Vụ cá chết chứng minh nhà khoa học Việt Nam ‘hơn tầm’ Nhật Bản

author 15:33 01/07/2016

(VietQ.vn) - Việc tìm ra nguyên nhân cá chết trong thời gian ngắn thể hiện nỗ lực, cố gắng, đồng thời chứng minh trình độ, năng lực của nhà khoa học trong nước.

Chiều 30/6, Chính phủ họp báo công bố nguyên nhân gây ra hiện tượng hải sản chết bất thường ở 4 tỉnh miền Trung, cùng với đó là giải pháp khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường và phương án đền bù cho ngư dân.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng công bố nguyên nhân

Phát biểu tại họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, sau khi có sự cố, lãnh đạo Đảng, nhà nước đã trực tiếp chỉ đạo. Bước đầu đánh giá thiệt hại về kinh tế, xã hội, môi trường, chỉ đạo cơ quan khoa học làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây ra sự cố trên tinh thần thận trọng, khoa học, chính xác, khách quan và đúng pháp luật.

Đã tổ chức trên 100 nhà khoa học, có sự phản biện của chuyên gia quốc tế, xác định nguồn thải lớn nhất tại khu vực Vũng Áng, Hà Tĩnh, chứa độc tố như phenol, xyanua, kết hợp với hidroxit sắt, tạo thành một dạng phức hỗn hợp (mixel) theo dòng hải lưu đến Thừa Thiên - Huế làm hải sản và sinh vật biển chết hàng loạt. Bộ Tài nguyên môi trường đã rà soát nguồn thải, thành lập đoàn kiểm tra.

Với chứng cứ khách quan, khoa học, Bộ Tài nguyên - Môi trường phối hợp các bộ ngành nhiều lần làm việc với Formosa Đài Loan cũng như Formosa Hà Tĩnh. Ngày 28/6, Formosa Hà Tĩnh nhận trách nhiệm làm hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh.

Thủ tướng cũng chỉ đạo ngăn chặn kẻ xấu lợi dụng, biểu dương nỗ lực của các nhà khoa học, sự vào cuộc của các Ban Đảng, tổ chức chính trị xã hội và các cơ quan báo chí trong và ngoài nước.

Chính phủ hoan nghênh dư luận Đài Loan ủng hộ Việt Nam xử lý nghiêm sai phạm vừa qua, yêu cầu Formosa hợp tác. Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện chính sách, tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực thi pháp luật.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng đây là bài học cho các doanh nghiệp trong tuân thủ pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật về môi trường.

Cũng tại buổi họp báo, Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, ngay từ đầu, các cơ quan chức năng đã xác định đây là sự cố môi trường lớn và nghiêm trọng lần đầu tiên xảy ra ở Việt Nam. Thủ tướng đã chỉ đạo và phân công các bộ ngành, các địa phương có liên quan, trong đó cụ thể phân công Bộ Khoa học - Công nghệ phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học biển Việt Nam khẩn trương và nhanh chóng bằng những căn cứ khoa học, khách quan và chặt chẽ để sớm nhất tìm ra nguyên nhân.

Việc tìm ra nguyên nhân cá chết trong vòng 2 tháng thể hiện sự nỗ lực và cố gắng cao nhất, không kể ngày đêm của các nhà khoa học

Về phía các nhà khoa học, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đánh giá: “Các nhà khoa học đã vào cuộc với những nỗ lực và cố gắng cao nhất, không kể ngày đêm trong suốt thời gian qua. Quá trình tiếp cận bằng nhiều phương pháp khoa học khác nhau, huy động tất cả các lực lượng, mở rộng ra các chuyên gia khoa học nước ngoài. Cùng với đó, có những khó khăn trong việc xác định nguyên nhân này là chúng ta phải thực sự tìm kiếm những dấu vết ngay tại thực địa, ngay dưới đáy biển và đồng thời với đó phải phân tích và hồi tố về những điều kiện thực địa ban đầu”.

Bộ trưởng nhấn mạnh, kết quả khoa học với sự bổ trợ hết sức quý báu của các nhà khoa học và chuyên gia quốc tế như Nhật, Pháp, Đức, Israel, Mỹ đã bổ sung các dữ liệu, cùng các nhà khoa học Việt Nam đối chứng, phân tích so sánh đánh giá các chỉ tiêu, thông qua đó đã có các căn cứ khoa học với đầy đủ tin cậy, khách quan, tính thuyết phục cao nhất được các nhà khoa học trong nước và quốc tế thừa nhận.

“Tôi xin nhấn mạnh, với kết quả và bằng chứng công bố hôm nay, thể hiện nỗ lực, cố gắng của các nhà khoa học trong nước, đồng thời minh chứng trình độ, năng lực của nhà khoa học trong việc tiếp cận và xử lý những vấn đề khoa học hết sức phức tạp như diễn  biến của sự cố này”, Bộ trưởng nói.

Ông Chu Ngọc Anh cho biết thêm: “Có một sự so sánh rất tương tự, tháng 12/2004, tỉnh Chiba (Nhật Bản) đã có sự cố môi trường nghiêm trọng xảy ra. Hơn 1 năm sau, ngày 27/12/2005, Hội đồng đánh giá của Nhật Bản với những chuyên gia hàng đầu về môi trường biển mới có thể kết luận nguyên nhân cũng là một tương tự từ vi phạm môi trường xử lý chất thải của Công ty gang thép FJ (Nhật Bản) đã thải khí độc vào không khí và xả nước thải chứa xyanua vào vịnh Tokyo. Đây là minh chứng sinh động để chúng ta thấy toàn bộ nỗ lực chúng ta đã có được kết luận hết sức khách quan được quốc tế thừa nhận trong 2 tháng qua”.

Hoàng Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang