Đổi mới tư duy để giúp doanh nghiệp nâng cao giá trị, thỏa mãn nhu cầu khách hàng

author 15:55 01/12/2017

(VietQ.vn) - Theo chuyên gia về năng suất, doanh nghiệp cần phải có những thay đổi phù hợp một cách thường xuyên nhằm nâng cao giá trị thương hiệu, thỏa mãn nhu cầu của khách hàng.

Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường nhiều cạnh tranh, doanh nghiệp khó có thể dừng lại ở những gì đã đạt được mà cần phải thường xuyên xác định các yếu tố then chốt, kiên trì thực hiện các giải pháp thay đổi để nâng cao sự thỏa mãn khách hàng và các giá trị đối với doanh nghiệp.

Mặc dù việc nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng luôn là mục tiêu cao nhất của doanh nghiệp nhưng cho đến nay, không ít doanh nghiệp vẫn đang loay hoay với các giải pháp cải tiến chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị doanh nghiệp. Đây cũng chính là những trăn trở được các chuyên gia tư vấn, các doanh nghiệp nêu ra tại Hội thảo “Thay đổi để nâng cao giá trị và sự thỏa mãn của khách hàng” do Viện Năng suất Việt Nam tổ chức.

Hội thảo “Thay đổi để nâng cao giá trị và sự thỏa mãn của khách hàng" do Viện Năng suất Việt Nam tổ chức.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam, vấn đề thay đổi quy cách, phương pháp, mô hình vận hành sản xuất tại các doanh nghiệp, tập đoàn có vai trò vô cùng quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm doanh nghiệp, thỏa mãn những nhu cầu của khách hàng.

“Ở thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp cũng như các chuyên gia tư vấn đang hết sức trăn trở trong việc tìm ra những giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất, tạo tiền đề nâng cao giá trị doanh nghiệp và thỏa mãn nhu cầu khách hàng. Có thể lấy ví dụ từ khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất bóng đèn huỳnh quang khi các loại đèn Led tràn ngập trên thị trường. Muốn sản phẩm của mình tiếp tục được khách hàng lựa chọn và hoạt động của công ty được phát triển, bắt buộc doanh nghiệp, nhất là người đứng đầu phải có tư duy đổi mới. Từ đó, để phong trào đổi mới lan rộng ra toàn đơn vị. Có như vậy, sản phẩm mới được cải tiến chất lượng, phù hợp với yêu cầu của thị trường và chỗ đứng của doanh nghiệp mới được đảm bảo.”, ông Tuấn chia sẻ.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Cũng theo ông Tuấn, các doanh nghiệp thực hiện đổi mới cũng sẽ tiết kiệm được chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Từ đó, nâng cao sức cạnh tranh so với các mặt hàng ngoại nhập. Đồng thời, đổi mới cũng chính là chìa khóa thúc đẩy người lao động nâng cao năng suất, góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Về hướng giải quyết cho các doanh nghiệp hiện nay, ông Tuấn cũng lưu ý, đổi mới phải xuất phát đầu tiên từ nhận thức, có quá trình, phương pháp thích hợp. Trong đó, phải tập trung vào đổi mới công nghệ, tiếp đến là phương pháp quản lý, vận hành sản xuất, kiểm tra chất lượng sản phẩm.

Cùng quan điểm trên, bà Vũ Hồng Dân, Chuyên gia tư vấn, Trưởng phòng Tư vấn và Cải tiến Năng suất (Viện Năng suất Việt Nam) cho rằng, vấn đề nâng cao giá trị thương hiệu, đáp ứng nhu cầu khách hàng là yếu tố sống còn của mỗi doanh nghiệp. Bên cạnh đó, bà Dân cũng nhấn mạnh đến vai trò của các chuyên gia tư vấn đối với quá trình hỗ trợ doanh nghiệp thay đổi nhận thức về quá trình sản xuất, quản lý, vận hành doanh nghiệp.

Để có những phương án tốt nhất nhằm thay đổi hiện trạng doanh nghiệp theo hướng tích cực, cần sự hỗ trợ từ các chuyên gia tư vấn. Trong đó, hợp tác giữa doanh nghiệp với hệ thống cơ quan nghiên cứu, chuyên gia tư vấn cần phải được thực hiện một cách kỹ lưỡng, tận dụng lợi thế từ cả hai bên với mục đích cuối cùng là nâng cao giá trị, thỏa mãn nhu cầu của khách hàng, phát triển và nâng cao vị thế doanh nghiệp.

Bà Vũ Hồng Dân cho rằng doanh nghiệp cần có nhiều thay đổi phù hợp với yêu cầu thực tế thị trường.

Bà Dân nói thêm rằng để việc thay đổi có hiệu quả, cần có sự đồng bộ trong toàn hệ thống doanh nghiệp. Tư duy thay đổi để nâng cao chất lượng phải được phổ biến, thống nhất từ lãnh đạo công ty tới những người lao động trực tiếp làm ra sản phẩm.

Liên quan tới những vấn đề trên, ông Phan Trọng Tiến, Giám đốc Công ty may Đức Giang cũng có chia sẻ về kinh nghiệm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm tại doanh nghiệp.

Theo ông Tiến, để có sản phẩm chất lượng, thỏa mãn nhu cầu khách hàng, được nhiều người tiêu dùng chọn lựa, lãnh đạo công ty đã chỉ đạo đầu tư trang thiết bị hiện đại phù hợp với xu hướng công nghệ hiện nay. Công ty cũng đã áp dụng mô hình sản xuất tinh gọn Lean để tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả công việc. Đồng thời, đảm bảo nguyên liệu đầu vào theo tiêu chuẩn, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu ra bên ngoài.

Hội thảo “Thay đổi để nâng cao giá trị và sự thỏa mãn của khách hàng” do Viện Năng suất Việt Nam tổ chức sáng 1/12 có sự tham gia của nhiều chuyên gia tư vấn, các hệ thống doanh nghiệp áp dụng các mô hình quản lý chất lượng, hệ thống quản lý tiên tiến, duy trì và nâng cao năng suất như 5S, Lean, TPM...

Tại Hội thảo, đại diện một số doanh nghiệp trong đó có Công ty may Đức Giang đã trình bày những khó khăn, thách thức trong việc đổi mới phương pháp quản lý, vận hành sản xuất cũng như áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến.

Tiếp đó, chuyên gia tư vấn Vũ Hồng Dân nói về sự cần thiết của việc thay đổi, cải tiến phương pháp quản lý, vận hành sản xuất của doanh nghiệp hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Phong Lâm

Doanh nghiệp tư nhân trước yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất(VietQ.vn) - Việc phát triển và chuyển giao khoa học - công nghệ hiện đại cho doanh nghiệp tư nhân là không thể chậm trễ trước yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và tăng năng suất
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang