Thế giới Di động 'bốc hơi' hàng tỷ đồng

author 09:39 12/03/2020

(VietQ.vn) - Sau thông tin một nhân viên nữ của Điện Máy Xanh – Thế giới Di động (MWG) dương tính với virus Covid-19 ngày 11/3, cổ phiếu MWG trên sàn chứng khoán giảm sút do hàng loạt nhà đầu tư bán tháo.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/3, cổ phiếu MWG của Thế giới Di động giảm sàn (6,9%) xuống còn 87.400 đồng/cổ phiếu, đánh rơi mốc 90.000 đồng/cổ phiếu, đồng thời xuống mức giá thấp nhất kể từ giữa năm 2019.

Như vậy, cổ phiếu MWG đã ghi nhận 3 phiên giảm liên tiếp trong tuần này, khiến giá cổ phiếu sụt giảm hơn 15,2%. Tính từ khi thị trường chứng khoán mở cửa lại từ sau kì nghỉ Tết Nguyên Đán, cổ phiếu này hiện đã giảm hơn 26%, đánh mất gần hết thành quả tăng giá trong năm 2019.

Với hơn 453 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa của Thế giới Di động bốc hơi 2.946 tỷ đồng trong phiên hôm nay, hiện giảm xuống còn 39.610 tỷ đồng, xếp dưới Tập đoàn Masan (MSN) và Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank; MBB).

 Đóng cửa Điện Máy Xanh - nơi có nhân viên dương tính Covid-19.

Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý IV năm 2019, doanh thu và lợi nhuận của MWG đều tăng. Cụ thể quý IV/2019, tổng doanh thu MWG đạt 103.485 tỷ đồng, tăng 18% so mức 87.738 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp của MWG ghi nhận 19.488 tỷ đồng, tăng 27% so năm trước, tương ứng tỷ suất lãi gộp biên cũng tăng khá từ mức 17,6% lên 19%. Như vậy, sau khi trừ một loạt chi phí khác, MWG vẫn lãi ròng 3.834 tỷ đồng, tăng 33% so năm 2018.

Tuy nhên, nhìn kĩ bảng báo cáo tài chính MWG, trong cơ cấu nguồn vốn 41.708 tỷ đồng của MWG, nợ phải trả chiếm tới gần 71%, tương ứng 29.564 tỷ đồng chủ yếu là nợ ngắn hạn.

Trong đó, vay nợ tài chính ngắn hạn của MWG tăng vọt gấp 2,2 lần đầu kỳ, lên tới 13.031 tỷ đồng. Còn vay nợ tài chính dài hạn vẫn duy trì ở mức chỉ 1.122 tỷ đồng. Do vay nợ lớn khiến MWG phải chi ra hơn 568 tỷ đồng chi phí lãi vay trong năm 2019, tăng hơn 30% so với năm 2018.

Ngoài ra, MWG cũng là “con nợ” của nhiều ngân hàng như: Ngân hàng TNHH MTV HSBC (Việt Nam) 1.952 tỷ đồng; Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation chi nhánh Hà Nội 1.844 tỷ; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank, CTG) 1.698 tỷ đồng; Ngân hàng TNHH MTV ANZ (Việt Nam) chi nhánh TP.HCM 1.432 tỷ đồng; Ngân hàng TNHH Mizuho Bank chi nhánh Hà Nội 1.268 tỷ đồng...

Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang