Vinamilk không chi vượt mức quy định về quảng cáo

author 06:48 01/05/2014

(VietQ.vn) - Số tiền mà Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) dùng để chi cho quảng cáo, khuyến mại là chi cho toàn bộ ngành hàng chứ không riêng gì sản phẩm sữa bột trẻ em dưới 6 tuổi.

Sự kiện: Hãy là người dùng sữa thông thái

Báo cáo tài chính của Vinamilk

Cùng với thuế, ngân sách nhà nước, Vinamilk là công ty sữa hàng đầu ở Việt Nam luôn hỗ trợ, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng ở khắp mọi nơi. Ảnh: Q. T

Trong danh sách các doanh nghiệp sữa bị thanh tra, kiểm tra về việc tăng giá sữa được các cơ quan chức năng tiến hành vừa qua, Vinamilk cũng có tên trong 5 doanh nghiệp được thành tra: Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk, Công ty TNHH Dinh Dưỡng 3A (Việt Nam), Công ty TNHH Nestle Việt Nam, Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam, Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition (Việt Nam).

Theo kết luận của Bộ Tài chính mới đây, các công ty này chiếm thị phần khoảng 90% các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi với hình thức bán hàng chủ yếu là mua đứt, bán đoạn thông qua hệ thống các nhà phân phối. Có 3/5 công ty nhập khẩu sữa thành phẩm để phân phối và có 2/5 công ty nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất sữa trong nước. 

Cụ thể, trong năm 2013 và 3 tháng đầu năm 2014, 5 công ty sữa đều có việc điều chỉnh tăng giá bán các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi (không có trường hợp giảm giá). 

Căn cứ báo cáo kết quả thanh tra, Bộ Tài chính đã chỉ đạo xử phạt vi phạm hành chính về giá đối với Công ty TNHH Nestle Việt Nam do trong năm 2013 đã kê khai thiếu 3/24 sản phẩm sữa, mức xử phạt vi phạm hành chính về giá là 45 triệu đồng. 

Bộ Tài chính cũng phát hiện và truy thu đối với 4/5 công ty có hành vi đã kê khai thiếu thuế phải nộp ngân sách nhà nước năm 2013 với số tiền là hơn 10,2 tỷ đồng. 

Trong đó, Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam kê khai thiếu thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhà thầu phải nộp là hơn 5,24 tỷ đồng. Công ty Cổ phần sữa Việt Nam kê khai thiếu thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng phải nộp là hơn 2,7 tỷ đồng. Công ty TNHH Dinh Dưỡng 3A (Việt Nam) kê khai thiếu thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp là gần 1,9 tỷ đồng. Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition (Việt Nam) kê khai thiếu thuế giá trị gia tăng phải nộp là hơn 317 triệu đồng. 

Vinamilk đầu tư ra nước ngoài

Vinamilk luôn nỗ lực để đưa ra thị trường sản phẩm giá rẻ nhất, chất lượng tốt nhất, phục vụ người tiêu dùng. Ảnh: Q. T

Đồng thời, Bộ Tài chính yêu cầu các công ty tiết kiệm chi phí kinh doanh, nhất là chi phí quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị đã chi vượt mức quy định. Số tiền chi phí kinh doanh chi vượt tại 4/5 công ty là 386 tỷ đồng, làm tăng giá bán sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi từ 2,18% đến 16,39%. 

Cụ thể, Công ty TNHH Dinh Dưỡng 3A (Việt Nam) đã chi vượt mức quy định là 69 tỷ đồng. Công ty TNHH Mead Jonhson Nutrition (Việt Nam) đã chi vượt mức quy định là 249 tỷ đồng. Công ty TNHH Nestle Việt Nam đã chi vượt mức là 67 tỷ đồng. Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam đã chi vượt mức là 817 triệu đồng. Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam chi phí quảng cáo, khuyến mại đối với hoạt động kinh doanh các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi là 811 tỷ đồng (chiếm 21% giá thành).

Tuy nhiên, một đại diện của Vinamilk cho biết, Vinamilk là công ty duy nhất không bị chi vượt mức quy định về quảng cáo trong số 5 công ty sữa bị thanh tra. số kinh phí dành cho quảng cáo là chi phí cho toàn bộ ngành hàng của Vinamilk chứ không chỉ riêng cho sản phẩm sữa bột trẻ em dưới 6 tuổi.

Còn liên quan đến vấn đề tiền thuế, Vinamilk là DN bị nêu là kê khai thiếu số tiền thuế hơn 2,7 tỷ đồng cần truy thu. Vinamilk cho rằng, sau khi thanh tra loại trừ các chi phí không được tính vào chi phí hợp lý cho sản xuất kinh doanh thì Vinamilk cần phải kê khai nộp bổ sung thuế TNDN và thuế GTGT là 2,7 tỷ đồng, chứ không phải Vinamilk cố ý không kê khai để bây giờ bị truy thu. Năm 2013 Vinamilk nộp thuế cho nhà nước gần 3.500 tỷ đồng.

Được biết, kế hoạch doanh thu, lợi nhuận năm 2014 được trình ĐHCĐ thường niên của Vinamilk vừa diễn ra có các chỉ tiêu lợi nhuận giảm so với mức thực hiện năm 2013, mặc dù tổng doanh thu tăng gần 15%.

Cụ thể, VNM dự kiến tổng doanh thu 2014 đạt 36.289 tỷ đồng, tăng 14,9%, LNST 5.993 tỷ đồng, giảm 8,3%, tương đương mức giảm 541 tỷ đồng so với kết quả thực hiện năm 2013.

Định hướng doanh thu - lợi nhuận giai đoạn 2012 - 2016 vẫn được đề ra với xu hướng tăng dần. Mặc dù vậy, theo kế hoạch dài hơi này, LNST năm 2015 vẫn mới chỉ đạt 6.180 tỷ đồng, thấp hơn cả mức đạt được năm 2013 (6.534 tỷ đồng). Kế hoạch năm 2014, như vậy đã được điều chỉnh tăng so với định hướng trước đây.

Hồng Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang