Ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ

authorThảo Nguyên 16:51 24/11/2015

(VietQ.vn) - Công nghệ đúc đồng mới tại xưởng ông Sách (Hải Dương) khiến sản phẩm có độ bền cao, đặc biệt là đáp ứng yêu cầu đúc những sản phẩm nhỏ, đòi hỏi độ chính xác.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Cơ sở đúc đồng Nguyễn Thượng Sách nằm ngay cạnh đường 391 tại thôn Đông Lâm, xã Văn Tố, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương). Không có biển hiệu, không có gian hàng giới thiệu sản phẩm nên ngay cả ở địa phương cũng không máy ai biết đến. Tuy nhiên, đây lại là cơ sở đúc đồng duy nhất của Việt Nam sở hữu công nghệ đúc đồng hiện đại nhất đến thời điểm này. Các sản phẩm đúc đồng của cơ sở mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam đã được xuất khẩu ra nhiều thị trường trên thế giới.

Cơ sở đúc đồng của ông Nguyễn Thượng Sách áp dụng công nghệ đúc chính xác bằng phương pháp nấu chảy theo khuôn tự cứng trong môi trường chân không. Đây là một chuỗi công nghệ do ông tự tìm hiểu, nghiên cứu và chế tạo, được hoàn thiện trong thời gian 7 tháng để đưa vào hoạt động. Tổng vốn đầu tư cho dây chuyền này lên đến gần chục tỷ đồng.

Ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất đồ thủ công mỹ nghệỨng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ ở Hải Dương

Công nghệ sử dụng khuôn đúc làm bằng chất liệu mềm silicone, có độ bền kéo tốt, độ bền xé cao, chịu nhiệt độ cao, sử dụng được nhiều lần, đặc biệt là đáp ứng yêu cầu đúc những sản phẩm nhỏ, đòi hỏi độ chính xác cao. Nguyên liệu đúc được đưa vào lò nấy chảy theo nguyên lý hòa tan, hoàn toàn không dùng hóa chất. Quá trình nấu luyện kim loại trong hệ thống hoàn toàn khép kín. Công nghệ đúc chân không có nhiều ưu điểm: chất lượng sản phẩm tốt, độ chính xác cao,khả năng sao chép của sản phẩm có thể cho độ chính xác đạt 99%, giảm chi phí tiêu hao nguyên liệu khi làm khuôn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, các công đoạn khác của quá trình sản xuất cũng được áp dụng tối đa các biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường như: toàn bộ rác thải sản xuất được tái chế thành chất phối trộn để sản xuất gạch không nung; nước thải sinh hoạt được xử lý để quay vòng tái sử dụng.

Đặc biệt, năm 2014, được sự hỗ trợ với số tiền 195 triệu đồng của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hải Dương, cơ sở đúc đồng của ông đã đầu tư lắp đặt lò nấu đồng sử dụng 100% điện năng. Trước đó, lò nấu đồng theo công nghệ cũ, sử dụng than làm chất đốt. Trong quá trình nấu, nhiệt lượng, khí thải tỏa ra ảnh hưởng lớn tới sức khỏe con người, gây ô nhiễm môi trường. Sau khi đầu tư công nghệ mới, lò nấu đồng đã khắc phục những nhược điểm trên. Các công việc, điều chỉnh nhiệt độ, chất phụ gia trong quá trình đốt dễ dàng và thuận lợi. Đây là sự cải tiến lớn trong công nghệ sản xuất của ông Sách, hướng đến một nền sản xuất “xanh” góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Các sản phẩm đồng đúc của cơ sở là những sản phẩm chất lượng cao, mang đậm bản sắc văn hóa Việt như tượng Bác Hồ, Kim tượng Đức Thánh Trần, Chùa Một Cột, Khuê Văn Các, Đầu rồng thời Lý, Lư hương, Trống đồng và các danh nhân Việt Nam như Đại tướng Võ Nguyên Giáp… Một số sản phẩm do cơ sở sản xuất đã được tôn vinh như Bộ trống đồng Việt Nam được Ban chấp hành Hiệp hội trung ương làng nghề Việt Nam vinh danh là Sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh hoa làng nghề Việt Nam 2013; sản phẩm trống đồng được tỉnh Hải Dương trao chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2012, 2014 vàtham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia vào tháng 10/2015.

Với những đóng góp to lớn của ông đối với nghề đúc đồng, Ban chấp hành Hiệp hội trung ương làng nghề Việt Nam phong tặng ông danh hiệu Nghệ nhân làng nghề Việt Nam. Trong thời gian tới, cơ sở của ông sẽ mở rộng mẫu mã sản phẩm, đúc các vật làm đồ thờ của Việt Nam trước đây.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang