Ưu ái doanh nghiệp nhà nước làm mất đi cơ hội của khu vực tư nhân

author 13:52 26/03/2015

(VietQ.vn) -Khi khối doanh nghiệp Nhà nước còn được ưu ái nhiều thì khối doanh nghiệp tư nhân sẽ bị “rút” đi nhiều cơ hội.

 Theo các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) thì Chính phủ cần đối xử công bằng giữa khối doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.

Doanh nghiệp tư nhân là động lực của nền kinh tế

Từ trước đến nay, khu vực kinh tế ngoài nhà nước luôn có tỷ trọng đóng góp cao nhất trong GDP. Số liệu từ Niên giám thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ trọng đóng góp GDP của khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng đã  tăng từ 47% năm 2005 lên 49% năm 2012.

Trong bối cảnh mới, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước nhiều cánh cửa hội nhập với rất nhiều cơ hội và thách thức. Ông Dominic Mellor, Chuyên gia kinh tế Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho hay, hoạt động thu hút đầu tư phải đối mặt với việc cạnh tranh thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) cao hơn. Nguồn thu từ thuế vào Việt Nam đối với Ngân sách nhà nước sẽ bị giảm xuống.

Đối với các doanh nghiệp, sự kết nối của doanh nghiệp tư nhân với chuỗi toàn cầu theo đánh giá của ông Mellor hiện đang ở mức thấp. Do đó, cần phải đặc biệt lưu ý vấn đề chất lượng nguồn vốn FDI. “Chính phủ phải có chính sách và môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp tư nhân để họ có thể tiếp cận FDI nhiều hơn”, ông Mellor nói.

Theo ông Mellor, điều đó cũng liên quan đến Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định thương mại tự do, song phương với các đối tác khác.

TPP sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam khi được tiếp cận thị trường lớn hơn nhưng đòi hỏi Việt Nam cần hiểu biết rõ hơn về thị trường nước ngoài cũng như các thông lệ của thị trường nước ngoài.
Do đó, Chính phủ cần khai thác tối đa tiềm năng của FDI vào Việt Nam và đẩy mạnh các chính sách để phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo ông Mellor, dù Việt Nam sẽ là một trong những nước hưởng lợi hàng đầu từ TPP nhưng hàng hóa của nước ngoài cũng sẽ đổ bộ vào thị trường trong nước nhiều hơn. Do đó, người tiêu dùng Việt Nam sẽ có nhiều lựa chọn hơn vì giá cả trở nên cạnh tranh. Do đó, Chính phủ Việt Nam cần có chiến lược cụ thể trong thời gian tới để đẩy mạnh xuất khẩu và vừa có thể cạnh tranh trên chính thị trường trong nước.

Riêng đối với vấn đề cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam dưới khía cạnh các khu vực kinh tế hiện nay, ông Mellor cho rằng, nợ xấu trong ngân hàng chính là nợ xấu từ khối doanh nghiệp nhà nước.

Do đó, việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cần đi kèm với nhiều yếu tố quan trọng khác bởi nếu các doanh nghiệp nhà nước vẫn được ưu ái sẽ rút đi nhiều cơ hội của khối doanh nghiệp tư nhân. Ngay như việc tiếp cận tín dụng cũng cần tạo điều kiện công bằng giữa hai khối tư nhân và nhà nước, ông Mellor cho hay.

Doanh nghiệp nhà nướcCần đối xử công bằng hơn giữa khối doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước. Ảnh minh họa: Vietnamnet.vn

Cần hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập

Nhận định của ADB về triển vọng kinh tế Việt Nam nhấn mạnh, nâng cao tốc độ tăng trưởng về lâu dài phụ thuộc vào khả năng cải cách cơ cấu sâu rộng hơn của Việt Nam, đặc biệt là hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước hội nhập sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Mặc dù tình hình kinh tế của Việt Nam được cải thiện, song cần tiếp tục có những cải cách về cơ cấu nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu để nền kinh tế khai thác được tối đa tiềm năng tăng trưởng.

Báo cáo của ADB nhấn mạnh rằng chỉ có chỉ có 36% doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia vào mạng lưới sản xuất định hướng xuất khẩu, trong khi đó ở Malaysia và Thái Lan, con số này lên tới gần 60%. Đặc biệt, chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Tomoyuki Kimura – Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cho rằng, để tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cần nỗ lực tăng cường sự phối hợp liên ngành, đặc biệt là trong quá trình xây dựng và thực hiện các chính sách dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ông Kimura cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc tăng cường tham vấn rộng rãi với khu vực tư nhân. Điều này sẽ giúp xác định các vướng mắc hạn chế sự kết nối với mạng lưới sản xuất.

Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2015 dự báo tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam sẽ tăng lên 6,1% trong năm 2015 và 6,2% trong năm 2016, với giả định Chính phủ Việt Nam sẽ duy trì chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng, và tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cải cách tái cơ cấu. Lạm phát hàng năm dự báo tăng 2,5% trong năm 2015, tăng nhanh hơn lên 4,0% trong năm 2016 khi cầu trong nước và giá dầu thế giới tăng lên.


Trần Hoài

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang