Việt Nam thi Toán Quốc tế IMO: Đừng quá khen hay quá chê

author 21:42 14/09/2014

(VietQ.vn) - Không nên quá khen hay quá chê về thành tích Việt Nam dự thi Olympic Toán quốc tế IMO.

Thành tích đáng tự hào

Trong 40 năm qua chúng ta tham dự IMO không chỉ vì đây là một cuộc thi cao nhất, một trò chơi để rèn luyện trí tuệ cho học sinh giỏi toán phổ thông trên khắp hành tinh mà với những mục đích sau: Học hỏi để trưởng thành, cải tiến, đổi mới, hiện đại hóa việc đào tạo, huấn luyện, ra đề thi và chấm thi HS giỏi toán ở VN; góp phần quan trọng phát triển toán học VN nói riêng và KH, GDVN nói chung; khuyến khích sự học, chìa khóa của sự phát triển và hưng thịnh quốc gia; để hội nhập quốc tế về toán học, KH-GD, để góp phần làm tăng uy tín của CHXHCNVN trên trường quốc tế, không chỉ về ngoại giao, chính trị mà cả kinh tế, văn hóa, KH-GD,… Những HS IMO và chuyên toán không chỉ trở thành những nhà toán học xuất sắc, ví dụ như GS Ngô Bảo Châu (chuyên toán ĐHKHTNHN), mà cả những nhà khoa học xuất sắc trong các lĩnh vực khác, như GS vật lý Đàm Thanh Sơn (chuyên toán ĐHKHTNHN), như anh Nguyễn Hà Đông (chuyên tin Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Đông) trong tin học, …

GS Đàm Thanh Sơn từng đạt HCV Olympic Toán quốc tế IMO

GS Đàm Thanh Sơn từng đạt HCV Olympic Toán quốc tế IMO

Chúng ta cùng nhau ôn lại và tự hào về những cột mốc và thành tích nổi bật trong cả quá trình 40 năm qua. Năm 1974, lần đầu tiên VN (và Mỹ) tham dự IMO tại CHDC Đức. Thật thú vị khi lưu ý rằng chúng ta cũng chính là nước đầu tiên của cả châu Á tham dự IMO: Trung Quốc bắt đầu từ 1985, Hàn Quốc 1988, CHDCND Triều Tiên 1990, Nhật Bản 1990, Thái Lan 1989, Singapore 1988, Ấn Độ 1989; ở các châu lục khác: Cuba 1971, Úc 1981, Algerie 1977, Nam Phi 1992.

Thật tự hào, hơn cả mơ ước của chính chúng ta và bè bạn, ngay lần đó đoàn VN đã giành được thành tích xuất sắc, mặc dù chỉ có 5 (trên 6) thí sinh dự thi: Hoàng Lê Minh giành HCV, Vũ Đình Hòa HCB, Tạ Hồng Quảng và Đặng Hoàng Trung (đã mất) HCĐ, Nguyễn Quốc Thắng Bằng danh dự. Trưởng đoàn là Nhà giáo Lê Hải Châu và Phó đoàn là PGS TS Phan Đức Chính. Có điều thú vị là do nhiều nguyên nhân, Đoàn IMO VN năm 1974 được quyết định chỉ có 5 người, nhưng Lê Tuấn Hoa đứng thứ 6 khi thi thử để lập đội tuyển. Mặc dầu vậy, sau này Lê Tuấn Hoa lại là người đầu tiên trong số 6 người đó trở thành TSKH và GS, rồi được bổ nhiệm làm GĐĐH Viện NCCCT, Viện trưởng Viện TH và đã được bầu làm Chủ tịch Hội THVN. Như vậy dù có được dự thi và có được HC IMO hay không, bản thân quá trình tiệm cận IMO cũng đã đem lại những động lực và lợi ích to lớn.

Liên Xô (cũ) và CHDC Đức đã giúp đỡ và tài trợ chúng ta tham dự IMO lần đầu tiên này. Theo thầy Lê Hải Châu, Báo Bưu điện CHDC Đức ngày 26/8/1974 viết: “Người ta vỗ tay lâu nhất để hoan nghênh đoàn HS VN lần đầu dự thi với 5 em đã chiếm 4 giải, trong đó có một giải vàng. Làm thế nào mà giải thích nổi tại sao những HS của một đất nước đang trải qua một cuộc chiến tranh tàn khốc lại có được một vốn kiến thức toán học tốt như vậy”.

Đầu tháng 2 năm 1974, Bộ GD CHDC Đức chính thức mời Bộ GD nước ta cử đoàn tham gia IMO lần thứ 16, được tổ chức tại Berlin vào hè 1974. GS BT Nguyễn Văn Huyên giao nhiệm vụ tuyển chọn và thành lập đội HS giỏi toán của miền Bắc để bồi dưỡng trước khi đi Berlin. Những thầy giáo đã có công bồi dưỡng, chọn lọc và thành lập Đội tuyển IMO đầu tiên của VN là Phan Đức Chính, Ngô Xuân Sơn, Phạm Tấn Dương, Nguyễn Công Qùy, Lê Hải Châu. GS BT Tạ Quang Bửu, GS Lê Văn Thiêm, GS Nguyễn Cảnh Toàn, GS Hoàng Tụy và GS Phan Đình Diệu cũng rất quan tâm và đã dành thời gian đến nói chuyện ngoại khóa cho lớp bồi dưỡng. 1974 là năm đầu tiên cả VN và Mỹ cùng tham dự IMO, VN có HCV, Mỹ không có. Do chữ U và chữ V gần nhau trong bảng chữ cái nên Trưởng đoàn VN và Trưởng đoàn Mỹ được xếp ngồi cạnh nhau trong buổi công bố kết qủa. Trưởng đoàn Mỹ đã bắt tay (kín dưới bàn) chúc mừng Đoàn VN.

Việc phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng học sinh năng khiếu được Chính phủ, Bộ GD và Bộ GD-ĐT Việt Nam quan tâm từ rất sớm, ngay trong thời kỳ chiến tranh, đất nước còn muôn vàn khó khăn. Năm 1965, Thủ tướng  Phạm Văn Đồng đã chỉ thị cho GS Lê Văn Thiêm, Phó HT, GS Hoàng Tụy, CNK Toán, ĐHTHHN: “Dù chiến tranh ác liệt đến đâu, trường ta vẫn phải đi đầu mở các lớp Toán” (theo TS Nguyễn Thành Nam). Thầy Lê Hải Châu kể lại: Đầu tháng 7/1966, tại một hội nghị của Bộ GD để tổng kết công tác phát hiện và bồi dưỡng HS có năng khiếu về Toán, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đến thăm và căn dặn: “Trong khoa học tự nhiên, toán học có vị trí và tác dụng đặc biệt quan trọng. Ta phải lo sao cho đội ngũ KH nước ta sớm có những nhà toán học. Trong nhiều ngành thường phải bạc đầu mới thành bác học, nhưng trong Toán học không nhất thiết phải như vậy mà ta có thể đi nhanh”. Theo TS Nguyễn Thành Nam: Để có thể “đi nhanh”, Thủ tướng nêu lên phương hướng rất rõ ràng: “Nếu trong tất cả các trường phổ thông từ cấp I lên cấp II, ta có cách gì phát hiện phần lớn và đừng bỏ sót những em có năng khiếu đặc biệt, rồi ta có cách dạy (…), nâng đỡ cho các em phát huy tài năng của mình thì rồi đây ta sẽ có những nhà toán học trẻ có tài năng ghê gớm. Đối với ngành Toán, phải làm như vậy mới kịp người ta”. Và hậu thế chúng ta đã làm theo lời dậy đó của cố TTg để làm nên thắng lợi của Toán học VN trong 50 năm qua. Sự có mặt của đại diện các thế hệ các nhà toán học VN trong buổi lễ đặc biệt ngày hôm nay tại hội trường này, trong đó có GS Hoàng Tụy và GS Ngô Bảo Châu, có thể xem là một minh chứng sinh động!

Trong 40 năm qua (1974-2014), VN đã tham dự 37 trên tổng số 39 kỳ thi IMO (trừ năm 1977 tại Nam Tư, 1981 tại Hoa Kỳ; năm 1980 IMO tại Mông Cổ đã bị hoãn), đoàn VN thường lọt vào topten, nếu tính chi ly ra thì VN trung bình được xếp thứ 9, 65 (nhỏ hơn 10!); với 228 lượt HS dự thi (có 16 HS dự thi hai năm liền) giành 52 HCV, 94 HCB, 67 HCĐ, 1 GT ĐB (Lê Bá Khánh Trình) và 3 bằng danh dự; đạt thành tích cao nhất tại IMO 1999 (Rumani) và 2007 (VN): đều đứng thứ 3 toàn đoàn với 3 HCV, 3 HCB; tại IMO 2004 (Hy Lạp) VN đạt được nhiều HCV nhất: 4 HCV và 2 HCB (xếp thứ 4/85). Tại IMO 2003 ở Nhật Bản, trong số 3 thí sinh đạt điểm tuyệt đối (42/42) của cả thế giới thì hai là người VN, đó là Lê Hùng Việt Bảo và Nguyễn Trọng Cảnh.

Tại IMO 2006 tại Slovenia, khi ta cũng đang chuẩn bị IMO 2007 tại VN, GS John Webb, Thư ký của Uỷ ban Olympic Toán quốc tế/IMO, kể lại với GS Hà Huy Khoái rằng: Nhiều người hỏi ông xem các đoàn thường thuộc “topten” của IMO là những đoàn nào, và tất nhiên là ông nhắc đến Trung Quốc, Nga, Mỹ, nhưng khi nhắc đến VN thì người nghe giật nảy mình hỏi lại. Họ muốn biết xem tại sao một nước nghèo như VN mà lại thường đứng trong “topten” của IMO. GS John Webb trả lời rằng: Ông cũng không hiểu và đang định tìm hiểu bí mật của điều đó khi đến VN tham dự IMO 2007 tại Hà Nội.

Tuy nhiên cũng có năm chúng ta không thật thành công, ví dụ năm 2011 tại Hà Lan, VN chỉ giành được 6 HCĐ, xếp thứ 31/101, là thành tích thấp nhất trong lịch sử 37 lần tham dự IMO của VN.

Trong 40 năm qua, VN có 9 HS đạt điểm tuyệt đối (perfect): Lê Bá Khánh Trình (1979), Lê Tự Quốc Thắng (1982), Đàm Thanh Sơn (1984), Ngô Bảo Châu (1988), Đinh Tiến Cường (1989), Ngô Đắc Tuấn (1995), Đỗ Quốc Anh (1997), Lê Hùng Việt Bảo (2003), Nguyễn Trọng Cảnh (2003).

6 HS hai lần giành HCV liên tiếp: Ngô Bảo Châu (1988-89), Đào Hải Long (1994-95), Ngô Đắc Tuấn (1995-96), Vũ Ngọc Minh (2001-02), Lê Hùng Việt Bảo (2003-04) và Phạm Tuấn Huy (2013-14). Trong số đó chỉ có Vũ Ngọc Minh thuộc Chuyên ĐHSPHN và Phạm Tuấn Huy thuộc Chuyên ĐHQG TPHCM, 4 còn lại đều thuộc Lớp chuyên Toán ĐHKHTNHN. Nếu lấy giao của hai tập hợp trên, trong 2 lần HCV liên tiếp có 1 lần đạt điểm tuyệt đối thì còn Ngô Bảo Châu, Ngô Đắc Tuấn, Lê Hùng Việt Bảo, cả ba đều là HS chuyên toán ĐHKHTNHN. Và nếu lấy tiếp "giao" với HC Fields thì còn mỗi Ngô Bảo Châu!

Phan Vũ Diễm Hằng là nữ thí sinh IMO đầu tiên của Việt Nam và năm 1975 chị giành HCĐ. Tính đến IMO 2014, Việt Nam có 10 nữ thí sinh đã từng tham dự IMO, giành được tổng cộng 10 HC, trong đó có 5 HCB, 5 HCĐ. Nguyễn Thị Thiều Hoa là nữ thí sinh đầu tiên của Việt Nam đoạt HCB tại IMO 1976. Đến nay chúng ta vẫn chờ nữ thí sinh đầu tiên của Việt Nam giành HCV IMO. Nguyễn Tiến Dũng là thí sinh Việt Nam nhỏ tuổi nhất khi tham dự IMO. Năm 1985 khi chưa tròn 15 tuổi anh đã giành HCV.

Nhìn lại chặng đường đáng tự hào của VN 40 năm qua, chúng ta thử thống kê xem những “lò võ” nào đã có truyền thống và chiếm ưu thế. Đứng đầu bảng vẫn là Khối chuyên Toán A0 thuộc trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau này là Trường THPT Chuyên KHTN, Trường ĐH KHTN, ĐHQG HN. "Lò võ" này đã đóng góp 73 lượt thí sinh tham dự IMO, chiếm gần 1/3 của cả nước. Thứ hai là Khối chuyên toán ĐHSPHN, nay là Trường THPT chuyên ĐHSP HN với 40 lượt. Thứ ba là chuyên toán trường chuyên Lam Sơn Thanh Hóa với 14 lượt. Trong số các đơn vị và tỉnh thành nổi bật khác có thể kể đến Hà Nội (gồm hai trường Chu Văn An và HN-Amsterdam), Đà Nẵng (gồm hai trường THPT Phan Chu Trinh và THPT chuyên Lê Quý Đôn), Hải Phòng (gồm hai trường Trần Phú và Thái Phiên), trường PTNK thuộc ĐHQG Tp HCM (gần đây khởi sắc: Phạm Tuấn Huy HCV hai năm liền 2013 và 2014).

Có điều thú vị là 3 HCV IMO đầu tiên của Việt Nam đều thuộc về người gốc Huế: Hoàng Lê Minh, Lê Bá Khánh Trình và  Lê Tự Quốc Thắng. Chỉ có hai thí sinh VN đã dự IMO mà không học trường chuyên là Chế Quang Quyền, Bằng Danh dự IMO 1985, học sinh Trường THPT Long Thành, Đồng Nai, và Võ Văn Huy, HCĐ IMO 2011, học sinh trường THPT Lê Hồng Phong, Tây Hòa, Phú Yên. (Chúng tôi đã tham khảo một số thông tin thú vị trên đây từ TS Trần Nam Dũng.)

Trên chặng đường 40 năm qua tham dự IMO, các thầy cô giáo VN không chỉ đào tạo, bồi dưỡng và dẫn các em đi dự thi mà còn đủ năng lực để tham gia bình đẳng với cộng đồng quốc tế IMO: Đã có 3 bài toán khó và hay do VN đề nghị được chọn làm một trong các bài toán thi IMO, đó là năm 1977 (bài của PGS TS Phan Đức Chính), năm 1982 (của PGS TS Văn Như Cương) và năm 1987 (của TS Nguyễn Minh Đức, HCB IMO 1975). Những năm gần đây, vì nhiều lý do, VN không gửi đề tham gia nữa.

Nhiều lần, ở Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục thường niên của ASEAN (SEAMEC), thành tích dẫn đầu khu vực và kinh nghiệm của VN tại IMO được nêu lên và đánh giá cao. Một số nước ASEAN đã tìm hiểu và sang thăm quan, học tập một số trung tâm đào tạo HS chuyên của chúng ta. Họ đã đầu tư quyết liệt để vươn lên. Kết quả là trong những năm gầy đây có nước đã lọt vào được topten. Ví dụ: Cũng tại IMO 2011, năm ta đạt thành tích thấp nhất trong cả quá trình 40 năm tham gia và chỉ được xếp thứ 31/101, thì hai nước tiến vượt bậc: Singapore đứng thứ 3/101, Thái Lan thứ 5/101. Mặc dù lâu nay VN thường nằm trong topten còn hai nước kia thì rất ít khi. Nguyên nhân chính là gì? Là vì những năm đó ta yêu cầu HS đã dự thi HS giỏi quốc gia vẫn phải thi ĐH để bảo đảm phát triển toàn diện. Nếu không có xem xét đặc cách thì học sinh chúng ta sẽ không còn mặn mà với Olympic quốc gia và quốc tế và hậu quả là sẽ ảnh hưởng đến bảng thành tích rất đáng tự hào của học sinh giỏi Việt Nam được lập nên từ hơn nửa thế kỷ qua và quan trọng hơn là có thể mất đi nguồn động lực to lớn để học sinh chúng ta sớm vươn tới những đỉnh cao của khoa học trong nước và trên thế giới.

Đáng mừng ta đã kịp thời khắc phục được điều này và là 3 năm nay (2012-14) VN tiếp tục trở lại khởi sắc, khẳng định thứ hạng của mình và nằm trong topten của IMO: 2012=9/100, 2013=7/97, 2014=10/101.

Thêm một ví dụ thú vị: Do những nguyên nhân chủ quan và khách quan, VN không tham dự IMO 1977 ở Nam Tư, mặc dù đã tổ chức xong đội tuyển. Những HS này phải vội vã trở lại địa phương ôn cấp tốc thêm lý, hóa để thi ĐH mặc dù ngày thi chỉ còn 3 tuần. Tuy vậy, các bạn đã thi ĐH 3 môn đều đỗ điểm cao, từ 24 đến 29 điểm/30. Bốn người trong số đó vẫn kiên trì tiếp tục nghề toán và đã trở thành GS TSKH là Nguyễn Đình Công (Phó CT VHLKHCNVN), Đinh Nho Hào, Nguyễn Việt Dũng và Lê Hồng Vân (nữ). Điều này cho thấy quá trình tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng và chuẩn bị đội tuyển rồi dù có dự thi IMO hay không, như "con gà đẻ trứng vàng", đã ảnh hưởng rất tốt đến sự nghiệp của mỗi thí sinh và toán học VN.

Cần tránh cực đoan

Chúng ta cần tránh cực đoan khi nhìn nhận và đánh giá thành tích của VN tham dự IMO 40 năm qua: HS đoạt HCV là "tài năng" hay "không là gì"?

Một loại ý kiến cho rằng các HC IMO có giá trị rất to lớn, nhưng một loại ý kiến ngược lại cho rằng chúng không có giá trị bao nhiêu, vì chỉ là kết quả của công nghệ “luyện gà chọi” của VN. Cả hai đều cực đoan. Chúng tôi đã trực tiếp nhìn thấy HS IMO của một số nước, kể cả nước phát triển cao, đã ôn luyện cho đến đêm, đến giờ phút cuối cùng tại IMO 2007 ở VN như thế nào.

Thành tích xuất sắc tại IMO của VN trong 40 năm qua không phải ngẫu nhiên, cũng không phải chỉ do “luyện gà chọi”, nó có nguyên nhân từ trí tuệ VN, từ GD đỉnh cao, từ truyền thống hơn nửa thế kỷ qua và sự chuẩn bị công phu, đào tạo, thi tuyển HS giỏi toán các cấp trong cả nước, theo đường lối GD của Đảng và Nhà nước ta. Có lẽ sẽ công bằng và hợp lý khi xem đó như là thành tích xuất sắc của những vận động viên chạy đường dài ở những km đầu tiên trên đường đua Marathone cả cuộc đời để hướng tới những mục tiêu cao cả và rộng lớn của tài năng, của sự nghiệp vinh quang cả đời người.

Tất cả các nước trên thế giới đều rất coi trọng IMO và chúng ta cũng vậy.  TTg Nguyễn Tấn Dũng đã đến khai mạc và CTN Nguyễn Minh Triết đã đến bế mạc và trao giải thưởng tại IMO 2007 do VN đăng cai lần đầu tiên trong lịch sử. Ở nhiều nước, khi đăng cai IMO, tham gia Uỷ ban Tổ chức thường có Tổng thống, Thủ tướng hoặc Chủ tịch QH và tất nhiên có Bộ trưởng GD. Nhiều Hoàng tử, Công chúa đã tham gia các buổi trao giải. Tại IMO được tổ chức ở Mỹ, Tổng thống Bush không đến dự trực tiếp được nhưng đã đọc lời chào mừng từ xa qua màn hình. Bởi vậy, không thể nói như một số người là chỉ ở nước ta, người ta mới quá quan tâm đến IMO.

Sự quan tâm của xã hội đối với IMO là hoàn toàn hợp lý và có cơ sở. Rất nhiều nhà toán học, vật lý, …, nổi tiếng của thế giới đã trưởng thành từ “phong trào Olympic”. Nếu nhìn lại nền toán học Việt Nam hiện nay thì điều đó càng rõ ràng hơn: có thể nói tuyệt đại đa số các nhà toán học, khoa học giỏi của nước ta đều đã từng được giải ở các kỳ thi Olympic quốc gia và quốc tế (tất nhiên trừ những người mà vào thời họ chưa có các kỳ thi này).

Nguyên nhân của thành tích

Thắng lợi ngọt ngào ngày hôm nay là hệ quả tất yếu của chiến lược đào tạo, bồi dưỡng và sàng lọc học sinh giỏi toán trong suốt nửa thế kỷ vừa qua, nói riêng là 40 năm tham dự IMO. Kết quả này có được là nhờ những người lãnh đạo, những bậc thầy có tầm nhìn chiến lược, đủ tầm, tâm và tài, đã cùng cả hệ thống chính trị phấn đấu thông minh và kiên cường.

Để tìm hiểu nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm từ thắng lợi của VN tại IMO trong suốt 40 năm qua, chúng ta cùng điểm lại những hoạt động truyền thống để chuẩn bị, tạo nguồn tham gia IMO: Thi học sinh giỏi văn, toán lớp 4, lớp 7, lớp 10 toàn miền Bắc bắt đầu từ năm 1961-1962, sau này là thi HS giỏi toán toàn quốc; Báo Toán học và Tuổi trẻ, người bạn thân thiết của nhiều thế hệ HS yêu toán, được xuất bản số đầu tiên 10/1964; Lớp Chuyên toán đầu tiên (cho HS 9-10/10) của miền Bắc VN được sáng lập năm 1965 tại ĐHTH HN (nay là ĐHQGHN, lớp A0), sau đó là các lớp tại ĐHSPHN, ĐHSP Vinh, rồi các tỉnh thành, …; đối với HS cấp 2 được bắt đầu từ năm 1970.

Chính GS Ngô Bảo Châu đã khẳng định, nếu không có hệ thống các Trường phổ thông chuyên chất lượng cao được Đảng, Nhà nước và các nhà khoa học, các nhà quản lý bậc thầy có tầm nhìn chiến lược thành lập từ năm 1965, thì không thể có một đội ngũ đông đảo các nhà khoa học, giáo dục, quản lý, kinh doanh,... trẻ Việt Nam xuất sắc như hiện nay đang làm việc ở trong và ngoài nước. Ví dụ: GS Toán học Ngô Bảo Châu, GS Vật lý Đàm Thanh Sơn, anh Nguyễn Hà Đông (cha đẻ của Flappy Bird, chuyên tin Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Đông, Hà Nội), …

Nhờ sự chỉ đạo và quan tâm sát sao của Đảng và Chính phủ, Bộ GD-ĐT, …, nhờ sáng kiến của GS Lê Văn Thiêm, GS Hoàng Tụy, GS Nguyễn Cảnh Toàn (TBT đầu tiên của báo TH&TT), …, và được sự ủng hộ mạnh mẽ và tâm huyết của GS BT Tạ Quang Bửu, GS BT Nguyễn Văn Huyên, …, và trên hết là nhờ sự chỉ đạo trực tiếp, cụ thể và quyết liệt của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ngoài ra còn phải kể đến đóng góp không nhỏ của các BCH Hội Toán học VN qua các thời kỳ, đứng đầu là các Chủ tịch: GS Lê Văn Thiêm, GS Nguyễn Đình Trí, GS Đỗ Long Vân, GS Phạm Thế Long, GS Lê Tuấn Hoa và GS Nguyễn Hữu Dư; đóng góp của lãnh đạo Khoa Toán của các ĐH ở HN, TP HCM, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Thái Nguyên, …, và Viện Toán học (Viện HLKHVN), các Sở GD-ĐT, …, và đóng góp của một số nhà toán học VN ở nước ngoài và người nước ngoài.

Bài học phát hiện và bồi dưỡng tài năng

 Để đào tạo người tài, ngoài việc phải tuân theo khoa học sư phạm nói chung, cũng cần phải lưu ý đến khoa học sư phạm đào tạo người tài, nếu không sẽ làm thui chột người tài. Ngược lại cũng vậy: Dùng phương pháp dậy người tài cho người bình thường cũng sẽ làm hỏng họ. Vì thế cần phải có cách riêng để phát hiện và bồi dưỡng học sinh năng khiếu, không chỉ toán học mà cả các môn KHTN khác, KHXH, cả âm nhạc, hội họa, nghệ thuật, thể dục thể thao, tay nghề, ..., nếu không, có thể làm mai một các em.

Tỷ lệ học sinh năm cuối THPT đoạt giải Olympic quốc gia (và quốc tế) hàng năm chỉ chiếm khoảng 1 phần 2.000 của tổng số học sinh cùng lứa tuổi. Một tỉ lệ rất nhỏ và quý hiếm!

Chúng ta có thể yên tâm, mỗi năm có khoảng 1.000 người tài trẻ tuổi (tài năng trẻ), họ được đặc cách vào đại học, làm nghiên cứu sinh, một số rất ít được phong đặc cách giáo sư, phó giáo sư và được nhận các phần thưởng cao quý của quốc gia và quốc tế, rồi họ sẽ là những hạt giống quý cho đất nước sau này. Với tài năng đặc biệt, họ có khả năng tự học thêm, tự bồi bổ thêm hiểu biết và nhanh chóng hoàn thiện kiến thức của mình để trở nên uyên bác ở nhiều lĩnh vực của khoa học, kỹ thuật, văn hoá, nghệ thuật,... Thế mới gọi là người tài. Xã hội cũng không nên quá lo họ sẽ “què quặt” trong một lĩnh vực cụ thể nào đó. Vả lại sang thế kỷ XXI này, việc tự học và học suốt đời là một yêu cầu mới, là một đặc trưng mới, nhất là với những người tài. Và cuối cùng thì  cũng cần phải rèn luyện để họ có sức khỏe và sự dẻo dai làm nền tảng cho tất cả, cho sự nghiệp và cho việc làm người. Vauvenargues đã nói : “Ta phải chăm sóc sự khỏe mạnh của thân thể để giữ gìn sự khỏe mạnh của trí tuệ”.

Một mặt chúng ta tin tưởng những HS năng khiếu có khả năng tự học thêm, tự hoàn thiện mình. Mặt khác chúng ta vẫn cần phải coi trọng giáo dục toàn diện cho người học, cả giáo dục nhân cách và hiểu biết về đời sống kinh tế - văn hoá - xã hội, rèn luyện kỹ năng sống để họ vững vàng bước vào cuộc sống với tư cách một người có năng lực phát triển chuyên môn và là một công dân phát triển toàn diện.

 GS.TSKH  Trần Văn Nhung,

(Tổng Thư ký Hội đồng chức danh GS Nhà nước, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang