"Vỡ đập thủy điện chứng tỏ thi công ẩu"

author 11:22 14/06/2013

(VietQ.vn) - Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã nói như vậy với báo giới bên lề Quốc hội về sự cố vỡ đập thủy điện Ia Krel 2, Giai Lai xảy ra vào sáng ngày 12/6.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết: Hiện nay, Chính phủ đang cho kiểm tra về thiết kế, thi công có đảm bảo chất lượng hay không. Việc này phải kiểm tra kỹ vì đây không phải là mùa lũ mà lại bị vỡ, chứng tỏ thi công rất ẩu. Thủ tướng cũng đã có ý kiến chỉ đạo phải kiểm tra và xử lý nghiêm những sai phạm xảy ra. Đập đất không phải là không bền vững, nhưng đòi hỏi phải thi công theo đúng tiêu chuẩn. Đúng là rất may không dẫn đến chết người và cũng may là xảy ra ban ngày. Chứ nếu vào mùa lũ, tích nước đầy thì đúng là chết. Cách làm như thế là không thể chấp nhận được.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải trao đổi với báo chí
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải trao đổi với báo chí
 
Thưa Phó Thủ tướng, sau vụ việc này chúng ta có rà soát lại các công trình thủy điện nhỏ trên toàn quốc?
 
Vừa rồi, các Bộ đã đi kiểm tra, như Bộ Công thương, Xây dựng, còn đập nhỏ thì do địa phương kiểm tra. Trong tổng 7000 hồ thì có 1000 là hồ thủy điện, còn lại là hồ thủy lợi. Vừa rồi kiểm tra cả hồ chứa thủy điện và thủy lợi để khắc phục các bất ổn. Mỗi địa phương ở miền Trung có 2 - 300 hồ cho nên công tác kiểm tra bảo đảm an tòan trước mùa lũ thì năm nào cũng thực hiện, nhưng đúng là có bất cập về vốn. Chính vì vậy việc triển khai thi công hồ thủy điện thì chủ đầu tư có thu nhập từ sản xuất điện từ hồ tốt hơn là duy tu bảo dưỡng. Cái chính là công tác kiểm tra kiểm soát phải thường xuyên để đảm bảo các tiêu chuẩn ấy được thực hiện và chúng ta phải rút kinh nghiệm để làm cho tốt hơn trong thời gian tới.
 
Thưa Phó Thủ tướng, khi xảy ra vụ vỡ đập thì trách nhiệm thuộc về cơ quan nào?
 
Trong phân công phân cấp hiện nay thì các hồ thủy điện thuộc Bộ Công thương, Còn hồ thủy điện công suất từ 30MGw trở xuống thì thuộc địa phương quản lý về công tác quy hoạch cũng như đầu tư xây dựng. Trường hợp đập thủy điện này cũng theo phân cấp như vậy.
 
Chúng ta đã có những giải pháp căn cơ như thế nào để tránh xảy ra những sự cố tương tự như một vài sự cố vỡ đập thủy điện xảy ra thời gian qua, thưa Phó Thủ tướng?
 
Thực tế thì trong những năm qua, Chính phủ thường xuyên chỉ đạo, Quốc hội thường xuyên hỏi thăm về vấn đề  an toàn đập thủy điện, không có kỳ họp nào là không có báo cáo về thủy điện cả. Năm nay Bộ Công thương vừa có một cái báo cáo liên quan tới thủy điện. Cuối năm ngoái, Bộ Xây dựng cũng có một cái báo cáo về chương trình đi kiểm tra tất cả các công trình xây dựng thủy điện, an toàn về hồ, đập thủy điện. Sang năm lại đang lấy ý kiến các ĐBQH về việc có thực hiện công tác giám sát về thủy điện hay không. Như vậy, thực tế an toàn thủy điện đã được tất cả các cấp từ Quốc hội, Chính phủ đến các bộ, ngành quan tâm. Các địa phương vừa rồi cũng rà soát lại các quy hoạch thủy điện thuộc diện quản lý của địa phương (tức là các thủy điện nhỏ và vừa). Họ chủ động rà soát kiểm tra và sẽ loại ngay những thủy điện không đảm bảo tính khả thi.
 
Còn những trường hợp làm gian, làm ẩu thì ở đâu cũng có, nếu chúng ta không thường xuyên kiểm tra kiểm soát thì có thể xảy ra hậu quả. Cái chính là chúng ta phải nhìn được, phát hiện trước được những nguy cơ để tránh xảy ra những thảm họa. Những sự cố công nghiệp rất dễ gây ra các thảm họa. Nếu không thường xuyên kiểm tra đến khi đã xảy ra sự cố thì không còn điều kiện để sửa chữa nữa.

Tới đây Chính phủ sẽ có chế tài hoặc biện pháp mạnh như thế nào để xử phạt lãnh đạo các địa phương để xảy ra các sự cố như vậy, thưa Phó Thủ tướng?
 
Biện pháp mạnh mẽ hay chế tài thì mình có hết rồi. Còn vụ này, Cục Giám định Bộ Xây dựng, Cục An toàn, Bộ Công thương, địa phương cũng đã vào cuộc.
 
Về trách nhiệm, thứ nhất phải tính tới sai sót thiết kế là do đơn vị nào, rồi thi công, nghiệm thu, vận hành… Sau đó phải xử lý trách nhiệm một cách nghiêm khắc. Chứ không phải vì chưa xảy ra chết người mà không xử lý hết trách nhiệm. Sự cố lần này là ăn may, chứ nếu không đã trở thành thảm họa rồi. Vì thế nếu không xử lý nghiêm thì sẽ rất nguy hiểm. Xử lý còn để làm gương cho các công trình khác, chứ không chỉ xử lý đối với trách nhiệm ở ngay công trình đó. Xử lý để răn đe các chủ đầu tư khác phải hết sức tôn trọng các quy định của pháp luật, nguyên tắc để họ không vi phạm.
 
Hiện còn nhiều công trình thủy điện đang thi công, liệu có nên thực hiện một cuộc tổng kiểm tra rà soát, thưa Phó Thủ tướng?
 
Các hồ thủy lợi, thủy điện vẫn thường xuyên phải xây dựng vì chúng ta vẫn cần rất nhiều. Ở Tây Nguyên vừa rồi hạn hán ảnh hưởng rất nhiều. Nhiều nơi người ta bảo không cần gì, chỉ cần cho tôi cái đập tích nước, nghĩa là cho tôi cái cần câu cơm, bởi vì toàn bộ cây nông nghiệp lúc đó mới phát triển, cần có nước để sử dụng. Còn nếu không thì người dân sẽ khó đảm bảo đời sống. Cần thì rất cần nhưng không có nghĩa là làm bậy. Phải coi đây là một trường hợp rất may, nhưng không thể hi vọng trường hợp sau sẽ gặp may như thế nữa Còn đối với những địa phương, những chủ đầu tư làm tốt thì mình phải nhân lên chứ không phải quy chụp tất cả những ông thủy điện này đều là làm bậy hết.
 
Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!
 
Lê Trang (ghi)
 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang