp cận, chống xâm nhập", ông nói.

Hiện thông tin về Thần Điêu vẫn được giữ kín. Mọi đánh giá, nhận định đều là những suy đoán. Năng lực thật sự của nó đến đâu, đóng góp như thế nào trong chiến lược quân sự của Trung Quốc hiện vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp.

Hồng Anh (T/h)

 

 

 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang