Vụ cán bộ đường sắt nhận hối lộ: Quanh co chối tội nhưng không thoát đề nghị 13 năm tù

authorHồng Anh 21:20 26/10/2015

(VietQ.vn) - 6 bị cáo lần lượt bị truy tố trong vụ nhận lót tay 11 tỉ đồng xảy ra tại Ban quản lý Dự án đường sắt Việt Nam quanh co chối tội nhưng vẫn không thoát đề nghị mức án cao nhất 13 năm tù.

Làm xấu hình ảnh quan hệ Việt-Nhật

Hôm nay (26/10), trong cả ngày, TAND TP. Hà Nội mở phiên tòa xét xử “6 quan tham” trong vụ nhận tiền ngoài hợp đồng Dự án “Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1), giai đoạn 1”, với số tiền “lót tay” lên tới 11 tỷ đồng.

6 bị cáo lần lượt bị truy tố là: Phạm Hải Bằng, Nguyễn Nam Thái, Trần Văn Lục, Trần Quốc Đông, Nguyễn Văn Hiếu và Phạm Quang Duy. Các bị cáo đều từng là cán bộ dự án đường sắt RPMU.

6 bị cáo lần lượt bị truy tố trong vụ nhận lót tay 11 tỉ đồng xảy ra tại Ban quản lý Dự án đường sắt Việt Nam

6 bị cáo lần lượt bị truy tố trong vụ nhận lót tay 11 tỉ đồng xảy ra tại Ban quản lý Dự án đường sắt Việt Nam

Sau khi HĐXX tiến hành xét hỏi các bị cáo để làm rõ số tiền mà phía nhà thầu là Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản JTC đưa cho Phạm Hải Bằng và việc chi tiêu số tiền nói trên, Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) TP. Hà Nội giữ quyền công tố đã đọc bản luận tội và đề nghị mức án đối với Phạm Hải Bằng và 5 đồng phạm trong vụ án.

Theo đại diện VKS giữ quyền công tố, hành vi của các bị cáo rất nghiêm trọng, làm đình trệ tiến độ của dự án, xâm phạm lợi ích quốc gia, làm xấu hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế, làm xấu quan hệ Việt Nam – Nhật Bản. VKS khẳng định, cáo trạng truy tố cáo bị cáo là đúng người đúng tội, đúng pháp luật.

Các bị cáo quanh co chối tội

Tại phần xét hỏi, bị cáo Bằng quanh co xung quanh việc nhận tiền “bôi trơn” của mình. Lý do mà bị cáo đưa ra nhằm yêu cầu bên phía nhà thầu JTC hỗ trợ kinh phí là để lường trước những khó khăn sẽ gặp phải trong quá trình tổ chức các cuộc hội họp, hội thảo, lấy ý kiến… và yêu cầu này được đại diện JTC đồng ý.

Bị cáo Bằng cũng trả lời HĐXX rằng không nhớ rõ số lần, số lượng cũng như phương thức nhận tiền từ phía nhà thầu, mà chỉ nhớ tổng số tiền nhận của JTC khoảng 11 tỷ đồng.

Các bị cáo bị đề xuất các mức án, mức án cao nhất là 13 năm

Các bị cáo bị đề xuất các mức án, mức án cao nhất là 13 năm

Ngoài ra, Bằng một mực khẳng định không hề trực tiếp trao đổi, tác động hay ép buộc phía JTC mà hoàn toàn do nhà thầu tự nguyện hỗ trợ. Trước sự quanh co của bị cáo, HĐXX đã buộc phải công bố lời khai của một số chuyên gia người Nhật liên quan (đã bị xử lý theo pháp luật Nhật Bản).

Dùng tiền "bôi trơn" làm quà biếu Tết

Tại tòa, bị cáo Bằng khai, ngoài việc chuyển 100 triệu đồng cho Trần Văn Lục để cảm ơn trong thời gian Lục đương chức đã nâng đỡ mình, thì Bằng còn chuyển tiền cho một số lãnh đạo khác là Trần Quốc Đông, Nguyễn Văn Hiếu.

Khi được hỏi về việc nhận tiền trên, Trần Văn Lục – Giám đốc BQL Dự án đường sắt (từ năm 1999 đến 2009) đã phủ nhận hành vi phạm tội của bản thân. Bị cáo Lục khẳng định không hề hay biết việc Phạm Hải Bằng nhận tiền “bôi trơn” từ JTC.

Tuy nhiên, nguyên Giám đốc RPMU lại thừa nhận từng nhận 30 triệu đồng tiền chúc Tết nguyên đán của Bằng năm 2010.

Các bị cáo vụ quan chức đường sắt nhận hối lộ quanh co chối tội

Các bị cáo vụ quan chức đường sắt nhận hối lộ quanh co chối tội

Nhưng tại phần đối chất của Bằng lại khẳng định: “Sau khi nhận tiền từ JTC, bị cáo đã báo ngay với anh Lục và còn nói rõ kế hoạch chi tiêu vào những việc hội họp, nghỉ mát của BQL dự án”. Được hỏi lại, Trần Văn Lục hồi đáp: “Bị cáo nghe rõ”.

Tương tự như đối với Lục, Trần Quốc Đông cũng nhận được quà biếu Tết của Bằng với số tiền 30 triệu. Món quà này được Trần Quốc Đông lý giải rằng, ở Việt Nam, ngày lễ, tết biếu quà nhau là chuyện phổ biến nên bị cáo không suy nghĩ sâu sa, cũng như không truy xét số tiền bất chính trên của Bằng là từ đâu mà có.

Tại tòa, Nguyễn Văn Hiếu cũng một mực phủ nhận số tiền 50 triệu đồng nhận từ Bằng.

Trả lời thẩm vấn, bị cáo Nguyễn Nam Thái khai chỉ nhận tiền gián tiếp của JTC thông qua Phạm Hải Bằng.

“Việc nhận tiền là đúng, giúp cho công việc của dự án được trôi chảy, chỉ sau khi làm việc với cơ quan điều tra thì bị cáo biết mình sai”, Nam Thái khai.

Còn bị cáo Phạm Quang Duy khẳng định nhận một lần trực tiếp từ phía đối tác Nhật Bản số tiền 3 triệu Yên, sau đó ra phố Hà Trung (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đổi sang tiền VNĐ để tổ chức lễ ký kết hợp đồng.

Viện Kiểm sát đề nghị mức án cao nhất tới 13 năm

VKS đề nghị xử phạt Phạm Hải Bằng từ 11-13 năm từ giam. Bằng phải nộp hơn 3,6 tỉ đồng tiền thu lợi bất chính;

Nguyễn Nam Thái bị đề nghị từ 10-12 năm tù giam. Thái phải nộp hơn 2,8 tỉ đồng tiền thu lợi bất chính.

Phạm Quang Duy bị đề nghị mức án từ 8-10 năm tù giam. Duy phải nộp hơn 2,3 tỉ đồng tiền thu lợi bất chính.

Trần Văn Lục bị đề nghị mức án từ 6-8 năm tù giam. Số tiền 100 triệu đồng bị cáo nộp vào tài khoản của cơ quan điều tra, VKS đề nghị bổ sung công quỹ.

Trần Quốc Đông bị đề nghị mức án từ 7-9 năm tù giam. Số tiền 30 triệu đã nộp, VKS đề nghị bổ sung công quỹ.

Đối với bị cáo Nguyễn Văn Hiếu, VKS đề nghị mức án từ 7-9 năm tù giam, buộc bị cáo phải nộp 50 triệu đồng tiền thu lợi bất chính.

Ngoài ra, VKS đề nghị tòa kê biên tài sản của các bị cáo: Phạm Hải Bằng, Nguyễn Nam Thái và Phạm Quan Duy để đảm bảo công tác thi hành án.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang