Vụ cháu bé chết ở trường mầm non: Lỗ hổng quản lý Y tế

author 14:50 31/08/2013

(VietQ.vn) - Qua tìm hiểu cho thấy, công tác kiểm tra, giám sát trường mầm non của cán bộ Phòng Y tế quận Long Biên, Hà Nội “có vấn đề”.

Nhóm PV Chất lượng Việt Nam trong vai người có con nhỏ đã tìm đến các trường mầm non tư thục, các nhóm lớp nhận trông trẻ có độ tuổi từ 1 – 3 tuổi trên địa bàn quận Long Biên.

Chỉ kiểm tra đột xuất khi có đơn thư của phụ huynh

Khi tìm đến các lớp mầm non tư thục đang hoạt động đều không có phòng y tế hoặc nếu có thì trang thiết bị sơ, cấp cứu, các bảng biểu hướng dẫn cách sơ cứu lại rất sơ sài.

Nguyên hiệu trưởng 1 nhóm lớp mầm non tư thục trên địa bàn Quận Long Biên cho rằng, tình trạng này là phổ biến hiện nay. Bởi theo bà, việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng ở phòng Y tế, giáo dục quận Long Biên diễn ra hết sức sơ sài. Thậm chí chỉ đi kiểm tra cho có lệ và lấy phong bì là chính(!?)

Công tác quản lý trường mầm non tư thục trên địa bàn quận Long Biên đang có nhiều thiếu sót
Công tác quản lý trường mầm non tư thục trên địa bàn quận Long Biên đang có "nhiều vấn đề"

Trong khi đó, liên quan đến cái chết tức tưởi của cháu bé 1 tuổi ở nhóm lớp mầm non Thiên Thần Nhỏ, bà Khuất Thị Dung (Phó phòng Y tế quận Long Biên) cho biết, một ngày sau khi sự việc xảy ra, phòng Y tế quận Long Biên đã có chỉ đạo giao trạm y tế phường xuống cơ sở mầm non để kiểm tra sự việc và báo cáo.

Bà Dung cho hay, trường này trước đây đã hoạt động được khoảng 2 năm tại phường Gia Thụy và mới chuyển về đây hoạt động khoảng hơn 1 tháng. “Do trường mới chuyển về, trong khi theo qui định về kiểm tra định kỳ hằng năm thì đến tháng 9 mới diễn ra. Còn việc kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở mầm non là vẫn có nhưng việc kiểm tra đột xuất chỉ khi nào có đơn thư của phụ huynh thì phòng mới đề xuất, kết hợp với các ban ngành khác để kiểm tra”, bà Dung phân bua.

Phản ứng lại thông tin này, nguyên nữ hiệu trưởng nhóm lớp mầm non có trụ sở quận Long Biên cho rằng, điều này là không đúng vì trường của bà trước đây liên tiếp phải đón đoàn kiểm tra của phòng Y tế xuống "làm việc". Mỗi lần "làm việc" như thế bà đều phải để phong bì vào cho đoàn kiểm tra của quận(!?)

Áp dụng thông tư cũ?

Tại buổi làm việc, nhóm PV không khỏi băn khoăn khi mà phòng Y tế quận Long Biên vẫn áp dụng các quy định của thông tư liên tịch số 18/ 2011 của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo – Bộ Y Tế để kiểm tra, đánh giá các tiêu chí về Y tế, các trang thiết bị sơ, cấp cứu, trình độ chuyên môn Y tế đối với các cơ sở mầm non.

Trong khi đó thông tư số 22/2013/TTLT – BGDĐT – BYT của BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO - BỘ Y TẾ ngày 18/6/ 2013 đã chính thức có hiệu lực, áp dụng bắt đầu từ ngày 04/08/2013 quy định về đánh giá công tác y tế tại các cơ sở giáo dục mầm non.

Thậm chí bà Dung còn tỏ ra bỡ ngỡ khi PV đề cập đến thông tư mới này.

Theo các chuyên gia Y tế, các giáo viên từng có kinh nghiệm trong việc sơ cấp cứu cho trẻ ở độ tuổi từ 1 – 3 tuổi cho hay, đối với các cháu trong nhóm tuổi này khi đến lớp việc các cháu bị “sặc”  trong và sau khi ăn là chuyện thường gặp. Với các trang bị theo bắt buộc theo qui định của bộ Y tế, bộ Giáo dục đối với cơ sở mầm non, thì dù là giáo viên, hay nhân viên Y đều có thể sơ, cấp cứu khi gặp trường hợp này. (Còn nữa).

 
Điều 14. Phòng y tế
1. Bảo đảm diện tích từ 12m2 trở lên.
2. Có bảng theo dõi tiêm chủng, uống vắc xin và khám sức khoẻ định kỳ cho trẻ em; phác đồ sơ cứu, cấp cứu một số bệnh và tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em; tranh ảnh, tài liệu tuyên truyền về chăm sóc sức khoẻ, phòng bệnh cho trẻ em.
3. Được bố trí ở vị trí thuận lợi cho công tác sơ cứu, cấp cứu ban đầu và vận chuyển trẻ em mắc bệnh lên tuyến trên.
4. Bảo đảm vệ sinh khu vực xung quanh phòng y tế và trong phòng y tế. Có hệ thống thu gom và xử lý chất thải theo quy định.
Điều 15. Trang thiết bị và thuốc
1. Có tủ thuốc được trang bị các loại thuốc thiết yếu; có sổ quản lý, kiểm tra và đối chiếu xuất, nhập thuốc theo quy định.
2. Có các trang thiết bị chuyên môn thiết yếu phục vụ sơ cứu, cấp cứu và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ em; có ít nhất 01 giường khám bệnh và lưu trẻ em mắc bệnh để theo dõi.
3. Có bàn, ghế, tủ, thiết bị làm việc thông thường khác.
Ngoài ra, tại điều số 18 cũng có nêu rất rõ quy định bắt buộc về chuyên môn đối với nhân viên Y tế khi làm việc tại các trường mầm non, các lớp, hay nhóm lớp, các trường mầm non tư thục.
Điều 18. Nhân viên làm công tác y tế
1. Nhân viên làm công tác y tế trường học có trình độ từ trung cấp y trở lên thuộc biên chế chính thức của nhà trường.
2. Tham mưu với Hiệu trưởng nhà trường xây dựng kế hoạch công tác y tế trường học cho từng năm học và tổ chức triển khai thực hiện theo kế hoạch.
3. Được tham gia các hội thảo, lớp tập huấn, đào tạo chuyên môn do ngành y tế, giáo dục và các ban ngành, cơ quan khác tổ chức hằng năm.
4. Được hưởng chế độ, chính sách, phụ cấp ưu đãi theo quy định hiện hành của Nhà nước. (Trích Theo thông tư liên tịch, quy định về đánh giá công tác y tế tại các cơ sở giáo dục mầm non số số: 22/2013/TTLT – BGDĐT – BYT của BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO - BỘ Y TẾ ngày 18 tháng 06  năm 2013.)
 

Bảo Hân - Khánh An

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang