Vận chuyển hơn 200 chiếc áo giả mạo nhãn hiệu Louis Vuitton

author 09:19 24/11/2020

(VietQ.vn) - Lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn vừa phát hiện hơn 200 chiếc áo giả mạo nhãn hiệu Louis Vuitton.

Thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Lạng Sơn, trong quá trình kiểm tra, giám sát tình hình kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng hóa qua địa bàn, Đội QLTT số 4 phối hợp với Công an huyện Chi Lăng tiến hành kiểm tra xe ô tô khách biển kiểm soát 29B-501.97 chạy hướng Hà Nội – Lạng Sơn.

Qua công tác kiểm tra, lực lượng chức năng cho biết, xe tải trên là do ông Ngô Đức Thịnh sinh năm 1988, địa chỉ 9/2 Cao Thắng, K12 phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn điều khiển.

 Lượng lớn hàng hóa giả mạo nhãn hiệu được phát hiện tại Lạng Sơn. Ảnh: Cục QLTT Lạng Sơn

Lực lượng chức năng phát hiện trên xe ô tô có 210 chiếc áo khoác nỉ ghi lê nữ mang nhãn hiệu Louis Vuitton được cất trong 03 bao tải dứa màu xanh. Khai nhận với cơ quan chức năng, lái xe Ngô Đức Thịnh không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc số hàng hóa nêu trên. Đội Quản lý thị trường số 4 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa hóa trên để xác minh, làm rõ nguồn gốc hàng hóa và lấy mẫu gửi cơ quan chức năng giám định là hàng thật, hàng giả để có căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.

Nói tới tình trạng kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, Tổng Cục QLTT cho biết, mặc dù thời gian qua các lực lượng chức năng đã nỗ lực kiểm soát, xử lý vấn nhưng chính tâm lý dễ dãi trong mua sắm của người tiêu dùng đã tạo cơ hội cho hàng giả, hàng nhái “tung hoành” trên thị trường. Đáng nói, ngoài những người tiêu dùng mua vì không phân biệt được chất lượng hàng hóa, không ít người dù biết là hàng giả, hàng nhái vẫn sử dụng vì lý do giá rẻ hoặc không nhận định việc ngăn chặn hàng vi phạm là nhiệm vụ của mình.

Nguy kịch do dùng thuốc không rõ nguồn gốc của thầy lang chữa tiểu đường(VietQ.vn) - Thời gian gần đây không ít trường hợp bệnh nhân đái tháo đường phải nhập viện khẩn cấp chỉ vì tin dùng thuốc của thầy lang.

Cũng theo Tổng Cục QLTT, khi tham gia mua, bán những mặt hàng này, quyền lợi của chính người mua cũng bị xâm phạm. Ngoài ra còn “tiếp tay” cho các đối tượng gây “loạn” thị trường, ảnh hưởng đến doanh thu, uy tín của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính. Vấn nạn kinh doanh hàng giả, hàng nhái trong lĩnh vực thời trang tuy không gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng nhưng lại làm giảm uy tín của các thương hiệu, tác động tiêu cực đến thị trường, kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế đất nước.

Thực chất, trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, người tiêu dùng là mắt xích quan trọng nhất. Khi người mua kiên quyết tẩy chay các hàng hóa này, các tổ chức, đối tượng vi phạm sẽ bị ngăn chặn đầu ra. Vì vậy, nếu phát hiện hàng giả, hàng nhái, người tiêu dùng nên phản hồi ngay với cơ sở sản xuất, doanh nghiệp hoặc cơ quan chức năng để các đơn vị liên quan nhận biết đưa ra biện pháp xử lý kịp thời. Việc này không chỉ bảo vệ quyền lợi của chính mình mà còn góp phần để thị trường hàng hóa lưu thông lành mạnh.

Theo Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm liên quan tới sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.

1. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm đến 5.000.000 đồng:

a) Bán; chào hàng; vận chuyển, kể cả quá cảnh; tàng trữ; trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý;

b) Đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện hành vi quy định tại Điểm a Khoản này.

2. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

3. Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ trên 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

5. Phạt tiền từ 35.000.000 đồng đến 55.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ trên 40.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng.

6. Phạt tiền từ 55.000.000 đồng đến 85.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ trên 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

7. Phạt tiền từ 85.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ trên 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.

8. Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 180.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ trên 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng.

9. Phạt tiền từ 180.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm trên 300.000.000 đồng.

An Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang