Vườn ươm doanh nghiệp - Cánh cửa để ra biển lớn

author 19:10 07/08/2014

(VietQ.vn) - Một trong những kết quả hoạt động của Vườn ươm Doanh nghiệp chế biến và đóng gói thực phẩm Hà Nội từ tháng 1/2013 cho đến nay đó là tạo thêm khoảng 300 việc làm cho lao động, góp phần tăng trưởng kinh tế thủ đô.

Vườn ươm Doanh nghiệp - Mô hình cần nhân rộng

Dự án “Vườn ươm doanh nghiệp chế biến và đóng gói thực phẩm Hà Nội” (gọi tắt là HBI) là một hợp phần thuộc “chương trình hỗ trợ khu vực tư nhân Việt Nam” do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

HBI ra đời nhằm thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đẩy mạnh quá trình tạo công ăn việc làm ở Việt Nam bằng cách tạo ra một trung tâm điển hình với những chuẩn mực tốt nhất và có khả năng nhân rộng cho những vườn ươm công nghệ nói chung và những Vườn ươm Chế biến và đóng gói thực phẩm nói riêng.

Bên cạnh đó, HBI còn tạo ra môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp mới thành lập có thể hoạt động tốt trong những năm khó khăn ban đầu. Sau 3 đến 5 năm các doanh nghiệp có thể tách khỏi vườn ươm và nhường chỗ cho các công ty mới thành lập khác. Có quy định cụ thể về các bước gia nhập và rời khỏi vườn ươm.

Theo đánh giá của các chuyên gia, HBI là dự án có rất nhiều thuận lợi, như được tài trợ kinh phí từ 2 phía, Chính phủ Việt Nam và EU; Được vận hành theo kinh nghiệm quốc tế dưới sự hỗ trợ của EU; quá trình hình thành và vận hành rất bài bản, với sự hỗ trợ của nhiều chuyên gia quốc tế; được sự đồng thuận của các cơ quan hữu quan.

 

Vườn ươm Doanh nghiệp chế biến và đóng gói thực phẩm Hà Nội

Doanh nghiệp chế biến và đóng gói thủy sản nhận được nhiều ưu đãi khi tham gia dự án Vườn ươm doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, qua việc thực hiện vận hành dự án “Vườn ươm doanh nghiệp chế biến và đóng gói thực phẩm Hà Nội” cho thấy, mặc dù đã có những nỗ lực đáng kể trong việc phát triển và ươm tạo doanh nghiệp, nhưng các nhà quản lý và cán bộ điều hành vườn ươm vẫn phải đương đầu với một số khó khăn liên quan tới cơ chế quản lý chi phối các hoạt động.

Khó khăn lớn nhất là về khái niệm và mô hình Vườn ươm doanh nghiệp. Đây là một khái niệm rất mới ở Việt Nam, cũng là một trong những rào cản trong quá trình triển khai như đăng ký kinh doanh, đăng ký mã số thuế, đăng ký các dịch vụ điện thoại, viễn thông, đặt quan hệ hợp tác, tìm kiếm doanh nghiệp, khách hàng, thiết kế va xây dựng vườn ươm.

Thời gian xây dựng Vườn ươm dự kiến là 6 tháng, nhưng trên thực tế, mất 2 năm mới có thể hoàn thành do quá trình xây dựng gặp phải một số khó khăn như chưa có một thiết kế xây dựng vườn ươm nào chuẩn trên thế giới để làm mô hình học hỏi; Vườn ươm tại Hà Nội dành cho sản xuất và chế biến thực phẩm nên có những tiêu chuẩn đặc thù về an toàn vệ sinh thực phẩm; khó khăn và chậm trễ trong khâu thẩm định và phê duyệt dự án xây dựng.

Kết quả của Vườn ươm doanh nghiệp được khẳng định

Theo báo cáo tóm tắt của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, hết ngày 31/12/2012, dự án Vườn ươm Doanh nghiệp chế biến và đóng gói thực phẩm Hà Nội kết thúc giai đoạn tài trợ của EU, toàn bộ hoạt động của HBI chuyển về hoạt động bằng nguồn ngân sách của Thành phố Hà Nội.

Hiện tại, tổng số doanh nghiệp đã và đang ươm tạo tại vườn ươm doanh nghiệp Hà Nội là 34 doanh nghiệp, một số doanh nghiệp phát triển tốt và đã tốt nghiệp khỏi vườn ươm; một số doanh nghiệp khác hoạt động kém hiệu quả đã giải thể (phần lớn những doanh nghiệp này hoạt động kém hiệu quả ở khâu đầu ra tiêu thụ sản phẩm). Hiện tại, Vườn ươm đang trực tiếp ươm tạo cho 8 doanh nghiệp khách hàng hoạt động ổn định.

Từ đầu năm 2013 tới nay, Vườn ươm tạo thêm 300 việc làm cho lao động, góp phần tăng trưởng kinh tế thủ đô. Nhiều ý tưởng kinh doanh của các khách hàng trong Vườn ươm đã được thương mại hóa như các sản phẩm thủy sản như cá đóng hộp, chả cá, chả mực, cá viên, mực xiên…; các sản phẩm từ thịt bò, thịt lợn và thịt thỏ như thịt hộp, xúc xích, thịt hun khói; rượu vang hibiscus, thạch các loại, dầu thực vật, tương ớt….

Thời gian tới, Vườn ươm sẽ tiếp tục duy trì và phát triển những hoạt động của dự án, đồng thời huy động sự hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách của Trung ương hoặc chính quyền địa phương, huy động các nguồn tài trợ trong và ngoài nước.

Ông Lê Văn Quân, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa đề xuất: “Để Vườn ươm hoạt động tốt hơn, Trung ương và Thành phố Hà Nội cần tạo điều kiện để nhân rộng mô hình Vườn ươm sang nhiều lĩnh vực khác, thu hút tài trợ quốc tế, các tổ chức phi chính phủ cùng hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội phát triển, cạnh tranh được trong điều kiện gia nhập WTO, đóng góp nhiều hơn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ Đô”.

Hương Giang


 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang