Truy trách nhiệm vụ pha tạp chất vào xăng dầu

author 05:57 30/08/2012

(VietQ.vn) - Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cho rằng, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất xăng dầu phải chịu trách nhiệm trong việc giám sát, buôn bán, kinh doanh của mình.

Ông đánh giá như thế nào về hiện tượng pha chế các tạp chất và can thiệp vào quá trình sản xuất xăng dầu ở các cơ sở sản xuất ngoài thị trường hiện nay khi chưa được cơ quan chức năng cấp phép?

Mặt hàng xăng dầu được xếp vào diện hàng hóa nhạy cảm bởi nó là đầu ra của hầu hết các ngành sản xuất. Mặt hàng này cũng luôn thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Dưới góc độ về giá cả, khi xăng dầu lên thì nhanh mà xuống thì chậm đã làm người tiêu dùng bức xúc.

Về lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, cơ quan chức năng thời gian qua cũng đã phát hiện hàng loạt sai phạm về đo lường trong kinh doanh xăng dầu, móc túi người tiêu dùng. Đặc biệt là tình trạng không ít cây xăng gắn chíp điện tử ở các cột bơm xăng, điều chỉnh liều lượng và số lít, số tiền trên màn hình cột bơm, móc túi người mua cũng đã kịp thời được phát hiện và xử lý.

Các cơ sở sản xuất xăng dầu chui bên ngoài đang pha tạp chất lẫn vào xăng dầu
Các cơ sở sản xuất xăng dầu chui bên ngoài đang pha tạp chất lẫn vào xăng dầu (Ảnh: TTO)

Hiện tượng pha xăng với trị số octan thấp vào loại xăng có trị số octan cao, để bán với giá của xăng có trị số octan cao diễn ra phổ biến. Việc pha tạp các hóa chất vào xăng dầu kiếm lời bất chính…là điều cần báo động hiện nay. Khi xăng dầu có chất lượng thấp, sẽ làm ảnh hưởng tới độ bền phương tiện, động cơ; lợi ích người dân. Ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền được an toàn, về tài sản và thậm chí là ảnh hưởng tới tính mạng.

Với tư cách là hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Vinastas lên ánh những hành vi làm sai trái của các cơ sở sản xuất, tái chế xăng dầu. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để xử lý các hành vi sai phạm trong hoạt động vận chuyển, buôn bán và kinh doanh xăng dầu.

Vậy theo ông chúng ta nên làm gì để giám sát được lộ trình sản xuất, vận chuyển xăng dầu tránh tình trạng các xe bồn chở xăng dầu rẽ ngang, rẽ dọc ăn chia với các bãi xăng dầu từ việc pha chế kiếm lời?

Thời gian gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh, phanh phui đường dây vận chuyển, pha chế xăng trái phép của các cơ sở sản xuất, kinh doanh xăng dầu. cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, giám sát các cơ sở hoạt động sản xuất, buôn bán xăng dầu tránh tình trạng kẻ gian phá bỏ cả kẹp chì để pha xăng với các tạp chất…trước khi xăng dầu được đem đến điểm bán lẻ.

Việc đảm bảo chất lượng xăng dầu là trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Các doanh nghiệp phải có các quy trình giám sát cụ thể tránh tình trạng rẽ ngang, pha tạp xăng dầu không diễn ra.

Doanh nghiệp phải đưa ra quy trình vận chuyển, lộ trình đường đi của phương tiện, giám sát chặt chẽ thời gian xuất phát và thời gian tới nơi nhận bằng sổ nhật trình. Không để tình trạng xe xăng dầu đi đâu là tùy người lái.

Cơ quan Báo chí vừa có loạt bài điều tra về quy trình sản xuất xăng dầu pha tạp chất ở bãi xe Trâu Điên trên địa bàn TPHCM. và 1 số cơ sở  khác. Với tư cách là người đứng đầu hiệp hội sau 1 năm triển khai luật bảo vệ người tiêu dùng, ông nhìn nhận như thế nào?

Qua tổng kết, nhìn lại một năm Luật Bảo vệ người tiêu dùng, kể từ khi có luật, hệ thống pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng đã được tăng cường. Công tác tuyên truyền đã có những tích cực, làm thay đổi nhận thức chung.

Việc thực thi cũng đã được cơ quan chức năng đẩy mạnh tuy nhiên để luật có hiệu lực thiết thực trong cuộc sống cần phải có thời gian nhất định. Ví dụ như Luật Giao thông đã ra đời từ rất lâu nhưng tình trạng sai phạm, vi phạm Luât và tai nạn giao thông vẫn diễn ra phổ biến và ngày càng tăng.

Nói như vậy cũng không có nghĩa là bao biện cho độ “trễ” của luật khi đi vào cuộc sống mà vấn đề nào nổi cộm, cần xử lý là phải làm ngay. Ví dụ hiện tượng xăng dầu pha tạp diễn ra phức tạp, thì cần phải có biện pháp xử lý ngay. Người tiêu dùng cũng không thể chờ đợi lộ trình, độ trễ mới có biện pháp xử lý các sai phạm.

Có vẻ như người tiêu dùng vẫn "đơn phương " trong việc phát hiện, tố cáo sai phạm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của mình trong khi cơ quan chức năng lại chưa làm hết trách nhiệm của mình?


Theo tôi, chưa hẳn vụ việc nào cũng được người tiêu dùng phát hiện và nêu ra. Cụ thể như trong vấn đề phát hiện và kiến nghị xử lý liên quan đến chất tạo nạc trong chăn nuôi, Vinastas đã phát hiện được và tổ chức công bố.

Tuy nhiên, hội lại không phải có chức năng đi làm những công việc như vậy. Là tổ chức xã hội, pháp luật cũng tạo điều kiện cho hội làm nhiều việc, tuy nhiên, một điều rất quan trọng là dù có nỗ lực đến đâu thì hội vẫn cần có kinh phí để hoạt động. Trong khi đó, từ khi thành lập hội tới nay, nhà nước chưa cấp cho hội một đồng kinh phí nào.

Hội cần có các chế độ về lương, thưởng, phương tiện làm việc, đầu tư các phòng thí nghiệm…nhưng lại chưa được sự quan tâm của nhà nước. Trong khi đó, các đòi hỏi lại đặt ra với hoạt động của hội là phải giải quyết được các bức xúc của người dân, điều đó là rất khó khăn và không dễ dàng thực hiện được.

Xin cảm ơn ông!

Nguy hại động cơ xe

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, Viện cơ khí động lực, Đại học Bách khoa Hà Nội, Việc pha nước vào xăng sẽ ảnh hưởng xấu đến động cơ, dẫn tới khó khởi động, chết máy giữa chừng, vận hành không ổn định. Hơn nữa, nước sẽ làm oxy hóa các bề mặt kim loại tiếp xúc với nó, có thể gây han rỉ hệ thống cung cấp nhiên liệu, han rỉ các chi tiết của buồng cháy.

Với 1 lít xăng đảm bảo chất lượng, xe máy 100 phân khối, tiêu thụ thấp nhất trên lý thuyết khoảng 1,8 lít/100km. Các xe máy 100 đến 110 phân khối trên thực tế tiêu thụ khoảng 2,2 đến 2,4 lít/100 km. Xe tay ga 125 phân khối có thể tiêu thụ khoảng 2,6 đến 2,8 lít/100 km.

Nếu vận hành xe gặp hiện tượng nổ trên đường xả (nghe tiếng nổ trong ống bô), máy đang chạy bình thường bị khựng lại hay chết máy; khởi động không được,... thì đây rất có thể là biểu hiện của xăng bị pha nước.

Đương nhiên, các hiện tượng trên có thể do những nguyên nhân khác. Tuy nhiên, nếu gặp phải những hiện tượng này, đối với xe máy chẳng hạn, thì hãy xả xăng trong buồng phao của bộ chế và kiểm tra.

Dấu hiệu sản xuất hàng giả

Một luật gia có tiếng ở Hà Nội cho rằng liên quan đến việc biến nước lã, tạp chất thành xăng dầu mà báo chí nêu (cụ thể là bãi xe Trâu Điên ở quận Thủ Đức và 1 số cơ sở ở khu vực xã Tam Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM) cần được điều tra làm rõ để kết luận về hành vi vi phạm, tính chất, mức độ vi phạm để xem xét trách nhiệm, chế tài xử lý.
 
Tuy nhiên, bước đầu có thể thấy đây là dấu hiệu của hành vi sản xuất hàng giả. Cụ thể trường hợp này là hàng giả về chất lượng và công dụng - hàng hoá không có giá trị sử dụng hoặc giá trị sử dụng không đúng với nguồn gốc, bản chất tự nhiên, tên gọi và công dụng của hàng hoá.

(Hoàng Lan - Triều Dương)
 

Nguyễn Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang